Nuôi lươn đặc sản trên cạn, nông dân vùng này ở Đồng Tháp chán nản vì giá lươn cứ tụt dốc không phanh

Minh Hồ Thứ ba, ngày 27/09/2022 05:31 AM (GMT+7)
Không nằm ngoài quy luật cung cầu, người nuôi lươn ở huyện Hồng Ngự - vùng nuôi lươn thế mạnh của tỉnh Đồng Tháp đang gặp khó khăn khi giá lươn thương phẩm “lao dốc”. Giá lươn sụt giảm kéo dài khiến nhiều hộ nuôi thua lỗ, có những hộ phải “treo bồn” vì không còn vốn để tái đầu tư.
Bình luận 0

Dù đang là mùa nước nổi - điều kiện nuôi thuận lợi, nguồn thức ăn cho lươn trong tự nhiên dồi dào nhưng bà Bùi Thị Liên ở cụm dân cư Nam Hang xã Thường Phước 2, huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) chỉ thả 50% lươn giống so với thời điểm trước dịch bệnh. 

Nuôi lươn đặc sản trên cạn, nông dân vùng này ở Đồng Tháp chán nản vì giá lươn tụt dốc không phanh - Ảnh 1.

Bà Bùi Thị Liên (ngụ xã Thường Phước 2, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) giữ lại 2 bồn lươn thương phẩm để chờ giá.

Vừa xuất bán lươn thương phẩm đợt 1, gia đình bà đã thua lỗ hơn 30 triệu đồng. Hiện 2 bồn lươn với 1.500 con cũng đến lứa xuất bán nhưng bà phải giữ lại chờ giá vì càng bán càng lỗ.

Bà Liên cho biết: “Lúc trước lươn thịt bán với giá 220.000 đồng/kg, sau đó sụt còn 190.000 đồng/kg, rồi 150.000 đồng/kg và giá sụt luôn tới giờ, không lên lại. Hồi trước ngày nào cũng cho lươn ăn, giờ cách ngày mới cho ăn”.

Xã Thường Phước 2, huyện Hồng Ngự - nơi có khoảng 88 hộ nuôi lươn thương phẩm, tập trung ở cụm dân cư Nam Hang. 

Nhưng, theo UBND xã Thường Phước 2, do giá lươn xuống quá thấp, có thời điểm chưa bù đủ giá thành đầu tư nên đã có khoảng 30 hộ nuôi tạm “treo bồn”. 

Theo tính toán để đầu tư 1kg lươn thương phẩm, giá thành đầu vào phải từ 100 ngàn đồng trở lên. 

Những hộ còn cầm cự với mô hình nuôi lươn cũng tranh thủ mùa nước xuống đồng tìm thức ăn cho lươn. 

Ông Lê Văn Kê ở xã Thường Phước 2, huyện Hồng Ngự cho biết: “Năm ngoái đến năm nay nuôi lươn bấp bênh quá, vì lươn không có giá. Mình nuôi lươn rồi nên cũng ráng cố gắng đi kiếm mồi để nhẹ chi phí. Giá thấp giữ lại hoài thì chịu không nổi, vì lươn càng lớn nó sẽ đổ bệnh hoặc có khi lo mồi không xuể”.

Chia sẻ khó khăn với người nuôi lươn, các địa phương trong huyện đã tạo điều kiện cho các hộ được vay vốn từ các chương trình hỗ trợ sản xuất nông nghiệp. 

Đồng thời, cán bộ kỹ thuật cũng chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giúp hộ nuôi giảm tỷ lệ hao hụt con giống, dịch bệnh cũng như lươn thương phẩm đạt chất lượng hơn.

Những năm qua, mô hình nuôi lươn trong bồn giúp nhiều hộ dân ở vùng kinh tế khó khăn, vùng sâu biên giới phát triển, nhiều gia đình thoát nghèo. 

Cùng với những chuyển biến tích cực của các ngành hàng nông sản, hy vọng giá lươn thương phẩm sẽ tăng lên để vùng nuôi lươn thế mạnh của tỉnh Đồng Tháp khởi sắc trở lại.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem