Nuôi lợn ở Hải Dương, càng nuôi càng lỗ, người bỏ chuồng, kẻ cầm cự ngày mấy lần kêu khổ

Nguyễn Việt Thứ bảy, ngày 01/04/2023 05:07 AM (GMT+7)
Do giá lợn hơi liên tục giảm dẫn đến các hộ chăn nuôi lợn ở tỉnh Hải Dương bị thua lỗ nặng nề. Hiện tại, nhiều người nuôi lợn bỏ chuồng không hẹn ngày nuôi trở lại, người cầm cự trong thấp thỏm lo âu, không biết cầm cự được bao lâu?
Bình luận 0
Nông dân nuôi lợn ở Hải Dương càng nuôi càng lỗ, người bỏ chuồng, người cầm cự, không biết bao giờ thoát tình cảnh này? - Ảnh 1.

Nhiều hộ nuôi lợn bỏ trống chuồng hoặc nuôi cầm cự bù lỗ

Đã mấy tháng nay, khu chuồng lợn của anh Nguyễn Đình Tuấn ở phường Cộng Hòa, TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương trống huơ trống hoác và nhện đã giăng tớ kín các góc chuồng, nóc chuồng. Nhìn khu chuồng khá tiêu điều.

Nông dân nuôi lợn ở Hải Dương càng nuôi càng lỗ, người bỏ chuồng, người cầm cự, không biết bao giờ thoát tình cảnh này? - Ảnh 2.

Khu chuồng nuôi lợn của hộ anh Nguyễn Đình Tuấn giờ để trống chuồng không biết khi nào mới nuôi trở lại. Ảnh: Nguyễn Việt.

Anh Tuấn cho biết, 2 năm trước, anh Tuấn đầu tư xây khu chuồng để nuôi lợn. Anh lựa chọn hướng nuôi mua lợn con để "đúc" thành lợn nái. Khi lợn nái đẻ con, anh sẽ nuôi thành lợn thịt thương phẩm, nhờ đó sẽ lãi cao hơn so với những hộ phải mua con giống về nuôi.

Với 4 – 5 con lợn nái, do vậy lúc nào trong chuồng nhà anh Tuấn cũng có vài chục con lợn thịt thương phẩm. Nếu giá thức ăn chăn nuôi ổn định, giá lợn thịt thương phẩm không tụt giảm, sẽ giúp anh có lãi.

Nông dân nuôi lợn ở Hải Dương càng nuôi càng lỗ, người bỏ chuồng, người cầm cự, không biết bao giờ thoát tình cảnh này? - Ảnh 3.

Những ô chuồng bỏ trống. Ảnh: Nguyễn Việt.

Tuy nhiên, thực tế chăn nuôi lại không như suy tính của anh cũng như nhiều hộ chăn nuôi lợn khác, bởi giá thức ăn chăn nuôi lúc đó liên tục có đợt tăng giá. Từ giá 250 nghìn đồng/bao cám, chỉ trong thời gian ngắn với nhiều đợt tăng giá đã "cán mốc" 350 nghìn đồng/bao cám. 

Trong khi đó, giá lợn hơi trên thị trường đang từ 70 nghìn đồng/kg cứ tụt dần, có thời điểm xuống giá 46 nghìn đồng/kg và hiện giá cứ giao động từ 48 – 52 nghìn đồng/kg. Với giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, giá lợn thương phẩm giảm thấp, khiến anh rời vào tình trạng lỗ. Tuy nhiên, do chủ động được con giống, anh chỉ lỗ hơn 300 nghìn đồng/con.

Nông dân nuôi lợn ở Hải Dương càng nuôi càng lỗ, người bỏ chuồng, người cầm cự, không biết bao giờ thoát tình cảnh này? - Ảnh 4.

Ngổn ngang vật dụng ở ô chuồng không còn nuôi lợn. Ảnh: Nguyễn Việt.

Vì vậy, để "cắt lỗ" vào dịp cuối năm 2022, anh đã thanh lý toàn bộ số lợn thịt thương phẩm và lợn nái. Từ đó đến nay, khu chuồng bỏ trống và không hẹn ngày tái đàn nuôi trở lại.

Người chăn nuôi nhỏ như anh Tuấn bán hết bỏ trống chuồng không nuôi thì rất nhiều, còn những trang trại nuôi lợn quy mô lớn, hiện đại, khép kín đang phải cầm cự bù lỗ cũng không phải ít. Như trang trại lợn của vợ chồng anh Nguyễn Hữu Dũng ở thôn Bắc, xã Cổ Dũng, huyện Kim Thành hiện đang nuôi trong tình trạng cầm cự, bù lỗ để chống đỡ qua đợt khó khăn này.

Nông dân nuôi lợn ở Hải Dương càng nuôi càng lỗ, người bỏ chuồng, người cầm cự, không biết bao giờ thoát tình cảnh này? - Ảnh 5.

Anh Nguyễn Hữu Dũng, chủ nhận trang trại lợn khép kín, hiện đại ở thôn Bắc, xã Cổ Dũng, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Ảnh: Nguyễn Việt.

Anh Dũng cho biết, năm 2016, vợ chồng anh đầu tư 14 – 15 tỷ đồng để đầu tư cho khu trang trại rộng 4 mẫu ở khu chuyển đổi ở thôn Bắc để nuôi lợn. Với tổng diện tích chuồng trại gần 5.000 m2 khép kín với quy mô nuôi 300 con lợn nái và từ 1200 - 1400 con lợn thịt thương phẩm.

Bên cạnh đó, anh còn đầu tư máy, mua nguyên liệu thức ăn chăn nuôi về tự trộn thành cám cho lợn ăn. Với việc tự trộn thức ăn thành cám cho lợn ăn sẽ giúp anh giảm đáng kể chi phí cho việc nuôi lợn. Anh Dũng dự tính nếu giá thịt thương phẩm ổn định, trang trại sẽ cho doanh thu và lãi cao.

Nông dân nuôi lợn ở Hải Dương càng nuôi càng lỗ, người bỏ chuồng, người cầm cự, không biết bao giờ thoát tình cảnh này? - Ảnh 6.

Do lợn giống không bán được cho các trang trại nuôi lợn, anh Dũng đành nuôi thành lợn thịt thương phẩm. Ảnh: Nguyễn Việt.

Tuy nhiên, trong quá trình nuôi, anh mới nuôi 150 con lợn nái. Với số lượng này, hằng năm, trang trại anh Dũng cung cấp một lượng lớn lợn thịt thương phẩm ra thị trường và lợn giống cho các trang trại nuôi lợn ở địa phương.

Bình thường số lợn con từ 150 con lợn nái đẻ ra sẽ được anh Dũng giữ lại một phần để nuôi lợn thịt thương phẩm, số còn lại bán lợn giống cho các trang trại nuôi lợn trong huyện Kim Thành. Nhưng từ nửa cuối năm 2022 và từ đầu năm 2023 đến nay, giá lợn thịt thương phẩm tụt thấp khiến các trang trại chăn nuôi lợn thua lỗ nên các hộ bỏ chuồng không nuôi.

Nông dân nuôi lợn ở Hải Dương càng nuôi càng lỗ, người bỏ chuồng, người cầm cự, không biết bao giờ thoát tình cảnh này? - Ảnh 7.

Trang trại nuôi lợn quy mô, khép kín hiện đại của anh Nguyễn Hữu Dũng giờ đang nuôi cầm cự để vượt qua khó khăn trong bối cảnh giá lợn hơi giảm thấp. Ảnh: Nguyễn Việt.

Anh Dũng cho biết, mọi năm trang trại anh cung cấp lợn con giống cho 6 – 7 trại lợn nuôi với quy mô 100 – 150 con, nhưng do thua lỗ nên các trại này đã bỏ không nuôi. Vì vậy, từ đầu năm 2023 đến nay lợn giống trong trại không bán được, đành để nuôi thành lợn thịt thương phẩm.

Anh Dũng cũng cho biết, do giá vật tư như thức ăn chăn nuôi cao, thuốc men, nhân công đều tăng cao trong khi đó giá lợn thịt thương phẩm giảm sâu, kéo dài nên tình hình chăn nuôi lợn ở các hộ gia đình, trang trại ở địa phương bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trước ở trong xã có hàng chục hộ nuôi lợn, giờ chỉ còn khoảng hơn chục hộ nuôi, tới đây số hộ nuôi lợn còn tiếp tục giảm.

Giải pháp nào tháo gỡ khó khăn cho người nuôi lợn?

Theo tìm hiểu từ các hộ chăn nuôi được biết, hiện mức lỗ phụ thuộc vào mô hình chăn nuôi của các trang trại, gia trại. Chẳng hạn, đối với những hộ nuôi theo mô hình mua con giống và mua cám về nuôi sẽ bị lỗ cao nhất từ 800 nghìn đến hơn 1 triệu đồng/con; hộ nuôi theo mô hình nuôi lợn nái đẻ lấy con giống nuôi thành lợn thịt thương phẩm lỗ từ 300 – 500 nghìn đồng/con.

Nông dân nuôi lợn ở Hải Dương càng nuôi càng lỗ, người bỏ chuồng, người cầm cự, không biết bao giờ thoát tình cảnh này? - Ảnh 8.

Do giá lợn hơi giảm thấp nên anh Dũng phải bù lỗ khá lớn. Ảnh: Nguyễn Việt.

Là một hộ chăn nuôi với quy mô lớn, anh Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, nhà nước cần có chính sách giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu phục vụ chăn nuôi; quy hoạch vùng chăn nuôi phù hợp để hài hòa lượng cung cầu của thị trường và hỗ trợ người chăn nuôi trong việc giảm lãi suất vay vốn.

Ông Vũ Văn Hoạt, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú ý, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hải Dương cho biết, hiện toàn tỉnh có tổng đàn lợn trên 420.000 con lợn, trong đó khoảng 17 trang trại quy mô từ 1000 con đến hàng chục nghìn con, có 241 trang trại quy mô từ hàng trăm con đến dưới 1000 con. Các trang trại này chiếm 65% – 70% tổng đàn lợn của cả tỉnh.

Nông dân nuôi lợn ở Hải Dương càng nuôi càng lỗ, người bỏ chuồng, người cầm cự, không biết bao giờ thoát tình cảnh này? - Ảnh 9.

Mặc dù giá lợn thấp những việc tiêu thụ lợn cũng không hề dễ dàng. Ảnh: Nguyễn Việt.

Theo ông Hoạt nguyên nhân dẫn đến việc người dân chăn nuôi lợn gặp khó khăn, thua lỗ là do một số nước xảy ra xung đột vũ trang, chiến tranh nên ảnh hưởng rất lớn đến việc nhập nguyên liệu phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi gặp khó khăn, giá nhập nguyên liệu tăng dẫn đến giá thức ăn chăn nuôi tăng cao và kéo dài. Những năm trước, thịt lợn xuất khẩu sang Trung Quốc rất nhiều nên khi dịch bệnh covid xảy ra, đã ảnh hưởng rất nhiều đến việc xuất khẩu thịt lợn sang nước này.

Bên cạnh đó, những năm trước giá lợn cao nên nhiều hộ xây chuồng phát triển chăn nuôi lợn, nhiều hộ tăng quy mô, số lượng nuôi một cách ồ ạt dẫn đến cung vượt cầu. Cũng do ảnh hưởng từ dịch bệnh covid khiến đời sống của người dân bị ảnh hưởng mọi mặt từ việc làm, thu nhập dẫn đến nhu cầu tiêu dùng về thịt lợn trong bữa ăn của người dân giảm.

Video: Nông dân nuôi lợn ở Hải Dương càng nuôi càng lỗ...Giá lợn hơi giảm liên tục, giá thức ăn chăn nuôi vẫn cao khiến giá thành chăn nuôi cao là nguyên nhân khiến nuôi lợn thua lỗ...

Cũng theo ông Hoạt để tháo gỡ khó khăn này, nhà nước cần điều tiết việc nhập khẩu thịt lợn và các loại thịt động vật khác để kích cầu người dân tiêu dùng thịt động vật trong nước, trong đó có thịt lợn. Cần tăng cường đàm phán, nghiên cứu mở rộng thị trường sang nhiều nước để đẩy mạnh xuất khẩu thịt lợn. Có nhiều chính sách thúc đẩy kinh tế phát triển, người dân có nhiều việc làm, nâng cao thu nhập, lúc đó nhu cầu tiêu dùng các loại hàng hóa, trong đó có thịt lợn sẽ nâng lên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem