Bà Lê Thị Thơ - hộ chăn nuôi heo ở thị trấn Gia Ray, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) cho biết: Gia đình bà nhiều năm liền thường xuyên nuôi hơn 30 heo thịt, 2 heo nái và 1 dự bị nái trong chuồng. Với số lượng heo này, tuy không giàu có gì nhưng mỗi năm xuất chuồng hơn 2 đợt, sau khi trang trải nợ cám, tiền thuốc men tiêm cho heo chút đỉnh nữa… gia đình cũng còn dôi ra đủ tiền chợ tằn tiện suốt năm cho cả nhà 4 miệng ăn.
|
Nhiều hộ đang duy trì việc nuôi cầm chừng. |
“Thế nhưng, 2 tháng trước, gia đình tôi không dám neo đàn thêm nữa vì thấy cứ mỗi ngày giá heo càng giảm nên phải bán hết cả bầy với giá chỉ 39.000-40.000 đồng/ký để trả nợ đã khất mấy tháng trước với đại lý bán cám. Sau đó, treo máng không nuôi nữa, tôi chuyển sang thâm canh vườn rau” - bà kể. Xem ra bà Thơ cũng còn may, nếu cứ tiếp tục nuôi thì đến nay chắc lỗ lớn hơn nữa vì giá heo hiện thời chỉ còn 34.000-35.000 đồng/ký, có nhà do heo chưa đủ tạ nên chỉ bán được 32.000 đồng/kg” - bà Thơ cho biết thêm.
Tương tự như tình cảnh của bà Thơ, nhiều hộ chuyên nuôi khoảng 15-20 chục heo thịt như gia đình ông Lê Văn Nam ở xã Suối Nho, huyện Định Quán, gia đình bà Nguyễn Thị Cảnh và bà Trần Thị Chanh ở xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) cũng đã bỏ nghề từ hơn tháng nay vì liên tiếp trong mấy tháng liền heo rớt giá, bị lỗ nặng. Họ chuyển sang trồng rau, chăm sóc cây cảnh, có người chạy chợ mua bán lặt vặt, kiếm sống qua ngày…
Còn bà Nguyễn Thị Phượng - chuyên nuôi lợn nái ở Phúc Thọ (Hà Nội) ngao ngán cho biết: “Năm ngoái, thời điểm này trong chuồng nhà có hơn 12 lợn và hàng trăm lợn giống, nhưng đến nay tôi chỉ giữ lại 1 con lợn nái để duy trì. Tranh thủ làm đậu mang ra chợ bán chứ trông chờ vào chăn nuôi lúc này thì chắc chết”.
Ông Nguyễn Kim Đoán - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho hay, Đồng Nai hiện là địa phương có đàn heo lớn nhất nước, luôn ổn định khoảng 1,2 triệu con, trong đó trang trại nuôi tập trung công nghiệp chiếm khoảng 60% đàn, số còn lại thuộc các hộ chăn nuôi gia đình nhỏ lẻ.
Thời gian qua do giá heo xuất chuồng tiếp tục tuột dốc, nhiều hộ chăn nuôi gia đình đã không trụ được phải bỏ nghề. Tính riêng tại huyện Thống Nhất, trước tình hình giá liên tục xuống thấp như hiện nay thì mỗi tháng xuất heo đi, người nuôi thiệt khoảng 25 tỷ đồng. Còn đối với các trang trại nuôi heo tập trung, tuy liên tiếp mấy tháng trời bị thua lỗ nhưng họ vẫn cố bám trụ lại do nhiều nguyên nhân như cơ sở chuồng trại đã bỏ vốn ra xây dựng ổn định, nuôi heo là nghề lâu đời, vốn tự có không phải đi vay mượn…
Đặc biệt, họ cho rằng giá heo rồi đây sẽ tăng lên do lượng heo ít đi mà nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng thì luôn cần thịt. “Tuy nhiên, có tăng lên hay khi nào giá heo sẽ tăng là chuyện mà không ai có thể biết trước được. Chính vì vậy, nuôi heo hiện nay cũng như là bỏ tiền ra để đi đánh bạc!...” - ông Đoán nói thêm.
Theo ông Nguyễn Đăng Vang- Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, với mức giá bán như hiện nay, đa phần người chăn nuôi chịu lỗ vì dưới mức giá thành. Đơn cử như giá thịt lợn phổ biến từ 34.000 - 39.000 đồng/kg, trong khi giá thành khoảng 44.000 - 46.000 đồng/kg. Như vậy, trung bình người chăn nuôi lỗ từ 7.000 - 10.000 đồng/kg lợn hơi, tức là lỗ từ 600.000 - 1.000.000 đồng/con. Trước tình trạng này, nhiều cơ sở chăn nuôi gia trại và trang trại đã phải giảm đàn, thậm chí ngừng nuôi.
Cao Thuyên- Hữu Thông
Vui lòng nhập nội dung bình luận.