Giai thoại bất hủ về Trạng Quỳnh và truyền thống 11 đời con cháu hiếu học vang danh dòng họ

Tào Nga Thứ tư, ngày 12/01/2022 06:37 AM (GMT+7)
Những câu chuyện về Trạng Quỳnh là niềm tự hào còn mãi với thời gian và con cháu Trạng Quỳnh đã nối tiếp truyền thống cha ông, tiếp tục làm rạng danh dòng họ.
Bình luận 0

Nhắc đến Nguyễn Quỳnh (hay dân gian còn gọi là Trạng Quỳnh), ai ai cũng phải nể phục bởi học vấn uyên thâm, tài năng ứng biến và bật cười với những giai thoại bất hủ của ông. Những câu chuyện đó có thể là thật, có thể là hư cấu nhưng được lưu truyền từ đời này sang đời khác như niềm tự hào về một danh nhân văn hóa đất Việt. 

Trạng Quỳnh - thông minh, tài trí nhưng lận đận

Chúng tôi đến thăm xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa vào một ngày đầu năm 2022. Trong căn nhà thờ có lịch sử hàng trăm năm, chúng tôi được nghe kể lại những câu chuyện từ chính con cháu của Nguyễn Quỳnh.

Ông Nguyễn Văn Thanh, 69 tuổi, trưởng tộc, cháu đời thứ 9 của Nguyễn Quỳnh, đời thứ 14 dòng họ Nguyễn chia sẻ, Nguyễn Quỳnh sinh năm 1677 trong một gia đình Nho giáo có truyền thống hiếu học tại làng Bột Thượng, nay là xã Hoằng Lộc. Từ nhỏ ông nổi tiếng là người thông minh, tài trí hơn người.

Giai thoại bất hủ về Trạng Quỳnh và truyền thống để lại cho 12 đời con cháu dòng họ Nguyễn Quỳnh - Ảnh 1.

Nhà thờ Trạng Quỳnh ở Hoằng Lộc, Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Ảnh: Tào Nga

Năm 14 tuổi, văn tài đã khá, Nguyễn Quỳnh đi thi Huyện trúng cả 4 kỳ. Năm 18 tuổi (năm 1694) Nguyễn Quỳnh theo cha ra Thăng Long học tập. Lúc này, cha ông làm Giám sinh Quốc Tử Giám tại Kinh thành.

Năm Bính Tý (năm 1696), ông thi đậu giải Nguyên (tức là đỗ đầu kỳ thi Hương) khi vừa tròn 20 tuổi. Nguyễn Quỳnh có sở trường thơ phú, có học vấn uyên thâm, tài năng ứng biến. Người đương thời đánh giá cao tài năng của ông là "Nguyễn Quỳnh, Nguyễn Nham thiên hạ vô tam" (nghĩa là Thiên hạ không có người thứ ba giỏi như hai ông) và thường gọi ông là Quốc sư hay Trạng nguyên.

Tuy nhiên, thời đại Nguyễn Quỳnh sống khi đó khủng hoảng trầm trọng của chế độ phong kiến, nhân dân lầm than cực khổ, trường thi trở thành nơi vơ vét làm giàu. Bản thân Nguyễn Quỳnh là con người thông minh tài trí nhưng lận đận trong thi cử, gặp nhiều trắc trở trên hoan lộ, nơi trường ốc. Nhiều khoa thi ông không đỗ, không hợp cách để có thể vào thi Đình nhận danh hiệu Tiến sĩ. Làm học quan lương thấp không bổng lộc, phải nuôi mẹ, nuôi em, cuộc sống của ông nghèo khổ, quẫn bách, bị giáng chức hạ lương.

Giai thoại bất hủ về Trạng Quỳnh và truyền thống để lại cho 12 đời con cháu dòng họ Nguyễn Quỳnh - Ảnh 2.

Nhà thờ Nguyễn Quỳnh được xây dựng từ thời Tự Đức. Ảnh: Tào Nga

Đau xót trước cảnh ngộ chua chát, éo le của bản thân, phẫn nộ trước sự bất công thối nát của triều đình, ông đã cùng với nhân dân vạch trần bộ mặt thật của bọn thống trị, nói lên tiếng nói phản phong mạnh mẽ, quyết liệt.

Vốn không có chí làm quan nên mãi sau ông mới nhậm chức giáo thụ phủ Thái Bình sau thăng lên chức Viên ngoại bộ lễ, tước hàn lâm tu soạn. Ông có mặt ở kinh thành Thăng Long từ năm 1720-1729 đời vua Lê Dụ Tông cho đến cuối đời. Với cuộc đời sự nghiệp của Nguyễn Quỳnh cùng những trang thơ phú của ông đã trở thành mẫu hình cho nhân vật Trạng Quỳnh nổi tiếng sống mãi với thời gian. Ông tạ thế ngày 28/1 năm Mậu Thìn (năm 1748), thọ 72 tuổi.

Những câu chuyện Trạng Quỳnh còn để lại có thể là hư cấu, nhưng có thể khẳng định dân gian đã dựa vào con người thực Nguyễn Quỳnh để phát triển nên một nhân vật sinh động và tài tình là Trạng Quỳnh.

Nhà thờ Nguyễn Quỳnh được xây dựng từ thời Tự Đức tam niên (năm 1850) trên một khu đất rộng, bằng phẳng nằm giữa làng Bột Thượng. Nhà thờ uy nghiêm, khuôn viên sạch đẹp, thoáng mát và được chính con cháu trong dòng họ trông nom thờ cúng. Năm 1990, nhà thờ Trạng Quỳnh được công nhận là Di tích văn hóa lịch sử cấp Quốc gia.

Giai thoại bất hủ về Trạng Quỳnh và truyền thống 11 đời con cháu vang danh dòng họ Nguyễn Quỳnh - Ảnh 3.

Bà Nguyễn Thị Sơn bên bàn thờ Nguyễn Quỳnh. Ảnh: Tào Nga

Bà Nguyễn Thị Sơn, 73 tuổi, cháu đời thứ 8 của Nguyễn Quỳnh, người trông nom nhà thờ cho hay, trước đây chưa có dịch bệnh Covid-19, mỗi ngày nhà thờ đón tiếp nhiều đoàn khách đến tham quan, các trường học đưa học sinh đến thắp hương. Đặc biệt, mỗi dịp quan trọng như ngày thi học kỳ, thi đại học hoặc Tết Nguyên đán, rất nhiều phụ huynh, học sinh ở khắp nơi mang bút, sách vở đến xin học giỏi, thi cử đỗ đạt. 

Giai thoại bất hủ về Trạng Quỳnh và truyền thống 11 đời con cháu vang danh dòng họ Nguyễn Quỳnh - Ảnh 4.

Hàng năm, nhiều học sinh, phụ huynh mang bút, vở đến nhà thờ Nguyễn Quỳnh xin học giỏi, thi cử đỗ đạt. Ảnh: Tào Nga

Truyền thống hiếu học dòng họ Nguyễn Quỳnh

Ông Nguyễn Văn Thanh chia sẻ thêm, dòng họ Nguyễn Quỳnh đến nay đã có 11 đời con cháu: "Giữ gìn truyền thống từ đời xưa để lại, con cháu Nguyễn Quỳnh nói riêng và trong dòng họ Nguyễn nói chung luôn nâng cao tinh thần hiếu học, chăm chỉ noi gương nhau, thi cử đỗ đạt và làm rạng danh cha ông".

Giai thoại bất hủ về Trạng Quỳnh và truyền thống để lại cho 12 đời con cháu dòng họ Nguyễn Quỳnh - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Văn Thanh, đời thứ 9 dòng họ Nguyễn Quỳnh. Ảnh: Tào Nga

 Trong bảng Truyền thống khoa bảng dòng họ Nguyễn ghi năm 2013, thống kê chưa đầy đủ cho thấy từ năm 1945 đến nay, chỉ tính cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ đã có 193 người. Đây là niềm tự hào mà không phải dòng họ nào trên đất nước Việt Nam cũng có được. 

Giai thoại bất hủ về Trạng Quỳnh và truyền thống 11 đời con cháu vang danh dòng họ Nguyễn Quỳnh - Ảnh 6.

Truyền thống khoa bảng dòng họ Nguyễn. Ảnh: Tào Nga

Ông Thanh cho biết thêm, để khuyến khích con cháu, dòng họ đã lập ra Ban Khuyến học với 4 thành viên phụ trách và được con cháu tham gia nhiệt tình. "Chúng tôi kêu gọi con em đóng góp quỹ chung mỗi dịp Tết đến và khi hết năm học sẽ tổng kết trao phần thưởng cho những học sinh, sinh viên có thành tích tốt. Nơi phát phần thưởng không đâu khác chính là ở nhà thờ Nguyễn Quỳnh", ông Thanh cho hay.

Vậy là cứ mỗi đầu tháng 8 đến, con cháu khắp nơi tụ họp về quê hương để nhận phần thưởng hiếu học đầy ý nghĩa của mình. Ông Thanh cho biết, trung bình năm nào cũng trao quà cho 40-50 em. Đó là một ngày lễ đầy háo hức, tự hào, được chuẩn bị chu đáo cả băng rôn và làm lễ báo cáo tổ tiên.

Năm 2021 vừa qua, dòng họ đã trao quà cho 12 em đỗ đại học, học sinh giỏi các cấp là 45 em. Gia đình ông Thanh cũng có 2 con làm giáo viên tiếng Anh và làm trong ngành điện lực của tỉnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem