Ở Hậu Giang, sản phẩm OCOP đa số là đặc sản quê, nghe tên thôi đã mê ăn lắm rồi
Hậu Giang phát triển sản phẩm OCOP: Trợ giúp người dân làm và tăng thu nhập
Hồng Cẩm
Thứ năm, ngày 20/06/2024 15:35 PM (GMT+7)
Xác định Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao đời sống của người dân và thúc đẩy sự phát triển kinh tế tại các địa phương, tỉnh Hậu Giang đã tập trung mọi nguồn lực để hỗ trợ người dân phát triển sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Sự hỗ trợ đó đã giúp tăng thu nhập cho nông dân và nâng cao giá trị nông sản địa phương.
Mở ra cơ hội mới
Đa dạng hóa sản phẩm là một trong những yếu tố quan trọng nhất của Chương trình OCOP. Thay vì tập trung vào một số sản phẩm lớn, chương trình này thúc đẩy việc phát triển nhiều sản phẩm nhỏ từ các vùng địa phương; tạo điều kiện bảo tồn và phát triển các sản phẩm truyền thống, cũng như tạo ra cơ hội cho sự sáng tạo và đổi mới trong quá trình sản xuất.
Từ khi tham gia Chương trình OCOP, anh Nguyễn Văn Đua - chủ trang trại sữa dê Ngọc Đào ở ấp 2B, xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A (Hậu Giang), đã đưa sản phẩm của mình tiếp cận đến với nhiều khách hàng trong và cả ngoài tỉnh. Anh Đua cho biết: "Khi trang trại của tôi tham gia và được công nhận sản phẩm đạt chuẩn OCOP, lượng khách đến tham quan và mua sắm tại trang trại tăng lên nhiều so với trước đây. Người tiêu dùng có lòng tin và an tâm hơn khi sử dụng sản phẩm có giấy tờ và được các cơ quan công nhận. Cũng chính vì thế, lợi nhuận mà trang trại của tôi thu về cũng cao hơn".
Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức cho người dân hiểu được mục đích, ý nghĩa của Chương trình OCOP, tạo điều kiện, động lực cho người dân mạnh dạn đầu tư phát triển sản phẩm lợi thế của địa phương".
Ông Lê Văn Khoa - Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Châu Thành A, Hậu giang
Hiện nay, tại cơ sở chăn nuôi dê và chế biến sữa dê Ngọc Đào có bán 6 loại sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao là sữa chua dê và mít sấy thăng hoa, sữa chua dê và sầu riêng sấy thăng hoa, yaourt sữa dê, sữa dê thanh trùng, sữa chua dê sấy khô và phô mai sữa dê. Khởi đầu từ 12 con dê giống, đến nay sản phẩm đã mang đến cho gia đình anh Đua lợi nhuận mỗi năm khoảng 300 triệu đồng. "Đến với Chương trình OCOP, cơ sở chăn nuôi dê và chế biến sữa dê Ngọc Đào mong muốn đưa sản phẩm đến khắp mọi miền đất nước, được nhiều người biết đến và đón nhận, góp phần làm phong phú thêm văn hóa ẩm thực quê hương, tạo nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện Châu Thành A, của tỉnh Hậu Giang" - ông Đua chia sẻ thêm.
Anh Trần Văn Đệ - chủ cơ sở chế biến nông sản Trần Đệ (thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A), cho hay: "Cơ sở đã được các cơ quan chức năng cấp chứng nhận đạt 3 sản phẩm OCOP 3 sao, gồm bưởi non sấy, trà bưởi non và trà bưởi non túi lọc. Khi tham gia Chương trình OCOP, cơ sở được chính quyền địa phương rất quan tâm, theo dõi và cử cán bộ kỹ thuật xuống tận nơi hướng dẫn cách làm, giám sát kỹ các nguồn nguyên liệu và chế biến đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Hiện cơ sở vẫn tiếp tục phát triển các dòng sản phẩm, hướng tới phát triển sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao, đưa sản phẩm tiếp cận đến người tiêu dùng nhiều hơn nữa".
Theo anh Đệ, Chương trình OCOP hướng đến việc tăng cường giá trị gia tăng cho sản phẩm thông qua quá trình chế biến và chất lượng sản phẩm. Các sản phẩm OCOP không chỉ là nguyên liệu thô mà còn là sản phẩm đã qua xử lý, đóng gói và có giá trị thương mại cao. Từ đó giúp nâng cao giá trị sản phẩm và tạo ra lợi nhuận cao cho nông dân và doanh nghiệp.
Phát huy tiềm năng, lợi thế địa phương.
Theo các chủ cơ sở sản xuất, trang trại ở Hậu Giang, để phát triển OCOP một cách bền vững và hiệu quả, cần có sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền và các cơ quan chuyên môn. Trước nhất là cần tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp, bao gồm cả việc cải thiện hạ tầng, quy trình hành chính và chính sách hỗ trợ tài chính. Bên cạnh đó, việc đào tạo và nâng cao năng lực cho nông dân và doanh nghiệp cũng là yếu tố quan trọng để đảm bảo chất lượng và cạnh tranh của sản phẩm.
Hiện nay, huyện Châu Thành A có 26 HTX nông nghiệp, số lượng sản phẩm OCOP của huyện là 32, trong đó có 12 sản phẩm 4 sao và 20 sản phẩm 3 sao. Sau khi tham gia Chương trình OCOP, sản lượng của các chủ thể tăng lên 30% so với ban đầu chưa tham gia chương trình. Do các cơ sở, HTX được hỗ trợ và tham gia xúc tiến thương mại nên bao bì sản phẩm đẹp mắt hơn; sản phẩm dán tem OCOP tạo được lòng tin hơn đối với người tiêu dùng…
Để sản phẩm OCOP phát triển bền vững, nâng cao giá trị nông sản, phát huy lợi thế địa phương, định vị thương hiệu và chất lượng các sản phẩm OCOP trên địa bàn, tỉnh Hậu Giang đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức cho người dân hiểu được mục đích, ý nghĩa của Chương trình OCOP, tạo điều kiện, động lực cho người dân mạnh dạn đầu tư phát triển sản phẩm lợi thế của đại phương.
Bênh cạnh đó, việc tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP được thực hiện thông qua các hội chợ trong và ngoài tỉnh, đặc biệt tham gia hội chợ trưng bày sản phẩm OCOP. Tại huyện Châu Thành A còn phát huy điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP tại các quán cà phê để tìm đối tác, mở rộng thị trường, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và giúp sản phẩm OCOP của huyện ngày càng phát triển hơn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.