Trồng dưa gang ở cuối nguồn sông Quéo, nông dân Bình Định thu trăm triệu/năm

Đào Minh Trung Thứ hai, ngày 16/10/2023 07:10 AM (GMT+7)
Nhờ trồng dưa gang chín vàng thơm ngon, nhiều nông dân ở thôn Thuận Hòa, xã Bình Tân, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định đã có thu nhập cả trăm triệu đồng/năm. Trái dưa gang chín vàng đến đâu, thương lái thu mua đến đó, nông dân không phải lo đầu ra.
Bình luận 0

Thôn Thuận Hòa, xã Bình Tân, huyện trung du Tây Sơn, tỉnh Bình Định ở cuối nguồn sông Quéo. Cùng với 122ha trồng lúa 2 vụ/năm, người dân còn canh tác 30ha hoa màu, trong đó có 4ha chuyên trồng dưa gang. Cũng từ đây, danh tiếng Thuận Hòa được nhiều người biết đến.

Phát huy lợi thế cây dưa gang và để đảm bảo loại cây trồng này phát triển bền vững, những hội viên nông dân trồng dưa ở chi hội nông dân thôn Thuận Hòa bảo nhau tham gia sinh hoạt Tổ hội nông dân nghề nghiệp trồng dưa gang để chia sẻ kinh nghiệm, liên kết tiêu thụ sản phẩm ổn định và tiến tới mở rộng sản xuất.

Trồng dưa gang ở cuối nguồn sông Quéo, nông dân Bình Định thu trăm triệu/năm - Ảnh 1.

Mô hình trồng dưa gang của nông dân thôn Thuận Hòa, xã Bình Tân, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định có thu nhập trăm triệu đồng/năm. Ảnh: Đào Minh Trung

Theo anh Nguyễn Thanh Hùng (SN 1968), nông dân ở xóm Bắc, thôn Thuận Hòa, xã Bình Tân, huyện Tây Sơn – một thành viên Tổ hội nông dân nghề nghiệp cho biết: Cây dưa gang đã bén rễ ở đây hơn 15 năm nhưng được biết nhiều chỉ mấy năm gần đây với tiếng thơm "dưa gang Thuận Hòa vừa sạch vừa ngon". Dưa gang thường chín theo đợt, từ khi trồng đến lúc thu hoạch khoảng 2 tháng và kéo dài khoảng 2 - 3 tháng.

Dưa gang Thuận Hòa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, dưa chín thơm mát, ngọt dịu, cầm trên tay thấy chắc và nặng, trọng lượng 1 - 1,5 kg/trái, miếng dưa mềm xốp, dẻo, có thể ăn tươi hoặc phối trộn với nhiều loại hoa quả khác để chế biến thành nhiều món ăn khác nhau.

Thôn Thuận Hòa và vùng lân cận có nhiều người nuôi vịt. Anh Nguyễn Thanh Hùng là người đầu tiên có sáng kiến ủ hoai phân vịt bằng chế phẩm sinh học đem bón lót cho cây dưa gang. Phương pháp này đã mang lại hiệu quả cao bất ngờ.

Không chỉ vậy, anh Hùng còn là người tiên phong trong việc kết hợp kiến thức thu nhận được từ nhiều lớp tập huấn kỹ thuật, vận dụng sáng tạo vào trồng dưa. Cùng với đó, anh đầu tư khoan giếng để chủ động nước tưới, phủ bạt trừ cỏ, sử dụng béc phun mưa, dùng thuốc bảo vệ thực vật sinh học; ruộng dưa của anh thường xuyên đạt năng suất 6 - 7 tấn/sào, gấp đôi so với nhiều ruộng dưa khác.

Anh Hùng chia sẻ, gia đình tôi chuyển đổi 10 sào đất trước đây trồng mì sang trồng dưa gang. Cách nhau 15 ngày - 30 ngày, tôi xuống giống một lứa, mục đích rải vụ là để có dưa thu hoạch liên tục, tránh "no dồn đói góp". Việc tiêu thụ dưa thuận lợi nên mỗi vụ gia đình tôi cầm chắc cả trăm triệu đồng. Lợi nhuận từ cây dưa gang cao gấp 4 - 5 lần so với trồng lúa trên cùng một chân đất.

Trồng dưa gang ở cuối nguồn sông Quéo, nông dân Bình Định thu trăm triệu/năm - Ảnh 2.

Theo các hộ trồng dưa gang ở thôn Thuận Hòa, xã Bình Tân, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, cây dưa gang phù hợp với diện tích canh tác nhỏ. Trồng dưa gang không cần vốn nhiều, quan trọng là phải chịu khó lên luống cao và rộng

Tôi đến thăm ruộng dưa gang của anh Nguyễn Xuân Sanh, thôn Thuận Hòa. Anh Sanh kể: Thiếu đất canh tác nên tôi đã thuê 7 sào đất để trồng dưa. Cây dưa gang ưa nước, không chịu úng. Vì vậy, tôi thuê chân đất gần kênh mương Văn Phong để đảm bảo có đủ nước, chọn những chân cao để thoát nước tốt.

Theo những thương lái thường mua dưa, dưa gang từ ruộng của anh Sanh là dưa sạch có thể ăn ngay tại ruộng. Nhờ tạo mối quan hệ rộng trên mạng xã hội, nên nhiều thương lái ở Đà Nẵng, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Nam, Quảng Ngãi thường đặt mua dưa của anh. Anh Sanh chỉ phải lo trồng ra dưa ngon còn việc tiêu thụ đã có bạn hàng bao tiêu.

Anh Sanh phấn khởi: "Từ cây dưa gang, tôi có thu nhập khá, xây được nhà cửa khang trang, nuôi con ăn học tới nơi tới chốn. Tôi đã thuê thêm 5 sào đất nữa để mở rộng diện tích trồng dưa gang trong vụ Đông Xuân 2023 - 2024, nâng tổng diện tích trồng dưa gang của gia đình lên 12 sào".

Theo các hộ trồng dưa gang ở thôn Thuận Hòa, xã Bình Tân, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, cây dưa gang phù hợp với diện tích canh tác nhỏ. Trồng dưa gang không cần vốn nhiều, quan trọng là phải chịu khó lên luống cao và rộng, chuyên cần phòng trừ sâu bệnh, nhất là bọ trĩ, ong chích trái.

Chị Đỗ Thị Thuận ở xóm Bắc, thôn Thuận Hòa, cho biết: "Dưa gang dễ trồng nhưng muốn trái đạt phẩm cấp cao rất nặng công. Bù lại, trái dưa sạch dễ bán lại được giá cao. Gia đình tôi duy trì 6 sào dưa trên đất vườn nhà, cứ 15 - 30 ngày xuống giống một lứa. Quen mối rồi nên thương lái cứ thế đến đếm dưa".

Ông Trần Văn Lượng - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tây Sơn chia sẻ: Việc tận dụng đất vườn nhà trồng dưa gang phổ biến ở Thuận Hòa và đang bắt đầu lan dần các địa phương lân cận. Hội phối hợp với các ngành chức năng hỗ trợ cho Tổ hội nông dân nghề nghiệp trồng dưa ở đây xây dựng thương hiệu, phương án sản xuất, tem dán truy xuất nguồn gốc. Đây cũng là nội dung quan trọng của tiêu chí phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống người dân trong xây dựng nông thôn mới nâng cao ở xã Bình Tân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem