Ô nhiễm bụi bủa vây người đô thị

Phú Lãm Thứ sáu, ngày 21/07/2017 06:00 AM (GMT+7)
Báo cáo môi trường quốc gia năm 2016  mà Bộ TNMT công bố chiều 20.7 đã “điểm mặt” hàng loạt các vấn đề, sự cố ô nhiễm môi trường nổi cộm. Tại báo cáo này, Bộ TNMT thẳng thắn đúc rút những bài học kinh nghiệm và giải pháp sau các sự cố môi trường…
Bình luận 0

Hàng loạt sự cố  môi trường nổi cộm

Theo báo cáo của Bộ TNMT, trong năm 2016 xảy ra hàng loạt sự cố ô nhiễm môi trường. Điển hình như: Sự cố môi trường biển miền Trung do nước thải công nghiệp của Công ty Formosa Hà Tĩnh theo dòng hải lưu di chuyển theo hướng Bắc- Nam từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên -Huế, làm hải sản chết hàng loạt. Sự cố này gây ảnh hưởng nặng nhất là ngành thủy sản, tiếp đến là hoạt động kinh doanh, dịch vụ, du lịch và đời sống, sinh hoạt của hàng vạn người dân 4 tỉnh miền Trung.

img

Với tốc dộ xây dựng nhanh, Hà Nội đang ở tình trạng ô nhiễm môi trường do bụi rất lớn.  Ảnh: LÊ HIẾU

Những vụ việc ô nhiễm môi trường nổi cộm khác là: Ô nhiễm nước sông Cẩm Đàn (Bắc Giang) do nước thải khai thác khoáng sản chưa qua xử lý xả thải vào sông; sự việc 190 tấn cá chết do ô nhiễm nước Hồ Tây (Hà Nội); ô nhiễm môi trường do vỡ bể chứa bùn thải chì tại thị trấn Pác Miều (Cao Bằng); ô nhiễm môi trường Khu công nghiệp Tằng Loỏng (Lào Cai); ô nhiễm môi trường do vỡ hồ chứa nước và bùn thải khai thác titan tại Bình Thuận.

TS Nguyễn Văn Tài – Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường bày tỏ: Qua hàng loạt sự cố môi trường, Bộ TNMT nghiêm túc đúc kết bài học về kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm. Đặc biệt, là công tác giám sát, đánh giá đúng tác động tới môi trường của các dự án ngay từ khi xây dựng, phê duyệt, nhất là với các dự án có nguy cơ tác động xấu tới môi trường…

img

Báo động về ô nhiễm môi trường đô thị

Báo cáo công bố hiện trạng môi trường quốc gia năm 2016 có chuyên đề: “Môi trường đô thị”, trong đó khái quát tổng quan phát triển đô thị Việt Nam; hiện trạng ô nhiễm môi trường không khí; ô nhiễm môi trường nước; ô nhiễm môi trường đất; phân tích hoạt động phát sinh và xử lý chất thải rắn...

Quan ngại về ô nhiễm môi trường đô thị, Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài nhìn nhận: “Từ thập niên 90 đến nay, số lượng đô thị nước ta tăng nhanh chóng và mở rộng cả về quy mô, diện tích. Mạng lưới đô thị cả nước phát triển không đồng đều. Quá trình đô thị hóa nhanh chóng đã dẫn đến nhiều vấn đề môi trường bức xúc mà nguyên nhân chủ yếu là do cơ sở hạ tầng đô thị chưa theo kịp tốc độ hóa. Điển hình tại Hà Nội và TP.HCM và các đô thị khác sức ép từ các nguồn nước thải cũng đang là vấn đề đặt ra nhiều thách thức. Tỷ lệ nước thải sinh hoạt đô thị được xử lý còn thấp mới chỉ đạt 11%, chỉ có 42 đô thị trên tổng số 787 đô thị có công trình xử lý nước thải tập trung. Điều này đã tác động rất lớn đến chất lượng nước của các nguồn tiếp nhận”-ông Tài nói.

Cụ thể, tính đến tháng 12.2016, cả nước có 795 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa đạt 35,2%. Thực trạng chung hiện nay các đô thị đều tăng dân số, sự phát triển kinh tế, dịch vụ, mật độ xây dựng gia tăng “chóng mặt” dẫn đến quá tải, tăng sức ép ở tất cả các mặt hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, kéo theo các hệ quả ô nhiễm môi trường.

Trong các vấn đề ô nhiễm môi trường tại các đô thị Việt Nam thì vấn đề ô nhiễm không khí là nổi cộm nhất. Tỷ lệ mẫu quan trắc TSP vượt quy chuẩn của các chương trình quan trắc quốc gia luôn lớn hơn 80% số mẫu quan trắc trong năm. Các chất nhiễm SO2, CO về cơ bản vẫn nằm trong giới hạn của quy chuẩn, trong khi riêng khí O3, NO2 đã có dấu hiệu ô nhiễm.

Bên cạnh đó, mức độ ô nhiễm bụi tại các đô thị vẫn ở ngưỡng cao, chưa có dấu hiệu giảm trong 5 năm gần đây. Năm 2013 bụi TPS có nồng độ vượt ngưỡng cho phép từ 2-3 lần và thường tập trung ở các trục đường giao thông của các đô thị lớn. Nguyên nhân ô nhiễm môi trường không khí các đô thị chủ yếu do chịu áp lực ô nhiễm từ hoạt động giao thông vận tải, hoạt động xây dựng, hoạt động của các xí nghiệp nội đô, sinh hoạt của dân cư, xử lý rác thải và các nguồn ô nhiễm từ ngoại thành chuyển vào; khí thải từ các phương tiện giao thông chứa nồng độ chất độc hại và bụi cao. Hay từ bụi đất đá, cát tồn đọng do chuyên chở vật liệu xây dựng, chuyên chở rác, khí thải từ các nhà máy ở ngoại thành, tình trạng đốt rơm rạ sau mỗi vụ gặt ở ngoại thành cũng là tác nhân gây ô nhiễm môi trường không khí đô thị.

“Hệ thống thoát nước yếu kém, hiện tượng ngập úng thường xuyên là những nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe người dân đô thị. Tỷ lệ diện tích đất trồng cây xanh còn thấp chỉ bằng 1/10 chỉ tiêu cây xanh của các thành phố tiên tiến trên thế giới” - báo cáo của Bộ TNMT nêu.

Bộ TNMT đã đề ra các giải pháp giải quyết các tồn đọng, bảo vệ môi trường đô thị. Đó là: Hoàn thiện các chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường đô thị và quy hoạch đô thị gắn với phát triển bền vững; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và phòng ngừa kiểm soát ô nhiễm; đẩy mạnh huy động sự tham gia của cộng đồng trong bảo vệ môi trường... 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem