Làm giàu khác người: Nhặt thứ rác cả làng vứt đi làm ra thứ nhà nông cần, trai Đồng Tháp khiến ai cũng phục

Thứ hai, ngày 10/10/2022 20:08 PM (GMT+7)
Nhận thấy thế mạnh ở Đồng Tháp trồng nhiều ấu, Nguyễn Trường An (29 tuổi; ngụ xã Bình Thành, huyện Lấp Vò) chịu khó tìm tòi, nghiên cứu tận dụng phế phẩm từ vỏ củ ấu sản xuất phân vi sinh hữu cơ để làm hành trang khởi nghiệp.
Bình luận 0

Anh An cho biết khó nhất khi bắt đầu khởi nghiệp là không có tài liệu nào đề cập quy trình sản xuất phân bón từ vỏ củ ấu nhưng anh có quyết tâm nên mạnh dạn đeo đuổi tới cùng. 

Biến vỏ ấu thành phân bón hữu cơ - Ảnh 1.

Vỏ củ ấu được xử lý thành phân vi sinh hữu cơ...

Sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành công nghệ sinh học, anh làm việc cho công ty chế biến thủy sản với mức lương ổn định.

Tuy nhiên, với mong muốn làm ra sản phẩm giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường và nâng cao giá trị vỏ củ ấu của quê hương Lấp Vò, anh quyết định nghỉ việc để nghiên cứu, khởi nghiệp từ nguồn phụ phẩm vỏ củ ấu.

Đi nhiều nơi và bắt gặp sản lượng vỏ củ ấu sau khi chế biến bỏ ra ngoài môi trường rất nhiều, anh nhận thấy để vậy vừa gây lãng phí vừa ô nhiễm môi trường. Từ đó, anh suy nghĩ cách làm phân hữu cơ bón cho cây trồng.

Tháng 10-2020, An bắt tay vào nghiên cứu cách chế biến. Hằng tháng, anh đi thu gom vỏ củ ấu từ các cơ sở chế biến với số lượng khoảng 30 tấn về ủ thành phân vi sinh hữu cơ. 

Hiện nay, anh chế biến ra 2 dòng sản phẩm phân bón dạng bột và dạng viên, bán theo túi 2 kg và bao 25 kg. 

Dạng viên nén thường được nhà vườn ưa thích bởi sử dụng tốt cho hoa kiểng, cây ăn trái với giá 25.000 đồng/kg.

Biến vỏ ấu thành phân bón hữu cơ - Ảnh 2.

Phân vi sinh hữu cơ làm từ vỏ củ ấu dạng viên nén

Theo anh An, ngày nay, nhiều nông dân lựa chọn phân hữu cơ làm từ phế phẩm nông nghiệp để bón cho cây trồng nhằm hướng đến sản xuất bền vững. 

"Hiện tại, tôi đang ra dạng nén viên, bán dùng thử với giá 20.000 đồng/kg. Trước đây, tôi cho nhiều người dùng thử cho hoa kiểng và được nhà vườn đánh giá phân bón viên nén mang lại hiệu quả và đang đăng ký giấy phép để thương mại hóa" - anh An chia sẻ.

Những ngày đầu khởi nghiệp, anh An mất rất nhiều thời gian nghiên cứu và thất bại nhiều lần mới tìm ra được quy trình hoàn thiện. Anh từng bước đầu tư hệ thống máy móc để hoàn thiện quy trình sản xuất, đáp ứng các tiêu chuẩn quy định. 

"Ngoài thỏa mãn với công việc khởi nghiệp, tôi còn mong muốn góp phần bảo vệ môi trường. Ban đầu, tôi xác định "biến" vỏ ấu thành phân bón là chuyện không hề dễ dàng chút nào và bị nhiều người nói này nói nọ vì làm việc không giống ai" - anh An tâm sự.

Bà Lê Nguyễn Huỳnh Anh - Bí thư Xã đoàn Bình Thành, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp - đánh giá: "Dự án khởi nghiệp của anh Nguyễn Trường An vừa mang tính sáng tạo vừa đem lại kinh tế cho gia đình, đồng thời góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Xã đoàn luôn đồng hành với anh An trong việc triển khai, hoàn thiện sản phẩm phân bón hữu cơ thông qua các hoạt động tư vấn, định hướng, hỗ trợ thiết kế logo, bao bì và giới thiệu sản phẩm thông qua mạng xã hội".

Nha Mân (Báo Người lao động)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem