Tại các thành phố lớn: Ô nhiễm bụi vẫn ở mức cao

Long Nguyên Thứ sáu, ngày 19/09/2014 06:50 AM (GMT+7)
Đây là một trong những thông tin đáng chú ý được Bộ Tài nguyên- Môi trường cho biết ngày 18.9 tại lễ công bố báo cáo môi trường quốc gia năm 2013 với chủ đề “Môi trường không khí” nhằm thông tin các vấn đề liên quan đến môi trường không khí của Việt Nam giai đoạn 2008-2013. 
Bình luận 0

Ô nhiễm khói mù do đốt rơm rạ ngày càng phức tạp

Theo báo cáo, ngoài nồng độ ô-zôn cao bất thường, một điểm đáng lo ngại ở không khí đô thị Việt Nam là nồng độ bụi mịn khá cao. Không giống với bụi thô, hạt bụi mịn thường mang tính axit, có kích thước siêu nhỏ nên tồn tại lâu trong không khí và có khả năng phát tán xa, mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe con người rất đáng kể. Theo kết quả quan trắc, ở khu vực phía Bắc, 68,12% giá trị quan trắc vượt quá Quy chuẩn Việt Nam (QCVN) 05:2013 về nồng độ bụi. Trong khi đó, con số này ở phía Nam là 42% và ở vùng kinh tế trọng điểm miền Trung là 44%.

Trao đổi ý kiến tại lễ công bố, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên- Môi trường Nguyễn Minh Quang cho biết: “Tại Việt Nam, ô nhiễm bụi tại các thành phố lớn tiếp tục tồn tại ở mức cao. Các khu vực đô thị là nơi tập trung các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, đông dân cư, là khu vực có môi trường chịu tác động nhiều nhất. Vấn đề ô nhiễm không khí tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, ô nhiễm khói mù do đốt rơm rạ ở nông thôn... ngày càng phức tạp”.

Theo những thông số trong báo cáo, Hà Nội là nơi có mức độ ô nhiễm hơn hẳn TP.Hồ Chí Minh dù Hà Nội có dân số ít hơn, số lượng phương tiện cơ giới cũng ít hơn. Theo kết quả nghiên cứu của Cục Y tế (Bộ Giao thông- Vận tải), tỷ lệ mắc bệnh đường hô hấp của người sống ở Hà Nội cao hơn TP.Hồ Chí Minh… Nguyên nhân là do Hà Nội ô nhiễm hơn TP.Hồ Chí Minh. Trong năm 2013, Hà Nội có tới 237 ngày chất lượng không khí kém, 21 ngày chất lượng không khí xấu và 1 ngày chất lượng không khí vào mức nguy hại.

Theo các chuyên gia, Hà Nội ô nhiễm hơn TP.Hồ Chí Minh có thể liên quan đến đặc điểm cơ cấu loại hình sản xuất, công nghệ, nhiên liệu trong sản xuất công nghiệp. Ngoài ra, yếu tố thời tiết nhiều biến động cũng là nguyên nhân. Do đó, số tiền người dân Hà Nội phải chi phí các bệnh liên quan đến đường hô hấp, thiệt hại do bệnh đường hô hấp gây ra cũng gấp đôi TP.Hồ Chí Minh.

Nồng độ khí ô-zôn tăng mạnh

Theo báo cáo môi trường quốc gia, từ năm 2013, số liệu quan trắc liên tục tự động từ một số trạm ven đường như trạm quan trắc Nguyễn Văn Cừ (Hà Nội), trạm quan trắc Lê Duẩn (Đà Nẵng) cho thấy, nồng độ khí ô-zôn (công thức hóa học O3) ở Việt Nam có xu hướng tăng đáng kể và rõ rệt từ năm 2013. Nồng độ O3 ở lớp không khí gần mặt đất tương đối cao, xấp xỉ ngưỡng QCVN 05:2013. Đáng lưu ý nồng độ O3 tăng cao khi nhiệt độ tăng và đứng gió, vì vậy nồng độ O3 cao nhất vào khoảng thời gian từ 9-11 giờ sáng. Tuy nhiên, theo ghi nhận ở các trạm quan trắc, một số thời điểm nồng độ O3 cao rõ rệt về đêm.

Đà Nẵng được coi là thành phố khá sạch ở Việt Nam. Mặc dù vậy, 3 năm qua, số ngày có chất lượng không khí kém, không khí xấu tăng lên đáng kể. Năm 2011 thành phố này chỉ có 40 ngày không khí kém. Đến năm 2013, con số này tăng lên 128 ngày. Lý do khiến chất lượng không khí giảm sút ở Đà Nẵng là do sự tăng mạnh về nồng độ ô-zôn. Các chỉ số ô nhiễm khác ở thành phố này ít biến động.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến: Lý do khiến nồng độ ô-zôn trong không khí ở các đô thị Việt Nam tăng cao là do ảnh hưởng của giao thông và sản xuất công nghiệp, nhất là sự gia tăng phương tiện giao thông ô tô, xe máy ở các thành phố lớn. Tuy nhiên, vì sao nồng độ ô-zôn lại tăng mạnh vào ban đêm (trái với quy luật thông thường: Cao vào ban ngày, ít vào ban đêm) thì chưa có lý giải thỏa đáng dù đã có nhiều hội thảo tìm nguyên nhân được tổ chức.

  Ô-zôn (Ozone) là chất khí không màu, ở nồng độ thấp không có mùi, nhưng ở nồng độ cao có mùi hôi. Khi ô-zôn tiếp xúc với mô phổi, nó tấn công và làm tổn thương các tế bào biểu mô lót của đường dẫn khí, gây viêm các tế bào, làm chúng ta ho, ngứa họng, thấy khó chịu trong lồng ngực, đồng thời làm giảm chức năng phổi, khiến ta không thể thở sâu như bình thường...  


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem