Ở một cái vịnh đẹp trên biển Phú Yên, dân nuôi thủy sản lồng bè đang tự giác nhặt rác thu gom đưa vô bờ

Chủ nhật, ngày 14/04/2024 05:46 AM (GMT+7)
Dự án giảm thiểu ô nhiễm, cải thiện môi trường tại vịnh Vũng Rô (tỉnh Phú Yên) đã làm thay đổi nhận thức, hành vi của khoảng 80% chủ bè nuôi trồng thủy sản tại đây. Đến nay, dự án đã kết thúc, nhưng địa phương vẫn duy trì nhằm tạo thói quen để người nuôi trồng thủy sản mang rác thải vào bờ.
Bình luận 0

Đến nay, dự án đã kết thúc, nhưng địa phương vẫn duy trì nhằm tạo thói quen để người nuôi trồng thủy sản mang rác thải vào bờ.

Hiệu quả bước đầu của dự án

Phú Yên có 4 đầm, vịnh lớn với diện tích khoảng 18.900ha. Các đầm, vịnh này là không gian phát triển kinh tế quan trọng của tỉnh, góp phần giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân. 

Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được, các hoạt động từ phát triển KT-XH đang gây sức ép lớn cho môi trường sinh thái tại các đầm, vịnh này, đặc biệt là các nguồn thải từ hoạt động nuôi trồng thủy sản (NTTS)…

Nghề nuôi trồng thủy sản tại các đầm, vịnh đã có từ nhiều năm nay và lượng chất thải từ nuôi trồng thủy sản đã tạo thành một lượng lớn tích tụ dưới nền đáy. 

Đây là một nguồn ô nhiễm thường trực có thể dẫn đến các sự cố môi trường khi có sự cộng hưởng của các điều kiện môi trường cực đoan. 

Không những thế, hiện nay những hoạt động dân sinh tại các khu dân cư xung quanh các đầm, vịnh cũng phát sinh một lượng nước thải và rác thải sinh hoạt nhưng chưa được thu gom, xử lý triệt để.

Ở một cái vịnh đẹp trên biển Phú Yên, dân nuôi thủy sản lồng bè đang tự giác nhặt rác thu gom đưa vô bờ- Ảnh 1.

Người nuôi thủy sản ở vùng vịnh Vũng Rô (thuộc địa bàn xã Hòa Xuân Nam, TX Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) gom rác thải mang vào bờ. Ảnh: ANH NGỌC

Tháng 7/2023, tỉnh đã huy động nguồn lực hỗ trợ từ Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam) triển khai Dự án giảm thiểu ô nhiễm, cải thiện môi trường tại vịnh Vũng Rô (khu vực thuộc xã Hòa Xuân Nam, TX Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) với mục đích thu gom, xử lý rác thải lồng bè nuôi trồng thủy sản.

Theo UBND xã Hòa Xuân Nam, dự án đã hỗ trợ khoảng 790 túi lưới và gắn hơn 370 bảng nội quy quản lý rác thải tại các bè ở vịnh Vũng Rô. WWF Việt Nam đã tổ chức tập huấn, tuyên truyền nâng cao ý thức cho các chủ bè và người lao động trên bè về tác động của rác thải, trách nhiệm của các chủ bè, quy định bảo vệ môi trường, đặc biệt là quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường…

Ông Võ Tấn Trung, một chủ bè NTTS ở vùng vịnh Vũng Rô cho biết: Đa số chủ bè và người dân địa phương đều ủng hộ và hưởng ứng việc thu gom, xử lý rác thải lồng bè NTTS ở đây. Riêng gia đình tôi có thêm nghề kinh doanh thức ăn cho tôm hùm và có hơn 80 chủ bè thường xuyên mua thức ăn cho tôm từ gia đình tôi.

Do đó, tôi đã hỗ trợ thêm cho lực lượng thu gom, vận chuyển rác trong bờ 1 triệu đồng/tháng, để thu gom lượng rác thải phát sinh từ khách hàng mua thức ăn tôm của mình. Đối với các túi ni lông đựng thức ăn tôm, gia đình tôi tái sử dụng lại nhiều lần nhằm hạn chế chi phí mà không gây ô nhiễm rác thải nhựa…

Theo ông Trung, hiện nay vẫn còn một số chủ bè, người lao động nuôi trồng thủy sản ở vùng vịnh Vũng Rô thiếu ý thức, vứt rác bừa bãi xuống vịnh, đặc biệt là vứt các túi ni lông đựng thức ăn tôm. Đa số các chủ bè ở đây không đồng tình với hành động vứt rác này và đã thành lập một nhóm nếu phát hiện có trường hợp vứt rác xuống vịnh sẽ quay clip gửi cơ quan chức năng xử lý…

Tiếp tục duy trì mô hình

Tháng 7/2023, WWF Việt Nam triển khai Dự án giảm thiểu ô nhiễm, cải thiện môi trường tại Vũng Rô. Bà Nguyễn Thu Trang, quản lý dự án tại Phú Yên cho biết: WWF Việt Nam đã phối hợp với địa phương tổ chức 2 đợt ra quân dọn sạch rác thải nhựa tồn đọng ở khu vực Bãi Chính và Bãi Lách với hơn 360 người tham gia, khối lượng rác thu được hơn 16 tấn, trong đó có khoảng 50% là rác thải nhựa.

Đây là một trong những hoạt động xử lý các điểm nóng về rác thải, đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường quản lý, tránh tái nhiễm tại các điểm nóng đã xóa. 

Dự án giảm thiểu ô nhiễm, cải thiện môi trường tại Vũng Rô được triển khai đến cuối năm 2023, với mục đích nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái biển vịnh Vũng Rô và triển khai phương án thu gom, xử lý đạt tỉ lệ 60-70% lượng rác thải phát sinh từ NTTS ở vịnh này.

Theo bà Lê Thị Huỳnh Anh, cán bộ xã Hòa Xuân Nam, xã đã vận động các chủ bè thực hiện thu gom, mang rác thải phát sinh từ NTTS vào bờ để đúng nơi quy định và ký cam kết với gần 400 chủ bè. 

UBND xã cũng xây dựng bãi tập kết rác khoảng 100m2, bố trí các thùng đựng rác tại các điểm tập kết và lắp đặt 4 pano tuyên tuyền bảo vệ môi trường tại các điểm tập kết rác. 

Xã đã hợp đồng với Công ty CP Môi trường đô thị Phú Yên thu gom, vận chuyển rác với tần suất 3 lần/tuần, vận chuyển mỗi lần khoảng 2,6 tấn.

Ông Trần Kim Trọng, Chủ tịch UBND xã Hòa Xuân Nam cho hay: Khó khăn nhất hiện nay là lượng rác thải từ hoạt động NTTS ở Vũng Rô rất nhiều, một số chủ bè người ngoài địa phương chưa thực hiện ký cam kết đem rác vô bờ. 

Công tác xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp vi phạm còn gặp khó khăn. Địa phương kiến nghị tỉnh hỗ trợ thêm những thùng đựng rác có thể tích lớn và lắp đặt camera tại các vị trí tập kết rác để theo dõi, giám sát việc đưa rác vào bờ. Phòng TN&MT cần hỗ trợ trong công tác xử lý các trường hợp vi phạm về lĩnh vực môi trường.

Chủ tịch UBND xã Hòa Xuân Nam Trần Kim Trọng: Đến nay, khoảng 80% chủ bè ở Vũng Rô đã thực hiện đưa rác thải phát sinh từ NTTS vào bờ và để rác vào các thùng chứa do địa phương bố trí. Địa phương đang vận động các chủ bè thực hiện nghĩa vụ nộp lệ phí thu gom rác mỗi bè 36.000 đồng/tháng.

Anh Ngọc (Báo Phú Yên)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem