Nuôi thủy sản nội đồng ở Nam Định, có những ao cá trắm đen to, nông dân lãi từ 150-200 triệu/ha

Thứ năm, ngày 14/07/2022 13:06 PM (GMT+7)
Huyện Mỹ Lộc (tỉnh Nam Định) hiện có hơn 700ha nuôi thủy sản nước ngọt với sản lượng trung bình hàng năm lên đến hơn 2.400 tấn. Huyện đã quy hoạch xây dựng các vùng nuôi thủy sản tập trung tại các xã Mỹ Hà, Mỹ Thắng, Mỹ Trung, Mỹ Hưng, Mỹ Tiến với các loại cá truyền thống, cá trắm đen, cá cảnh…
Bình luận 0

Việc phát triển và nhân rộng vùng nuôi thủy sản tập trung đã góp phần tích cực chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng nông sản hàng hóa, thuận lợi trong việc chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, từng bước tạo ra những sản phẩm đồng đều, đảm bảo chất lượng. 

Để đạt được những hiệu quả trên, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) huyện đã kết hợp với các xã tổ chức nhiều buổi tham quan, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm từ các mô hình nuôi thủy sản trong và ngoài huyện; mời cán bộ chuyên môn về hướng dẫn, giúp đỡ các hộ nuôi thủy sản quy hoạch ao nuôi theo tiêu chuẩn. 

Bên cạnh đó, Phòng NN và PTNT huyện cũng tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi thả và phòng bệnh cho cá; quan tâm quản lý chặt chẽ quá trình chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi cá nước ngọt, bảo đảm mở rộng diện tích theo đúng định hướng, tránh việc người dân nuôi tự phát, nhỏ lẻ, phá vỡ quy hoạch.

Nuôi thủy sản nội đồng ở Nam Định, có những ao cá trắm đen to, nông dân lãi từ 150-200 triệu/ha - Ảnh 1.

Người dân xã Mỹ Hà, huyện Mỹ Lộc (tỉnh Nam Định) thu hoạch cá trắm đen.

Với sự giúp đỡ của ngành chức năng, trên địa bàn huyện đã hình thành những vùng nuôi thủy sản nước ngọt tập trung theo hướng bền vững. Xã Mỹ Trung có diện tích nuôi thủy sản 111ha; năng suất trung bình mỗi năm ước đạt 2,7 tấn/ha. 

Nhiều hộ nuôi thủy sản đạt hiệu quả kinh tế cao như hộ ông Nguyễn Văn Chiến, Nguyễn Văn Ngà, xóm 11; Trần Văn Trung, xóm 10; Nguyễn Thị Láu, xóm 9; Mai Trung Lam, xóm 4… Xã Mỹ Tiến có 4 vùng nuôi tập trung tại các khu Lang Xá, La Đồng, La Chợ, Nguyễn Huệ. 

Để việc nuôi thủy sản phát triển theo vùng nuôi tập trung đúng quy hoạch, xã đã tổ chức công khai quy hoạch, tuyên truyền để người dân hiểu rõ tầm quan trọng của việc phát triển sản xuất theo quy hoạch, tạo điều kiện để bà con vay vốn đầu tư xây dựng vùng nuôi đồng bộ, hạn chế chắp vá, quản lý các vùng nuôi chặt chẽ, không để người dân tự phát chuyển đổi vùng nuôi thủy sản phá vỡ quy hoạch. 

Những trường hợp cố tình vi phạm, xây nhà kiên cố trên diện tích nuôi thủy sản bị xử lý kiên quyết và chấm dứt hợp đồng. Xã Mỹ Hà có khoảng 100ha nuôi thủy sản nội đồng với trên 100 trang trại, gia trại tổng hợp, phát triển mạnh ra 15/16 thôn. 

Hàng năm, xã phối hợp với Phòng NN và PTNT huyện tổ chức từ 4-5 lớp tập huấn kỹ thuật giúp các hộ nuôi thủy sản áp dụng nâng cao năng suất, chất lượng con nuôi. Được sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp uỷ, chính quyền địa phương, nhiều hộ dân trong xã đã mạnh dạn nhận đất ở vùng chuyển đổi, vay vốn đầu tư xây dựng trang trại, gia trại tổng hợp nuôi thủy sản. 

Nhờ tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, hầu hết các hộ nuôi đã nắm vững kiến thức và áp dụng vào chăm sóc, phòng bệnh cho cá… Hiện nay, cá trắm đen vẫn là đối tượng nuôi chủ lực của xã, được nuôi hầu hết theo hình thức bán thâm canh, thâm canh năng suất cao. Cá trắm đen Mỹ Hà được tiêu thụ ở thị trường trong tỉnh và các thị trường lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa… 

Đặc biệt, vào dịp giáp tết còn cung ứng số lượng lớn cá nguyên liệu cho làng cá kho Nhân Hậu, huyện Lý Nhân (Hà Nam). Trung bình, mỗi ha nuôi có thể thu lãi 150-200 triệu đồng. Nhiều hộ có kinh nghiệm, diện tích nuôi lớn đã đạt thu nhập từ 250-300 triệu đồng/năm như hộ các ông: Trần Công Quyên, Trần Công Phúc, Trần Văn Vịnh...

Bên cạnh đó, mô hình nuôi cá lồng trên sông cũng là mô hình phù hợp với điều kiện tự nhiên của huyện. Hiện toàn huyện có hơn 50 lồng cá trên địa bàn xã Mỹ Tân. Các hộ nuôi đều được cấp phép, hoạt động nuôi thả được sự quan tâm quản lý chặt chẽ bảo đảm sản xuất hiệu quả cũng như an toàn giao thông đường thủy, không vi phạm vào luồng tàu chạy cũng như hệ thống luồng tuyến cứu hộ. 

Vì nguồn vốn đầu tư nuôi cá lồng trên sông không nhỏ với người nuôi nên ngoài những chính sách hỗ trợ trực tiếp, chính quyền địa phương còn tạo điều kiện cho người dân vay vốn ngân hàng để đầu tư sản xuất.

Với việc tổ chức đa dạng các hình thức nên những năm qua nghề nuôi thủy sản nội đồng của huyện Mỹ Lộc không ngừng phát triển, góp phần nâng cao thu nhập cho nhiều người dân. 

Thời gian tới, Phòng NN và PTNT huyện Mỹ Lộc sẽ tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các xã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản; thực hiện tốt việc quy hoạch nhằm khai thác lợi thế về đất đai để mỗi xã, thị trấn có ít nhất 1 đến 2 vùng nuôi thủy sản tập trung. 

Đẩy mạnh công tác khuyến ngư, tăng cường các hoạt động tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ nuôi giúp người nuôi thủy sản thành thạo các kỹ thuật, chủ động trong sản xuất, hạn chế rủi ro, phấn đấu phát triển nuôi thủy sản nội đồng bền vững và đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Thanh Hoa (Báo Nam Định)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem