Oanh tạc cơ đoản mệnh nhất của không quân Mỹ có gì đặc biệt?

Thứ hai, ngày 12/10/2020 12:33 PM (GMT+7)
B-32 Dominator là dòng máy bay được biên chế ngắn nhất trong lịch sử Mỹ, dù mất nhiều năm để phát triển và hoàn thiện.
Bình luận 0

B-29 là oanh tạc cơ nổi tiếng nhất của Mỹ, đóng vai trò là máy bay ném bom chủ lực vào các mục tiêu của phát xít Đức trong Thế chiến II. Tuy nhiên, không quân Mỹ còn sở hữu một "lá bài dự phòng" cho B-29, đó là máy bay ném bom hạng nặng B-32 Dominator, mẫu oanh tạc cơ có thời gian phục vụ ngắn nhất trong lịch sử lực lượng này, theo National Interest.

Mỹ bắt đầu ký hợp đồng với hãng Boeing phát triển dòng B-29 từ giữa năm 1938. Hai năm sau, Washington yêu cầu hãng Consolidated thiết kế một mẫu oanh tạc cơ riêng biệt, đề phòng trường hợp dự án B-29 gặp khó khăn. Consolidated phát triển nguyên mẫu XB-32 dựa trên dòng B-24 Liberator, thực hiện chuyến bay thử đầu tiên ngày 7/9/1942.

Điểm nổi bật của B-32 là phần đuôi cao tới 10 m. Nó có nhiều nét tương đồng với oanh tạc cơ B-29, như được trang bị 4 động cơ Wright R-3350-23 Cyclone, tốc độ tối đa 576 km/h và mang được 10 tấn bom đạn. B-32 được lắp 10 súng máy để tự vệ.

Tuy nhiên, do một số hạn chế về kỹ thuật, B-32 không có tháp pháo điều khiển từ xa và khoang điều áp như mẫu B-29, khiến nó chỉ được coi là oanh tạc cơ tầm thấp và tầm trung. Bù lại, Dominator có tầm hoạt động tới 6.100 km và tốc độ 465 km/h, cao hơn đáng kể so với đối thủ B-29.

Bất chấp những ưu điểm của B-32, không quân Mỹ tỏ ra hài lòng với mẫu B-29 và chỉ triển khai ba chiếc B-32 để thử nghiệm thực chiến ở Philippines. Sau khi được biên chế cho Phi đoàn ném bom số 386, oanh tạc cơ B-32 đã tiến hành một loạt trận tập kích vào các mục tiêu phát xít Nhật ở Philippines và đảo Đài Loan.

Phi đoàn số 386 được biên chế đầy đủ oanh tạc cơ B-32 vào tháng 7/1945, trước khi tái triển khai đến căn cứ không quân Yontan trên đảo Okinawa để chuẩn bị làm nhiệm vụ trinh sát không ảnh Nhật Bản sau đó một tháng.

Oanh tạc cơ đoản mệnh nhất của không quân Mỹ có gì đặc biệt? - Ảnh 1.

Oanh tạc cơ B-32 trong một chuyến bay đầu năm 1945. Ảnh: USAF.

Tối 15/8/1945, Nhật hoàng Hirohito tuyên bố đầu hàng quân Đồng minh, ra lệnh cho các lực lượng vũ trang ngừng kháng cự sau khi bị Mỹ ném hai quả bom nguyên tử. Không quân Mỹ duy trì hoạt động trinh sát trên bầu trời Tokyo để kiểm tra việc tuân thủ các thỏa thuận, khiến nhiều phi công tiêm kích Nhật lo ngại bị máy bay Mỹ tấn công.

Ngày 17/8, các tiêm kích Nhật đánh chặn oanh tạc cơ B-32 Mỹ đang trinh sát, buộc phi hành đoàn Mỹ bắn trả, nhưng hai bên không gây thiệt hại lớn cho nhau. Chỉ một ngày sau, hai chiếc B-32 chở nhóm chuyên gia không ảnh tiếp tục trinh sát trên bầu trời Tokyo. Lúc 14h, biên đội Dominator vừa hoàn thành nhiệm vụ thì phát hiện 14 tiêm kích A6M và 3 chiếc N1K-J của không quân Nhật Bản tiếp cận.

Nhóm chiến đấu cơ Nhật Bản bao vây oanh tạc cơ Mỹ và khai hỏa, buộc những chiếc B-32 nổ súng chống trả. Phi công Sadumo Komachi đã dùng pháo 20 mm trên tiêm kích N1K-J tấn công chiếc B-32 có biệt danh "Hobo Queen II", làm một xạ thủ súng máy bị thương. Hobo Queen II trúng hàng loạt phát đạn, khiến chuyên gia trinh sát Anthony Marchione thiệt mạng và nhiều thành viên tổ bay bị thương nặng. Marchione cũng là lính không quân Mỹ cuối cùng thiệt mạng trong Thế chiến II.

Hai oanh tạc cơ Mỹ nhanh chóng hạ độ cao, tăng tốc thoát ly khỏi nhóm tiêm kích Nhật và trở về căn cứ lúc 18h. Chiếc Hobo Queen II chỉ còn một động cơ và có tới 30 lỗ thủng trên thân khi hạ cánh. Ngày hôm sau, quân đội Nhật phải cho tháo toàn bộ cánh quạt khỏi các tiêm kích để tránh dẫn đến những cuộc đối đầu tương tự.

Mỹ đóng cửa dây chuyền chế tạo oanh tạc cơ B-32 chỉ hai ngày trước khi Nhật đầu hàng và sớm loại biên 116 chiếc đã sản xuất. Với việc được vận hành từ ngày 27/1 đến ngày 30/8/1945, B-32 là mẫu máy bay bị loại biên nhanh nhất trong lịch sử không quân Mỹ.

Duy Sơn (Theo VNExpress)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem