Nuôi con vật to bự gì ngoài biển, nông dân Khánh Hòa đang lo ngay ngáy điều này?

Thứ năm, ngày 26/10/2023 05:38 AM (GMT+7)
3 tháng nay, việc tiêu thụ tôm hùm bông nuôi tại vịnh Vân Phong (huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) rất ảm đạm. Hiện nay, người nuôi đang tồn khoảng 200 tấn tôm đã đạt kích cỡ thương phẩm nhưng chưa xuất bán được. Do đó, người nuôi rất lo lắng khi mùa mưa bão đang đến rất gần.
Bình luận 0

Khoảng 200 tấn tôm hùm thương phẩm chưa bán được

Vùng nuôi tôm hùm ở vịnh Vân Phong là một trong những vùng nuôi trọng điểm của tỉnh, trong đó đối tượng được người dân nuôi chủ yếu là tôm hùm bông. 

Những năm trước, thời điểm này, tôm hùm bông tiêu thụ tương đối thuận lợi; nhưng năm nay, việc tiêu thụ lại rất ảm đạm. 

Mỗi ngày, trên các vùng nuôi chỉ lác đác vài ghe của thương lái đi thu mua tôm hùm xanh, còn tôm hùm bông thì gần như không có ai mua. 

Ông Trần Minh Hiền - Tổ trưởng Tổ hợp tác Nuôi tôm hùm lồng thôn Khải Lương (xã Vạn Thạnh) cho biết: “Hiện nay, tổ hợp tác còn tồn hàng chục tấn tôm thịt chưa xuất bán được. Đây là lứa tôm thả nuôi từ tháng 8, tháng 9 năm trước, kích cỡ khoảng 0,7 - 0,8 kg/con trở lên. 

Dù đã liên tục gọi thương lái để xuất bán nhưng vẫn chưa bán được. Chúng tôi không hiểu vì nguyên nhân gì mà thị trường ngừng tiêu thụ tôm hùm bông từ khoảng 3 tháng nay”.

Tương tự, Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản du lịch Vân Phong (thị trấn Vạn Giã) đang tồn khoảng 70 tấn tôm thịt, trọng lượng trung bình từ 0,8 đến 1 kg/con. 

Hiện nay, 32 xã viên hợp tác xã nuôi gần 4.000 ô lồng tôm hùm vẫn đang ngóng người thu mua. Việc thương lái dừng thu mua tôm hùm bông kéo dài đang khiến cho người nuôi lo lắng, bởi dự kiến từ nay đến Tết Nguyên đán, hợp tác xã có khoảng 200 tấn tôm hùm thương phẩm cần tiêu thụ. 

Nếu không xuất bán được, người nuôi sẽ không thể cầm cự bởi chi phí nuôi tăng mỗi ngày. Với tình hình hiện nay, người nuôi kiến nghị UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có giải pháp tháo gỡ để tôm hùm bông có thể xuất khẩu bình thường trở lại.

Nuôi con vật to bự bơi trong lồng ngoài biển, nông dân Khánh Hòa đang lo ngay ngáy điều này - Ảnh 1.

Tôm hùm bông nuôi ở vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh (tỉnh Khánh Hòa) đã đạt kích cỡ thương phẩm nhưng chưa xuất bán được.

Ông Nguyễn Thế Lương - người nuôi tôm hùm bông ở thị trấn Vạn Giã phân tích: “Gia đình tôi đang nuôi 80 lồng tôm hùm bông, riêng tôm đạt kích cỡ thương phẩm 0,8-1kg/con đang tồn khoảng 4 tấn. 

Chi phí nuôi mỗi lồng tôm hùm bông (70 con) từ đầu vụ đến nay đã khoảng 70 triệu đồng. 3 tháng nay, mỗi ngày, tôi phải tốn thêm khoảng 15 triệu đồng tiền thức ăn cho số tôm đang tồn này nên càng kéo dài, người nuôi càng dễ thua lỗ. Đó là chưa kể mùa mưa bão đang đến rất gần, chúng tôi hết sức lo lắng cho tài sản hàng tỷ đồng đang neo ở dưới biển”.

Khuyến cáo tuân thủ các quy định để xuất khẩu chính ngạch

Theo thông tin từ Trạm Thủy sản Vạn Ninh (Chi cục Thủy sản), hiện nay, trên vịnh Vân Phong có khoảng 35.000 lồng nuôi tôm hùm, chủ yếu là tôm hùm bông. 

Cách đây 3 tháng, tôm hùm thương phẩm tiêu thụ khá thuận lợi, giá thương lái thu mua từ 1,6 đến 1,7 triệu đồng/kg (loại 2) và từ 1,9 đến 2,1 triệu đồng/kg (loại 1). Mỗi ngày có hàng chục chiếc ghe ra bè thu mua tôm để phục vụ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, khi ấy còn có hiện tượng tranh giành nhau để thu mua tôm thịt. 

Tuy nhiên, mấy tháng nay, thương lái dừng thu mua, tại vùng nuôi vịnh Vân Phong đang tồn khoảng 200 tấn tôm thịt kích cỡ 0,7kg trở lên, trong đó khoảng 70 tấn loại 1.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tôm hùm bông là loại hải sản có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Hiện nay, phía Trung Quốc hạn chế việc nhập khẩu theo đường tiểu ngạch đối với các mặt hàng nông, lâm và thủy sản, trong đó có mặt hàng tôm hùm bông. 

Muốn xuất khẩu tôm hùm bông sang thị trường này cần phải xuất khẩu theo đường chính ngạch, doanh nghiệp xuất khẩu cần phải chứng minh được yêu cầu về truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Ông Nguyễn Trọng Chánh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa cho hay: Đối với mặt hàng tôm hùm, không chỉ thị trường Trung Quốc mà nhiều thị trường khác trên thế giới đang muốn Việt Nam xuất khẩu bằng đường chính ngạch. 

Do đó, muốn ổn định đầu ra cho người nuôi, không thể phụ thuộc vào một thị trường; các doanh nghiệp và các hộ nuôi tôm hùm phải nuôi đúng quy hoạch, có đăng ký, kê khai đầy đủ với cơ quan quản lý. Đồng thời, áp dụng quy trình nuôi an toàn sinh học, truy xuất nguồn gốc rõ ràng. 

Đây là những yếu tố tiên quyết để xuất khẩu chính ngạch tôm hùm đi thị trường các nước trên thế giới. Về quy trình nuôi, Chi cục Thủy sản đã triển khai cho các địa phương và khuyến cáo người nuôi phải tuân thủ các quy định để sản phẩm đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc và các thị trường khác. 

“Trước mắt, người nuôi cần tập trung chăm sóc, nuôi lưu giữ tôm thương phẩm để chờ tín hiệu tích cực từ thị trường. Hiện nay, mùa mưa bão đến rất gần, người nuôi cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống thiên tai đã được hướng dẫn để hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra”, ông Chánh nhấn mạnh.

Hải Lăng (Báo Khánh Hòa)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem