Nứt ở Thủy điện Sông Tranh 2, dân 5 huyện lo

Thứ ba, ngày 20/03/2012 11:03 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Từ sau Tết, dân huyện Bắc Trà My mất ăn, mất ngủ do động đất ở lòng hồ Thủy điện Sông Tranh 2. Và mấy ngày qua, bà con nơi đây lại đứng ngồi không yên vì những vết nứt trên thân đập của thủy điện này.
Bình luận 0

Trám vết nứt bằng bạt, xi măng, keo

Ngày 19.3, PV NTNN có mặt tại bờ đập chính của Thủy điện Sông Tranh 2 (huyện Bắc Trà My). Công trình này là một khối bê tông liên hoàn khổng lồ kéo dài, gồm 5 cửa xả tràn ở giữa cùng thân bờ đập hai bên, được thi công theo công nghệ bê tông đầm lăn hiện đại.

img
Công nhân khoan và trám bằng những ống nước nhỏ kèm bạt và xi măng.

Phần thân đập phía hạ lưu, ở nửa thân dưới hướng về đáy có hiện tượng thấm nước, phần thân đập phía trái có đến 4 điểm nứt và rò rỉ nước. Trong đó có một vết nứt khá lớn, khiến nước từ trên cao thấm xuống, chảy tuôn xối xả. Tốc độ nước rò rỉ khoảng 20 phút/m3.

Theo quan sát của chúng tôi, tại những nơi có vết nứt, công nhân dùng khoan bê tông khoan và cho ống nhựa vào, rồi xé tấm bạt ra những mảnh nhỏ độn vào những lỗ vừa khoan và dùng xi măng trộn với một loại keo cùng hóa chất cho vào “trám” lại.

Người dân địa phương đã tỏ ra lo lắng khi biết phương pháp xử lý này. Theo họ, dùng xi măng và hóa chất độn với bạt không thể đảm bảo được nước không rỉ, cũng như giữ an toàn cho đập. Bà Nguyễn Thị Thuyền (54 tuổi) - sống dưới chân đập Thủy điện Sông Tranh 2 lo lắng: “Vừa mới yên ổn động đất chưa lâu thì mấy ngày qua, chúng tôi lại đứng ngồi không yên vì đập Thủy điện Sông Tranh 2 rò rỉ. Không biết những vết nứt liệu có xé toạc ra không. Ở dưới túi nước không lồ là đập thủy điện này, chúng tôi mất ăn mất ngủ”.

Dân 5 huyện lo âu

Ngày 19.3, ông Lê Văn Tuấn - Chánh Văn phòng UBND huyện Bắc Trà My, cho biết: UBND huyện đã có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Nam báo cáo tình hình, đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, làm rõ các vết nứt này để ổn định tâm lý người dân.

Ban Quản lý Dự án Thủy điện 3 (Tập đoàn Điện lực VN - EVN) ngày 19.3 cho biết, dòng thấm chảy ra phí hạ lưu đập và toàn bộ lưu lượng thấm qua đập Thủy điện Sông Tranh 2 khoảng 30 lít/giây, không ảnh hưởng đến an toàn, ổn định đập. Hiện tượng nước chảy ra ở 3 vị trí hạ lưu đập là các vị trí khe nhiệt chứ không phải khe nứt. Tổng lượng thấm của đập đã được Hội đồng nghiệm thu của Nhà nước và của EVN, cơ quan thiết kế đánh giá là đạt yêu cầu kỹ thuật, đảm bảo chất lượng công trình.

Ông Tuấn rất lo lắng cho hàng nghìn hộ dân của huyện Bắc Trà My và các huyện lân cận nằm ở vùng hạ lưu của thủy điện này. “Trụ sở làm việc của UBND huyện Bắc Trà My có độ cao 100m so với mực nước biển, trong khi cao trình của Thủy điện Sông Tranh 2 là 175m, có dung lượng chứa 700 triệu m3 nước.

Nếu như sự cố xảy ra, khả năng 40.000 nhân khẩu của toàn huyện Bắc Trà My sẽ bị ảnh hưởng. Chưa kể, hàng nghìn hộ dân ở các huyện Tiên Phước, Hiệp Đức, Thăng Bình, Nông Sơn có dòng Sông Tranh 2 chảy qua đổ ra sông Thu Bồn cũng bị ảnh hưởng nữa” - ông Tuấn nói.

Đến trưa cùng ngày, đoàn công tác của Chi cục Thủy lợi Quảng Nam có mặt tại đập Thủy điện Sông Tranh 2 để quay phim các vết nứt, ghi nhận ban đầu.

Khi PV NTNN tỏ ra lo lắng cho giải pháp khắc phục sự cố, ông Nguyễn Minh Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Quảng Nam, trình bày: Chúng tôi đến đây theo chỉ đạo của giám đốc Sở NNPTNT, trước tiên là để ghi nhận tình hình về báo cáo với UBND tỉnh Quảng Nam. Còn việc xác định các vết nứt phải làm việc với Ban quản lý Thủy điện Sông Tranh 2 mới biết cụ thể.

Về biện pháp xử lý, theo tôi phải dùng các biện pháp như siêu âm, sóng âm… mới biết được những vết nứt này do đâu và nguyên nhân vì sao mới có biện pháp cụ thể để xử lý được. Còn việc công nhân dùng vải và bạt, xi măng trộn với keo độn vào trám lại thì đó là biện pháp tạm thời, chứ không đảm bảo an toàn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem