Ôn thi cấp tốc vào lớp 10: "Con thấy kiệt sức rồi"
Ôn thi cấp tốc vào lớp 10: "Ngày nào cũng chỉ ngủ 3-4 tiếng, em kiệt sức rồi"
Tào Nga
Thứ ba, ngày 27/04/2021 13:28 PM (GMT+7)
Học từ sáng sớm đến khuya, ngày nào cũng 11h đêm mới về đến nhà rồi lại lao vào làm bài tập trên lớp, H. cho biết, em bị kiệt sức vì ôn thi cấp tốc vào lớp 10.
Còn khoảng 50 ngày nữa là học sinh chính thức bước vào cuộc đua tranh giành suất thi lớp 10 công lập và các trường chuyên, lớp chọn ở Hà Nội. Ngay từ khi Sở GD-ĐT Hà Nội công bố môn thi thứ 4, nhiều lớp ôn thi cấp tốc vào lớp 10 đã mở và phụ huynh rốt ráo đăng ký cho con đi học. Mặc dù học phí ở các lớp cấp tốc rất đắt nhưng cha mẹ vẫn sẵn sàng chi trả, thậm chí còn cho con học ở những khung giờ không ai nghĩ tới là 3-5h sáng, 4-6h sáng, 11-1h chiều, 10-11h tối, 11-1h đêm...
Việc học trên lớp căng thẳng cộng với học thêm ở nhà thầy cô, lò luyện thi đã khiến nhiều học sinh cảm thấy kiệt sức. Ở lứa tuổi 15 "ăn chưa no, lo chưa tới", các em đã phải gồng trên vai nhiệm vụ học tập quá lớn.
Một nữ sinh xin được giấu tên chia sẻ với PV báo Dân Việt, em học thêm 7 buổi/tuần cho 4 môn thi tốt nghiệp nhưng mẹ vẫn không yên tâm. Bắt đầu từ tháng 4 vừa qua, mẹ em đã đăng ký thêm lớp và hầu như ngày nào em cũng học thêm 2 ca. Thậm chí tối nào đi học thêm 1 ca thì mẹ tranh thủ đăng ký thầy giáo dạy online Toán hoặc Anh vào lúc nửa đêm.
"Em bị kiệt sức, thiếu ngủ, chán nản và mất động lực học tập. Em đã nhiều lần nói chuyện với mẹ nhưng mẹ vẫn nhất quyết không nghe vì sợ hổng kiến thức. Tối nào em cũng học đến 1-2 giờ sáng và 5-6 giờ lại dậy để làm bài tập trên lớp và ở lớp học thêm nhưng vẫn không có đủ thời gian. Đến lớp thì em phải tranh thủ giờ ra chơi và giờ ngủ trưa để làm bài tập học thêm. Em thấy mệt mỏi vô cùng. Giá như em học thật giỏi như kỳ vọng của mẹ", nữ sinh ngậm ngùi chia sẻ.
Cùng chung tâm trạng, một học sinh lớp 9 khác lo sợ mình bị trầm cảm: "Từ hè năm ngoái bố mẹ đã tìm các lớp cho em học thêm. Em học tối ngày, ra khỏi nhà hơn 6h sáng và 10h đêm mới về. Loay hoay nghỉ ngơi tí thì đến 12h em mới bắt đầu học đến 3 giờ sáng. Nhiều hôm ăn trưa luôn tại lớp học thêm.
Thế nhưng thành tích trong năm qua của em vẫn không được tốt lên mà còn thấy tụt xuống. Bố mẹ luôn la mắng vì đầu tư cho em học hành mà em thì không cố gắng. Càng đến ngày thi vào lớp 10 em càng sợ".
Tuy nhiên, thực tế có một số trường hợp khác không phải do phụ huynh lo mà chính học sinh tự tạo áp lực cho mình. Một nữ sinh bị ám ảnh đến mức không ngủ được: "Em hay bị lo lắng, không yên tâm, thấy áp lực. Cứ nhắm mắt vào là những con chữ và điểm số lại hiện ra trước mắt. Sắp đến ngày thi em lại càng không thể nào ngủ được. Chợp mắt được chút thì 2-3 giờ sáng lại thức cho đến lúc dậy đi học".
Học sinh không cần đi học thêm nhiều
Chia sẻ PV báo Dân Việt trước tình trạng học sinh học thêm tràn lan hiện nay, thầy Đặng Việt Hà, hiệu trưởng trường THCS Chu Văn An, quận Tây Hồ, Hà Nội cho biết: "Tôi đã tư vấn cho phụ huynh rằng kiến thức đi thi là kiến thức phổ thông nằm hết trong sách giáo khoa. Quyết định của việc thi điểm cao không phải là đi học nhiều ở các lò mà bí quyết là học cơ bản, được chữa lỗi, các em phải tự làm bài chứ không phải ngồi học.
Tôi luôn chia sẻ với các phụ huynh 2 nguyên tắc ôn thi: Một là học sinh phải có thời gian tự học càng nhiều càng tốt. Như thế các em mới có thời gian biến kiến thức của thầy cô thành kiến thức của mình.
Nguyên tắc thứ 2 là học sinh phải được kiểm tra, chữa lỗi khi làm sai. Phụ huynh không nên cho con đi học thêm nhiều và nhà trường đã gửi tệp tài liệu để cho các con tự học tự hoàn thành. Hàng tuần trường tổ chức kiểm tra các môn để cha mẹ biết lực học của con".
Cũng theo chia sẻ của thầy Hà, kế hoạch dạy ôn thi vào lớp 10 của trường đã tiến hành trong cả năm học. Nhà trường có quan điểm dạy cuốn chiếu, ôn tập từng phần, sau đó 8 tuần cuối cho học sinh ôn tập.
"Học sinh có tài liệu tổng, ôn theo từng tuần và trường sẽ gửi về cho phụ huynh giám sát cho con tự học ở nhà. Sau đó, trường tổ chức kiểm tra đánh giá từng tuần, thầy cô chữa lỗi cho học sinh. Đặc biệt, trường tặng phần thưởng động viên cho học sinh bằng cách chọn trong 4 môn thi 10 em có điểm cao nhất trường và các em có tiến bộ trong lớp. Việc thi như thế sẽ bổ sung kiến thức còn thiếu và các em làm quen phong thái thi để làm bài tốt nhất", thầy Hà cho biết.
Được biết, tỉ lệ vào trường chuyên hàng năm tại trường THCS Chu Văn An là 15-20%. Trường công lập 80-85%. Một số học sinh không vào công lập có thể do các em có lực học vừa phải hoặc một số học sinh chọn trường dân lập, quốc tế chất lượng cao với điều kiện học tập tốt hơn.
"Học sinh ở trường Chu Văn An không đi học thêm hoặc học thêm rất ít, trừ những em học sinh thi chuyên thì học thêm môn chuyên. Còn bình thường các em học ở trường là đủ rồi", thầy Hà bày tỏ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.