Nuôi tôm sú 2 giai đoạn ở Quảng Trị, sau 4 tháng, cỡ tôm 28–30 con/kg, sản lượng tôm đạt 5 tấn/ha

Phan Việt Toàn (Cổng TTĐT Sở NNPTNT Quảng Trị) Thứ năm, ngày 19/12/2024 05:46 AM (GMT+7)
Sau hơn 4 tháng triển khai mô hình, tôm sú sinh trưởng và phát triển tốt. Từ các mô hình nuôi ở Quảng Bình, Quảng Tri, Thừa Thiên Huế cho thấy tôm sú đạt kích cỡ từ 28–30 con/kg, tỉ lệ sống của tôm hơn 80%, sản lượng tôm thu hoạch ước đạt trên 5 tấn/ha, từ đó mang lại lợi nhuận cho các hộ nuôi trên 500 triệu đồng/ha.
Bình luận 0

Tôm sú là một đối tượng nuôi hiệu quả đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân nuôi trồng thủy sản. Nhằm chuyển giao khoa học công nghệ, áp dụng các phương pháp nuôi mới nâng cao chất lượng, sản lượng thu hoạch có sự liên kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm. 

Thực hiện Chương trình dự án khuyến nông Trung ương, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị đã chủ trì thực hiện dự án “Xây dựng mô hình nuôi tôm sú 2 giai đoạn gắn với chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tại một số tỉnh Duyên hải miền Trung”. Qua 1 năm triển khai mô hình mang lại hiệu quả ban đầu hết sức khả quan.

Dự án được triển khai từ năm 2024 đến năm 2026 tại 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Với vai trò là đơn vị chủ trì, năm 2024 Trung tâm Khuyến nông Quảng trị đã triển khai nuôi, cấp và thả 750.000 con giống tôm sú P15, tại 3 tỉnh với quy mô 3 ha, với 6 hộ, mỗi điểm trình diễn được thực hiện tại vùng nuôi tôm mặn, lợ thuộc các xã ven sông, ven biển.

Với quy trình nuôi này, giai đoạn đầu tôm giống được ương trong ao ương có diện tích nhỏ với diện tích từ 150 - 250m2, mật độ ương từ 800 – 1.200 con/m2, môi trường được xử lý tốt, nhờ sử dụng men vi sinh, chế phẩm sinh học thường xuyên trong suốt quá trình nuôi giúp tôm khỏe mạnh, mau lớn, đạt tỉ lệ sống cao. Sau khoảng thời gian từ 25 – 30 ngày nuôi ở giai đoạn 1 tôm đạt kích cỡ từ 1.500 – 1.700 con/kg thì tiến hành sang tôm.

Giai đoạn 2 với mật độ 25 con/m2. Trong quá trình chuẩn bị sang tôm, môi trường nước ao nuôi giai đoạn 2 với ao gièo giai đoạn 1 được thuần hóa nhằm đảm bảo các chỉ số môi trường tương đồng nhau nên tôm được sang ra giai đoạn 2 được đảm bảo tỉ lệ sống, phát triển tốt.

Để triển khai thực hiện Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với các địa phương tổ chức 3 lớp tập huấn trong mô hình và 5 lớp tập huấn nhân rộng mô hình, với gần 240 hộ tham gia. Qua đây giúp các hộ dân nuôi trồng thủy sản trên địa bàn và các vùng lân cận có cơ hội tiếp nhận công nghệ, kỹ thuật mới áp dụng vào nuôi trồng.

Nuôi tôm sú 2 giai đoạn ở Quảng Trị, sau 4 tháng, cỡ tôm 28–30 con/kg, sản lượng tôm đạt 5 tấn/ha - Ảnh 1.

Mô hình nuôi tôm sú 2 giai đoạn gắn với chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thực đang thực hiện tại 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.

Sau hơn 4 tháng triển khai mô hình, tôm sinh trưởng và phát triển tốt, từ các mô hình nuôi cho thấy tôm đạt kích cỡ từ 28 – 30 con/kg, tỉ lệ sống trên 80%, sản lượng thu hoạch ước đạt trên 5 tấn/ha, từ đó mang lại lợi nhuận cho các hộ nuôi trên 500 triệu đồng/ha.

Anh Văn Phong Hải - Thôn 10, xã Điền Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết “Gia đình tôi có 4 ao nuôi với diện tích trên 5.000 m2, trước đây tôi thả tôm thẻ, vì dịch bệnh nên ảnh hưởng đến hiệu quả nuôi, được sự quan tâm của Trung tâm Khuyến nông tỉnh tạo điều kiện cho chúng tôi chuyển đổi qua tôm sú 2 giai đoạn. 

Áp dụng đối tượng nuôi mới, hình thức nuôi mới 2 giai đoạn này môi trường nuôi được bổ sung định kỳ men vi sinh giúp ổn định màu nước, duy trì lượng vi khuẩn có lợi trong ao nuôi nên hạn chế dịch bệnh, đã mang về cho gia đình hiệu quả cao. Hiện tại tôi đang nhân rộng thêm 3 ao: 2 ao thả 30 vạn và 1 ao thả 12,5 vạn, hiện mô hình nhân rộng, tôm nuôi phát triển tốt”.

Ông Lê Vỹ - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị cho biết năm 2024 địa phương được Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ cho mô hình 1 ha nuôi tôm công nghệ cao 2 giai đoạn. Phải nói rằng đây là một mô hình nuôi rất hiệu quả. 

Qua quá trình kiểm tra giám sát, mô hình này mang lại hiệu quả rất cao, đặc biệt giảm chi phí nuôi, hiện nay xu hướng thị trường giá tôm có chiều hướng tốt, nuôi tôm 2 giai đoạn thì sản lượng rất cao. Trong thời gian tới xã Vĩnh Giang sẽ tiếp tục để quy hoạch vùng nuôi tôm, để phát triển công nghệ nuôi tôm 2 giai đoạn trên 10ha trong thời gian tới.

Mô hình triển khai nhằm thay đổi hình thức nuôi từ quảng canh, quảng canh cải tiến, thâm canh 01 giai đoạn sang 02 giai đoạn. 

Áp dụng quy trình nuôi 2 giai đoạn giúp giảm chi phí đầu tư từ 20 – 30% cho tháng nuôi đầu tiên, để quản lý môi trường, hạn chế dịch bệnh, đặc biệt là hội chứng chết sớm ở tôm; rút ngắn thời gian nuôi, tôm phát triển nhanh; không sử dụng hóa chất, kháng sinh, sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm, góp phần giảm chi phí, nâng cao chất lượng, sản lượng tôm sú, tăng giá trị kinh tế.

Trao đổi với chúng tôi ông Châu Ngọc Phi – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Trong quá trình triển khai cán bộ kỹ thuật khuyến nông Thừa Thiên Huế thường xuyên báo cáo cho dự án, đơn vị chủ trì để có sự phối hợp hỗ trợ cho người dân trong việc chăm sóc quản lý, theo dõi, ghi chép tất cả các thông tin về mô hình để có tổng hợp báo cáo. 

Với mô hình này chúng tôi đánh giá mô hình đã đạt hiệu quả bước đầu trong vấn đề đa dạng hóa đối tượng nuôi, đặc biết với các ao nuôi trên cát lâu nay ở tỉnh Thừa Thiên Huế có khó khăn độc canh con tôm thẻ chân trắng gây ra vấn đề ô nhiễm, giá cả bấp bênh, làm cho người nuôi có những khó khan và không có hiệu quả. 

Với mô hình nuôi tôm sú 2 giai đoạn thì giúp cho người dân có thêm sự lựa chọn và chúng tôi nghĩ rằng việc luân canh thay đổi đối tượng nuôi, giúp phát triển cho đối tượng nuôi trên địa bàn Thừa Thiên Huế ổn định và bền vững hơn.

Thông qua mô hình các hộ dân trong vùng sẽ có cơ hội học hỏi và chia sẽ kinh nghiệm trong việc nuôi đối tượng tôm sú thâm canh 2 giai đoạn, ứng dụng công nghệ tiên tiến, phát triển nuôi tôm sú nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Giúp hộ dân dần tiếp cận với khoa học công nghệ, áp dụng các phương pháp nuôi mới nhằm nâng cao chất lượng, sản lượng nuôi tôm tại các địa phương.

Trong điều kiện con tôm đang đứng trước nhiều khó khăn thách thức về tình hình dịch bệnh, thị trường tiêu thụ. Để rút ngắn thời gian nuôi, nâng cao mật độ, năng suất, sản lượng, giảm thiểu rủi ro và chi phí thì việc áp dụng quy trình mới, thâm canh hai tôm sú giai đoạn gắn với chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm sẽ tạo ra các sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm, giúp bà con nông dân chuyển đổi sản xuất nông nghiệp có hiệu quả, góp phần tăng thu nhập và làm giàu cho hộ dân.

Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị, ông Phan Văn Phương cho biết về lợi ích của mô hình này nhằm chuyển đổi hình thức, phương pháp nuôi đơn giản, truyền thống của bà con hiện nay sang một hình thức nuôi tôm sú 2 giai đoạn nhằm thay đổi về nhận thức, tư duy, cách làm, gắn với việc học hỏi không ngừng của người nuôi tôm; Mô hình nuôi tôm sú 2 giai đoạn này là sự hợp tác cùng đồng hành giữa các bên liên quan như nông dân, nhà khoa học, nhà quản lý và các doanh nghiệp thu mua để hướng đến sự bền vững cho nghề nuôi tôm sú; Mô hình nuôi tôm sú 2 giai đoạn giúp kiểm soát được tỷ lệ sống, quá trình sinh trưởng phát triển của tôm qua từng giai đoạn, giảm thiểu chi phí trong vụ nuôi, giảm thiểu rủi ro do dịch bệnh do biến động môi trường. 

Nhằm tăng năng suất, chuất lượng sản phẩm của con tôm sú trên đơn vị diện tích, tăng giá thành đầu ra cho một sản phẩm và có giá trị dinh dưỡng cao.

Ông Phương cũng cho biết thêm Trong những năm tiếp theo trên cơ sở hiệu quả bước đầu của dự án, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện mô hình này nhằm khẳng định và đánh giá tính hiệu quả hơn, để nhân rộng cho bà con từ đó nhằm giúp cho bà con nuôi trồng thủy sản có sự nhận diện thay đổi tư duy, cũng như cách làm trong việc lựa chọn đối tượng nuôi phù hợp tại mỗi thời điểm, hình thức nuôi, phương pháp nuôi, nhằm nuôi con tôm sú một cách hiệu quả ổn định và mang tính bền vững lâu dài.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem