Song Loan
Chủ nhật, ngày 18/07/2021 08:50 AM (GMT+7)
Ghé hàng hoa của chị Hồng phần lớn là các các chị, các bà "gái Hà Nội xưa", họ mua một gói hoa nhỏ xinh, kèm một vài trái thị sáp. Thế thôi là đủ thơm ngát cả ngày dài, đủ để chạm đến miền kí ức của tuổi trẻ.
Ngày xưa vì không có túi nilong nên cái gì các cụ cũng gói bằng lá. Thân thiện và sạch tinh tươm.
Gói hoa là một trong những nét văn hoá đặc sắc của các cụ, rất phổ biến ở Hà Thành và các tỉnh miền Bắc. Tạo hoá ban cho tiết trời miền Bắc đầy ưu ái. Vì lẽ đó mà đã có quá nhiều loài hoa đặc biệt.
Ngày nay, hoa tươi được gói lá hay đặt trong các rổ, mẹt làm bằng mây tre đan đã trở thành "đặc sản" của người Hà Thành, có lẽ chỉ còn trên phố cổ và được lưu giữ bởi một số người Hà Nội yêu hoa.
Tháng 7,…mùa Thị của tuổi thơ trở lại, mùa của Hoàng Lan, Ngọc Lan, Móng Rồng đang vào độ chín ngọt thì cũng là mùa covid thứ 4 ở nước ta.
Phố cổ những ngày giãn cách thật buồn, song cũng thật đẹp. Không còn cảnh tấp nập, đông vui như trước đây nữa. Các con phố ngang nhau như rộng hơn, hàng quán chỉ mở hờ khung cửa, các gánh hàng rong cũng thưa dần.
Và gánh hàng hoa cũng vắng,…chỉ còn thấp thoáng ẩn khuất quanh mấy con phố gần chợ Đồng Xuân. Mỏi mòn lắm mới tìm ra duy nhất một gánh hoa cổ.
Có chị tên Hồng đã bán các loại hoa này mấy chục năm nay, nên dù có nắng mưa, dịch vắng, khách thưa chị vẫn đi chợ đều. Chị đi không hẳn chỉ vì mưu sinh mà còn vì "nghiệp" như lời chị chia sẻ.
Những bông hoa thơm ngọt phần lớn được chị thu hái từ các cây cổ thụ tại các ngôi chùa ở các làng quê quanh đây như Quốc Oai, Phúc Thọ, Đông Anh,…Bởi là cây cổ thụ nên hoa già và lưu hương thơm rất lâu.
Cũng từ món quà của thiên nhiên mà các ngôi chùa có thêm một phần chi phí để lo nhang đèn.
Trước đây, những gói hoa cổ thường dùng để dâng Phật, dâng Gia tiên nhưng bây giờ, những bông hoa mang màu cảm xúc, nhiều người mua về đặt tại phòng làm việc như một giải pháp giúp tăng trưởng năng lượng tích cực, thư giãn, giảm tải mệt mỏi, căng thẳng.
Một "phương thuốc" hữu hiệu trong chăm sóc sức khỏe tinh thần của nhiều chị em giữa mùa dịch.
Ghé hàng hoa của chị Hồng phần lớn là các các chị, các bà "gái Hà Nội xưa", họ mua một gói hoa nhỏ xinh, kèm một vài trái thị sáp. Thế thôi là đủ thơm ngát cả ngày dài, đủ để chạm đến miền kí ức của tuổi trẻ.
…còn tôi trong một số cuộc "dạo chơi", đã xuôi về phố cổ của nhiều năm trước, đã rong ruổi ngắm nhìn, chìm đắm ở nhiều con phố, đã chết lặng ở một vài cung đường đầy ắp kí ức và yêu thương.
…tôi hiểu và thương cả quá khứ lẫn hiện tại. Trân trọng những người hàng hoa xưa kia đầy tâm nguyện. Họ bán hàng bằng tâm và sự trung thực. Họ tư vấn cho khách rất tỏ tường về các loại hoa dùng cho mỗi công việc gì. Họ gói ghém cẩn thận để giữ cho hoa thơm lâu, tươi lâu.
Tặng phẩm đến từ thiên nhiên được mẹ thiên nhiên trưởng dưỡng. Những bông hoa cổ đón nhận tất cả những tinh túy nhất của trời đất; từ nguồn nước ngọt dưới lòng đất đến nắng ấm trên cao, từ giọt sương đêm ươm ướp mật ngọt cho đến những cơn gió đầu ngày dịu mát,…
Cầm trên tay những bông hoa xinh xinh ai đó cũng cảm thấy thật bình yên, ấm áp. Một món quà tuyệt hảo mang giá trị tinh thần "siêu vật chất", đưa ta về hiện tại, hiện tại với mùi hương, làm tươi mới tâm hồn và cuộc sống của chúng ta mỗi ngày.
Một gói hoa Hà Nội sẽ không thể thiếu móng rồng, hoàng lan, ngọc lan, nhài, sen, mẫu đơn, hoa ngâu, hoa bưởi, hoa cau, thị sáp, hồng vành khuyên,…theo mùa và theo vụ.
Vì sao người xưa yêu thích việc "mix" các loại hoa cổ? Đó phải chăng là một nghệ thuật phi ngôn ngữ.
Khi bày các loại hoa lên đĩa tâm ai cũng hoan hỷ nhẹ nhõm, tất cả mùi hương đó quyện lại, hài hòa, tạo thành một "khuỹnh hương thơm" thanh cao, ngọt ngào, sâu lắng ở các giai tầng năng lượng khác nhau theo các chiều không gian tầm cao, trung và hiện tại.
Nghệ thuật đơn giản là sự kết hợp của tự nhiên, của tạo hóa. Và Hà Nội hôm nay vẫn còn lưu giữ được những nét đẹp văn hóa đó. Nhìn về quá khứ để trân quý hiện tại, học từ các cụ để học cách làm tốt nhất từ những điều bình dị…đưa hương thơm vào giữa cuộc sống theo lối thuận tự nhiên.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.