Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Thời gian qua, trên hồ Hoà Bình (tỉnh Hòa Bình) xuất hiện mô hình nuôi một số loài thuỷ sản mới với nhiều triển vọng. Đây là hướng đi hứa hẹn đem lại giá trị kinh tế cao khi đa dạng sản phẩm thuỷ sản, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Trung tuần tháng 5, chúng tôi thăm cơ sở nuôi ốc nhồi tại xóm Tráng, xã Bình Thanh (huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình) của Hợp tác xã (HTX) Thiên Phú Ngư.
Với hệ thống lồng nuôi khá quy mô, năm 2023, HTX đã quyết định đầu tư nuôi ốc nhồi. HTX hiện có 20 lồng nuôi ốc nhồi thương phẩm.
Bên cạnh đó, HTX có khu vực ấp nở trứng ốc nên chủ động về giống và có thể cung cấp con giống ra thị trường. Theo đại diện HTX, với điều kiện môi trường nuôi thích hợp, ốc nhồi sinh trưởng, phát triển tốt.
Hiện nay, HTX đang bán ốc nhồi thương phẩm ra thị trường với giá 150 nghìn đồng/kg. Ngoài ra, HTX chuẩn bị nuôi thử nghiệm tôm trong lồng. Đây là những hướng phát triển mới triển vọng ở địa phương.
Mô hình nuôi ốc nhồi (ốc bươu đen) trên hồ Hoà Bình (trên địa bàn huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình) bước đầu có những tín hiệu tích cực. Ngoài ốc nhồi, nhiều hộ dân đã nuôi thành công một số loài cá đặc sản như cá chạch gai (cá chạch lấu, cá chạch chấu).
Cá chạch gai (cá chạch chấu, cá chạch lấu) là một trong những loài cá đặc sản ở hồ Hoà Bình được đánh bắt nhiều nên số lượng ngoài tự đã giảm đáng kể. Do đó, giá bán của loài cá này cao, trong khi nguồn cung không đủ cầu.
Năm 2019, anh Trần Hùng Cường, tổ Vôi, phường Thái Bình (TP Hoà Bình) đã nảy ra ý tưởng nuôi thử nghiệm cá chạch gai (cá chạch lấu) trong lồng.
Để triển khai nuôi cá chạch chấu thử nghiệm, anh Cường đã lặn lội vào tỉnh Long An để tìm hiểu cách thức nuôi cá ở đầm, hồ.
Với môi trường nuôi thích hợp và sự quyết tâm, đến nay mô hình nuôi thử nghiệm cá chạch gai của gia đình anh Cường đã thành công bước đầu và nhân rộng ở một số hộ nuôi khác.
Việc nuôi thành công giống cá đặc sản có giá trị kinh tế cao ở môi trường nuôi lồng mở ra hướng đi mới cho bà con vùng hồ Hòa Bình phát triển kinh tế, giảm nghèo.
Đồng chí Đặng Thị Duyên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản tỉnh Hòa Bình cho biết: Trước đây, bà con vùng hồ Hoà Bình chủ yếu nuôi các loài cá truyền thống như trắm cỏ và nuôi trong các lồng bằng tre. Mấy năm trở lại đây, lồng cá được đầu tư bằng khung kim loại nên độ bền cao.
Đặc biệt, người dân đã đa dạng đối tượng nuôi, đặc biệt là nuôi một số loài cá đặc sản có giá trị kinh tế cao như: cá chình bông, các chạch gai, cá lăng đuôi đỏ, cá ngạnh, cá tầm hay gần đây nhất là mô hình nuôi ốc nhồi.
Năm 2024, Chi cục dự kiến đưa vào mô hình nuôi thử nghiệm cá chẽm tại các xã: Sơn Thuỷ (Mai Châu), Tiền Phong (Đà Bắc) và phường Thái Bình (TP Hoà Bình, tỉnh Hòa Bình).
Đây là loài cá đặc sản sống ở nước lợ và nước ngọt, có khả năng tiến hoá cao. Việc triển khai mô hình này nhằm kiểm tra các giống mới có phù hợp với điều kiện sinh thái ở địa phương không, từ đó đa dạng các sản phẩm để nâng cao giá trị kinh tế của nghề nuôi cá lồng trên hồ Hoà Bình.
Theo thống kê của ngành chức năng, trên hồ Hoà Bình đang phát triển nghề nuôi cá lồng với gần 5 nghìn lồng cá, đem lại thu nhập cho khoảng 2 nghìn hộ dân.
Bên cạnh hỗ trợ liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu, tỉnh Hòa Bình chú trọng việc đa dạng hoá các đối tượng nuôi để tạo ra nhiều sản phẩm cá sông Đà có giá trị. Qua đó, thúc đẩy phát triển nghề nuôi cá lồng bền vững, đem lại thu nhập cao cho người dân vùng hồ Hoà Bình.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.