Nuôi thủy sản ở vịnh Hạ Long 30 năm, bỗng bị cưỡng chế, phạt tiền

Hải Long - Thanh Tuyền Thứ tư, ngày 06/11/2019 09:05 AM (GMT+7)
Gần 30 năm nuôi trồng thủy sản trên vịnh Hạ Long, người dân bỗng dưng bị chính quyền TP.Hạ Long lập biên bản, phạt tiền và cưỡng chế phá dỡ toàn bộ công trình dù chưa một lần nhắc nhở hay xử phạt.
Bình luận 0

Clip: Nuôi thủy sản trên vịnh Hạ Long 30 năm, bỗng bị cưỡng chế, phạt tiền

Ông Ngô Doãn Thận (thương binh hạng 4/4, trú tại phường Bạch Đằng, TP.Hạ Long) cho biết, năm 1990, ông cùng với ông Nguyễn Văn Quang là Trưởng thôn làng chài Cửa Vạn và một số ngư dân khai hoang khu vực Vụng Beo thuộc đảo Hang Trai, vịnh Hạ Long để nuôi cá. Thời điểm đó, ông Thận cùng những người làm chung xây một tuyến kè khoảng 40m để ngăn thành đầm nuôi cá. Trong quá trình nuôi trồng, sản xuất, cũng có nhiều đơn vị ra kiểm tra nhưng chỉ nhắc nhở giữ nguyên hiện trạng không được xây dựng mở rộng thêm.

img

Khu vực đầm nuôi cá  của gia đình ông Thận đã được đầu tư kè đá, nhà tạm cho công nhân và một số hạng mục khác.

Ngày 24/9/2019, ông Thận bất ngờ nhận được Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 970/QĐ-XPVPHC của UBND TP.Hạ Long. Theo đó, do nuôi trồng thủy sản trên biển không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép theo quy định, vi phạm khoản 3, điều 17 Nghị định 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, ông bị xử phạt 25 triệu đồng và buộc tháo dỡ công trình.

“Tôi nuôi trồng rất nhiều năm tại đây, xây dựng kè, nhà tạm cho công nhân. Năm 2003 tôi còn lập dự án nuôi cá bằng phương pháp nuôi trong vụng kín và được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh xác nhận dự án đạt tiêu chuẩn môi trường. Sau rất nhiều năm xây dựng, đầu tư thì bất ngờ chính quyền ra Quyết định xử phạt và tháo dỡ. Họ làm như thế này là làm khó cho người dân. Nếu chúng tôi chưa được cấp phép thì chính quyền phải hướng dẫn cấp phép cho chúng tôi mới phải”, ông Thận cho biết.

Được biết, cuối năm 2016, UBND TP.Hạ Long có thông báo về việc hoàn thiện hồ sơ xin giao mặt nước biển nuôi trồng thủy sản trên địa bàn, với thời hạn đến 31/3/2017, giao Ban quản lý vịnh Hạ Long gửi thông báo và đôn đốc các hộ dân. Nhưng theo ông Thận, trong thời gian đó, không riêng hộ của ông mà nhiều hộ dân khác không nhận được thông báo để làm đơn xin giao mặt nước. Đến khi hết hạn, một số hộ dân có ý kiến thì thành phố không giải quyết.

img

Do có thỏa thuận nên gia đình ông Thận đã đầu tư một khoản kinh phí lớn cải tạo cơ sở hạ tầng, bảo tồn đàn khỉ vàng quý hiếm trên đảo. Đến nay khi công trình chưa đưa vào hoạt động, chưa thu được vốn thì chính quyền lại yêu cầu phá dỡ.

Ông Thận còn cho biết, năm 2012, Ban quản lý vịnh Hạ Long thấy khu vực nuôi trồng thủy sản của gia đình ông có vị trí đẹp, cảnh quan phù hợp nên đã đề nghị hợp tác để xây dựng thành điểm du lịch trên vịnh Hạ Long. Năm 2013, được sự đồng ý của Ban quản lý vịnh Hạ Long, Trung tâm bảo tồn văn hóa biển, HTX du lịch dịch vụ Vạn Chài Hạ Long và công ty cổ phần Vạn Long (là doanh nghiệp do các chủ đầm Vụng Beo thành lập) đã ký biên bản thỏa thuận phương án khai thác, phát triển du lịch sinh thái tại khu vực Hang Trai.

Trong đó ghi rõ giá dịch vụ tham quan là 35.000 đồng/lượt, leo núi là 20.000 đồng/lượt. Hỗ trợ quản lý phục vụ cho Trung tâm bảo tồn văn hóa biển 4.500 đồng/vé; dịch vụ leo núi và tham quan đầm Tùng Ngọc (Vụng Beo) là 13.500 đồng/vé. Sau đó các bên đã phối hợp cải tạo, sửa chữa đường mòn từ đỉnh núi nơi ngắm làng chài từ trên cao xuống chân núi phía khu đầm nuôi cá tại đảo Hang Trai, tổng chiều dài khoảng 80m.

img

Công trình dự kiến trở thành điểm tham quan trên vịnh Hạ Long nhưng xây dựng dở dang và bỏ không nhiều năm.

Do có thỏa thuận này, gia đình ông đã đầu tư một khoản kinh phí lớn cải tạo cơ sở hạ tầng, bảo tồn đàn khỉ vàng quý hiếm trên đảo. Nhưng đến nay, khi công trình chưa đưa vào hoạt động, chưa thu được vốn thì chính quyền lại yêu cầu phá dỡ.

“Tôi không hiểu việc xây dựng của Ban quản lý vịnh Hạ Long là đúng hay sai, tại sao chính quyền chỉ cưỡng chế việc nuôi trồng thủy sản của tôi mà không phá dỡ phần công trình do Ban quản lý vịnh Hạ Long đã đầu tư nhưng bỏ không?”, ông Thận nói.

img

Tuyến kè chắn bị yêu cầu phá dỡ theo Quyết định của UBND TP.Hạ Long.

Cùng thời điểm đó, ông Hoàng Văn Xô (phường Quang Trung, TP.Uông Bí) cũng bị lập biên bản vi phạm hành chính vào ngày 14/9/2019 cũng với lý do, nuôi trồng thủy sản trên biển không được các cơ quan có thẩm quyền cho phép. Sau đó UBND TP.Hạ Long đã ra Quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp không ra quyết định xử lý vi phạm hành chính, buộc ông Xô phải tháo dỡ công trình vi phạm.

“Từ cuối năm 1976, thực hiện chủ trương phát triển nông nghiệp, khuyến khích người dân chủ động quai đê lấn biển, phát triển, nuôi trông thủy hải sản, gia đình tôi đã lựa chọn bãi triều thuộc Hang Hanh, hòn Bom Mê, vịnh Hạ Long, đánh bắt tự nhiên. Đến năm 1991, gia đình tiến hành cải tạo đầm, xây dựng hệ thông cống bê tông, kè đá hộc cùng một số công trình phụ trợ. Năm 2012 và 2018, gia đình tôi đã làm đơn xin cấp phép mặt nước nuôi trồng hải sản, nhưng đến nay vẫn chưa hề được cơ quan chức năng giải quyết”, ông Hoàng Văn Xô cho biết.

“Hiện nay, gia đình tôi chủ yếu nuôi tôm, cua, ghẹ, trừ hết chi phí, mỗi năm lãi khoảng 200 triệu đồng. Gia đình tôi đã duy trì đầm này suốt ba thế hệ, từ cha tôi, đến tôi và hiện là con tôi. Chúng tôi mong muốn giữ được đầm này vì đây là kế sinh nhai duy nhất của gia đình. Nếu phá dỡ nhà nước cũng phải có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho gia đình tôi”, ông Xô nói.

img

Khu vực nuôi trồng thủy sản tại Hang Hanh, hòn Bom Mê, vịnh Hạ Long do gia đình ông Hoàng Văn Xô xây dựng từ những năm 1991.

Ngoài ra, ông Xô còn cho biết, ngày 4/6/2018, Đoàn kiểm tra liên ngành của TP.Hạ Long đã thu giữ tài sản của gia đình ông gồm nhiều vật dụng có giá trị: xuồng vỏ nhựa, máy phát điện, máy nén khí… Tuy nhiên đã hơn 1 năm kể từ ngày tài sản của gia đình bị tạm giữ và hết thời hạn tạm giữ, nhưng UBND TP.Hạ Long vẫn chưa hoàn trả.

img

Khu vực này ông Xô chủ yếu nuôi tôm, cua, ghẹ, trừ hết chi phí, mỗi năm lãi khoảng 200 triệu đồng.

Mới đây, UBND TP.Hạ Long đã có văn bản số 7620/UBND về việc giải quyết đơn khiếu nại của ông Ngô Doãn Thận. Theo đó, UBND TP.Hạ Long giao cơ quan Ủy ban Kiểm tra – Thanh tra thành phố tham mưu cho UBND thành phố thụ lý, giải quyết khiếu nại (nếu đủ điều kiện) theo quy định của pháp luật. Giao Đội kiểm tra trật tự đô thị và môi trường thành phố cung cấp toàn bộ hồ sơ, tài liệu liên quan về Cơ quan Uỷ ban kiểm tra – Thanh tra thành phố trước ngày 11/10/2019.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem