Ông Trương Văn Đoàn - một chủ sà lan ở xã An Phú Tân (Cầu Kè, Trà Vinh), cho biết: “Vào năm 2008, do việc khai thác, chuyên chở cát, nhất là khi cát từ Campuchia quá cảnh qua Việt Nam để xuất khẩu sang Singapore chưa bị cấm, ai có chiếc sà lan thì rất nhanh giàu. Chính vì vậy, tôi đã mạnh dạn mua một chiếc sà lan tải trọng 560 tấn để mong đổi đời”.
|
Nhiều hộ dân ủ dột vì nợ... sà lan. |
Những ngày này, công việc trôi chảy, hàng hóa nhiều, giá xăng dầu rẻ, lãi suất ngân hàng cũng khá “mềm” nên mỗi tháng chuyên chở, sau khi trừ chi phí, ông còn lãi được từ 70-90 triệu đồng. Từ 1 chiếc, ông sắm lên 3 chiếc sà lan, với hy vọng công việc làm ăn suôn sẻ, trả nợ ngân hàng đầy đủ…
Thế nhưng, từ đầu năm 2011 đến nay, nguồn cung cấp cát (chủ yếu ở bên Campuchia) bị thu hẹp. Cộng với việc giá dầu tăng gấp đôi, lãi suất ngân hàng cũng tăng cao và một số người mới đóng sà lan sau này chạy phá giá nên công việc bị đình trệ, không đủ tiền trả nợ cho ngân hàng.
Cũng như ông Đoàn, ông Phạm Văn Dũng - cùng xã An Phú Tân, đã thế chấp tài sản để mua chiếc sà lan tải trọng 570 tấn vào năm 2008 với giá trên 3 tỷ đồng. Từ đầu năm 2011 đến nay, ông cũng đang trong tình trạng lâm nợ ngân hàng thuộc diện khó trả…
Tại xã Tam Ngãi (huyện Cầu Kè), ông Nguyễn Hoàng Khên - Bí thư Đảng ủy xã, cho biết: Toàn xã hiện có khoảng 20 sà lan chuyên chở vật liệu cát đá. Gần đây, đi đâu cũng thấy bà con lo lắng trước tình trạng kinh doanh ế ẩm, nợ bị ngân hàng đòi ráo riết…
Ông Nguyễn Văn Liêm - Giám đốc Ngân hàng NNPTNT Chi nhánh Cầu Kè, cho biết: Ngân hàng đã cho trên 60 hộ dân ở huyện Cầu Kè vay tiền để đóng sà lan với tổng số tiền khoảng trên 250 tỷ đồng, trung bình mỗi hộ vay 4 tỷ đồng từ thế chấp tài sản. Mấy năm đầu bà con làm ăn thuận lợi, trả nợ đầy đủ, còn mấy tháng nay làm ăn thất bại, thu nhập không đủ đóng lãi, còn ngân hàng đang đối mặt với món nợ khó đòi.
Sao Khuê
Vui lòng nhập nội dung bình luận.