Nuôi tôm thẻ thâm canh ứng dụng chế phẩm vi sinh ở Hà Nam: Kỳ vọng hiệu quả cao
Nuôi tôm thẻ thâm canh ứng dụng chế phẩm vi sinh ở Hà Nam: Kỳ vọng hiệu quả cao, đổi cách nuôi
Vân Anh
Thứ ba, ngày 11/10/2022 12:00 PM (GMT+7)
Theo báo cáo của Sở NNPTNT Hà Nam, đến cuối năm 2020 toàn tỉnh có hơn 6.140ha diện tích nuôi trồng thủy hải sản, trong đó diện tích nuôi tôm chiếm tỷ lệ lớn.
Việc triển khai mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng tại xã Tiêu Động đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa dựa vào khoa học công nghệ, hướng tới tăng năng suất, chất lượng, sản phẩm có sức cạnh tranh cao, qua đó nâng cao hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững.
Mô hình nuôi tôm thẻ thâm canh đáp ứng trúng nhu cầu của nông dân
Theo báo cáo của Sở NNPTNT Hà Nam, đến cuối năm 2020 toàn tỉnh có hơn 6.140ha diện tích nuôi trồng thủy hải sản, trong đó diện tích nuôi tôm chiếm tỷ lệ lớn.
Thời gian qua, các hộ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, như: Dịch bệnh, môi trường ao nuôi bị ô nhiễm. Bên cạnh đó, các chi phí đầu tư con giống, thức ăn... luôn biến động, trong khi giá bán tôm thương phẩm lại lên xuống thất thường. Từ những khó khăn này, việc cải tiến quy trình kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao vào nuôi trồng thủy sản góp phần tăng năng suất, chất lượng tôm nuôi, nâng cao thu nhập của người dân trở thành nhu cầu cấp thiết.
Ông Nguyễn Văn Thường và các hộ tham gia mô hình đều kỳ vọng việc đẩy mạnh và phát triển mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh ứng dụng chế phẩm vi sinh vật không chỉ mang lại hiệu quả về kinh tế mà còn làm thay đổi thói quen sản xuất truyền thống, tạo ra sản phẩm sạch mở ra sinh kế bền vững cho người nông dân, giúp ngành nông nghiệp phát triển bền vững.
Vừa qua, Văn phòng Phát triển bền vững thuộc Văn phòng Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã tiến hành khảo sát thực tế việc nuôi tôm ở xã Tiêu Động.
Từ kinh nghiệm rút ra của những mô hình nuôi trồng thủy sản đã triển khai ở các vùng, miền, căn cứ đề xuất dự án của Hội Nông dân tỉnh Hà Nam, T.Ư Hội Nông dân Việt Nam quyết định hỗ trợ "Xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong nuôi tôm thẻ chân trắng tại xã Tiêu Động, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam" với quy mô hơn 1ha, với 9 hộ tham gia.
Đánh giá của Sở NNPTNT và Hội Nông dân tỉnh Hà Nam, hiện nay nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh nuôi tôm rất chuyên nghiệp, bà con đã mua và ứng dụng các chế phẩm sinh học vào sản xuất. Tuy nhiên do thị trường các sản phẩm chế phẩm sinh học quá đa dạng (thậm chí có nhiều đơn vị sản xuất và sản phẩm chưa được kiểm định về chất lượng), hàng giả, hàng kém chất lượng còn nhiều, chi phí đầu tư ban đầu cao nên nông dân còn ngần ngại khi sử dụng.
Điều này dẫn đến sản lượng tôm nuôi chưa đạt mong muốn, sản lượng còn thấp, tỷ lệ dịch bệnh còn cao. Mặt khác, môi trường nước bị hủy hoại, thu nhập của người nuôi tôm bấp bênh do chi phí đầu vào cao, công sức bỏ ra nhiều.
Nắm bắt được vấn đề này, ngành nông nghiệp, Hội Nông dân đã tuyên truyền, vận động bà con nông dân đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, song để tìm ra một quy trình chuẩn với chi phí thấp, hiệu quả cao nhất vẫn đang chưa đáp ứng được nhu cầu của người nuôi tôm.
Cùng với đó, Hội Nông dân tỉnh Hà Nam đề xuất T.Ư Hội Nông dân Việt Nam hỗ trợ mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong thâm canh tôm thẻ chân trắng theo hướng an toàn sinh học tại xã Tiêu Động (Bình Lục), làm mô hình điểm để có thể nhân rộng ra nhiều địa phương khác trong tỉnh.
Cải thiện môi trường nuôi, giảm dịch bệnh…
Có 9 hộ dân tham gia mô hình này, đều là thành viên của HTX Chăn nuôi và Nuôi trồng thủy sản Bình Thành (xã Tiêu Động). HTX được thành lập tháng 9/2016 do ông Hoàng Văn Thường làm Giám đốc, ngành nghề chính là chăn nuôi gia cầm, thủy sản và vận chuyển thức ăn gia súc gia cầm…
Dự án sẽ được thực hiện ngay tại ao nuôi của các hộ nông dân trên cơ sở liên kết giữa các hộ cùng thực hiện dự án, diện tích ao nuôi hơn 10ha.
Để tham gia mô hình, các hộ nông dân phải đáp ứng các tiêu chí: Tự nguyện tham gia, có đủ năng lực về kỹ thuật; có đất đai trong cùng khu vực để có thể tạo thành vùng sản xuất tập trung nhằm thuận lợi trong điều tiết sản phẩm và giám sát chất lượng. Phía dự án sẽ hỗ trợ các hộ nuôi một lượng hơn 500.000 con giống và 6.000kg thức ăn chăn nuôi, chế phẩm vi sinh; đồng thời tổ chức tập huấn cho các hộ về quy trình kỹ thuật, việc sử dụng chế phẩm…
Với việc triển khai dự án, toàn bộ diện tích đầm, ao nuôi của 9 hộ tham gia mô hình sẽ được bổ sung một số loại chế phẩm sinh học nhằm xử lý môi trường nước nuôi giúp tôm phát triển mạnh khỏe một cách tự nhiên, phát triển hệ tiêu hóa, ngăn chặn và ức chế virus Vibrio gây nên bệnh tôm chết sớm, chỉ số sinh trưởng đồng đều, tăng tỷ lệ sống lên 99%. Các loại hóa chất và thuốc kháng sinh được kiểm soát chặt chẽ, quy trình nuôi được kiểm soát theo hướng an toàn sinh học, từ việc lựa chọn con giống đến khi đạt yêu cầu về trọng lượng, mật độ…
Dự án cũng đặt mục tiêu: Trọng lượng tôm nuôi tăng bình quân ≥ 10%/tháng; chỉ số chuyển đổi thức ăn giảm trung bình từ 10 - 15% giúp giảm chi phí thức ăn, gia tăng lãi. Cùng với đó, áp dụng chế phẩm và quy trình nuôi đúng kỹ thuật, kiểm soát tốt dịch bệnh… giúp giảm tối đa lượng thuốc kháng sinh; Môi trường nuôi và môi trường sống đảm bảo vệ sinh, nồng độ khí độc như H2S giảm, các chủng vi sinh có hại giảm tối đa.
Ông Nguyễn Văn Thường - Giám đốc HTX chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản Bình Thành cho hay: Việc giúp các hộ thành viên của HTX tham gia tiếp cận và áp dụng đồng bộ các biện pháp an toàn sinh học như: Dùng chế phẩm vi sinh bón định kỳ xuống ao nuôi, nước thải phải qua xử lý mới đưa ra môi trường bên ngoài… đã và sẽ giúp giảm đáng kể ô nhiễm môi trường trong nuôi tôm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời mở ra hướng đi mới đầy tiềm năng cho nghề nuôi trồng thủy sản trên địa bàn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.