Ông Abe bị bắn tử vong: Cú sốc ở quốc gia kiểm soát súng đạn gắt gao nhất thế giới

Đăng Nguyễn - Tổng hợp Thứ sáu, ngày 08/07/2022 18:25 PM (GMT+7)
Việc cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo bị bắn bằng súng ở cự ly gần là một cú sốc lớn với Nhật Bản – quốc gia có quy định kiểm soát súng đạn gắt gao nhất trên thế giới.
Bình luận 0

img

Ông Abe được đưa đến bệnh viện bằng trực thăng.

Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno xác nhận cựu thủ tướng Abe Shinzo bị bắn khi đang vận động tranh cử cho đảng Dân chủ Tự do ở thành phố Nara, miền tây nước này. 

Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản Rahm Emanuel bày tỏ sự đau buồn và sốc trước thông tin ông Abe bị ám sát. “Chúng tôi đau buồn và bị sốc khi cựu Thủ tướng Abe Shinzo bị bắn”, Đại sứ Emanuel cho biết. “Abe là nhà lãnh đạo kiệt xuất của Nhật Bản và là đồng minh không lay chuyển của Mỹ".

“Đây là một cú sốc lớn”, Hiromichi Watanabe, thành viên cấp cao đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản phát biểu. “Tôi không thể tin rằng điều này có thể xảy ra ở Nhật Bản”.

Ông Abe bị chảy máu ở ngực và được đưa đi cấp cứu trong trạng thái "ngừng tim phổi", sau đó đã qua đời trong bệnh viện. Nghi phạm Tetsuya Yamagami, 41 tuổi, bị bắt tại hiện trường cùng vũ khí gây án dường như là một khẩu súng săn tự chế. 

Theo CNN, Nhật Bản là một trong những quốc gia có tỉ lệ phạm tội liên quan đến súng đạn ở mức thấp nhất thế giới vì quy định kiểm soát nghiêm ngoặt.

Năm 2018, Nhật Bản chỉ ghi nhận 9 trường hợp tử vong liên quan đến súng đạn, so với 39.740 trường hợp trong cùng năm ở Mỹ.

Ở Nhật Bản, chỉ có súng shotgun (súng bắn đạn ghém) và súng săn là vũ khí được cấp phép sử dụng. Súng ngắn và súng quân dụng bị nghiêm cấm. Người dân Nhật Bản có thể xin giấy phép sử dụng súng săn nhưng quy trình rất phức tạp và cần sự kiên nhẫn.

Chủ sở hữu súng phải cất giữ vũ khí ở nơi riêng biệt, có khóa và chìa khóa, sau đó thông báo với cảnh sát. Cứ ba năm một lần, họ phải tham gia lại khóa học và thực hiện đợt kiểm tra.

"Nhật Bản từ lâu đã thực thi luật kiểm soát súng rất chặt chẽ", Iain Overton, giám đốc điều hành Tổ chức Hành động về Bạo lực Vũ trang (AOAV) của Anh, nói trên BBC. "Nhật Bản là quốc gia đầu tiên trên toàn thế giới áp dụng luật về súng, nhằm đảm bảo súng thực sự không đóng vai trò nào trong xã hội dân sự".

Theo CNN, để mua được một khẩu súng ở Nhật Bản, người Nhật phải tham gia khóa học cả ngày, bao gồm bài kiểm tra viết và bài kiểm tra sử dụng súng với độ chính xác ít nhất 95%.

img

Khẩu súng tự chế mà nghi phạm sử dụng để bắn ông Abe.

Người Nhật cũng phải trải qua đánh giá sức khỏe tâm thần và kiểm tra chất kích thích, cũng như kiểm tra lý lịch nghiêm ngặt - bao gồm xem xét hồ sơ tội phạm, nợ cá nhân và các mối quan hệ với gia đình, bạn bè.

Năm 2019, ước tính chỉ có 310.400 khẩu súng shotgun và súng săn được người Nhật sở hữu. Con số này là khiêm tốn so với một quốc gia có 125 triệu dân.

Năm 2007, Iccho Ito, thị trưởng thành phố Nagasaki ở miền nam Nhật Bản, tử vong sau khi bị một kẻ xã hội đen bắn ít nhất hai phát đạn vào lưng. Kể từ đó, Nhật Bản đã thắt chặt hơn nữa luật kiểm soát súng, áp đặt các hình phạt nặng hơn đối với tội phạm sử dụng súng, đặc biệt là các thành viên của băng nhóm tội phạm có tổ chức.

Chính sách kiểm soát súng đạn của Nhật Bản liên quan mật thiết đến lịch sử nước này. Sau Thế chiến II, chủ nghĩa hòa bình là một trong những triết lý chủ đạo trên toàn quốc. 

Cảnh sát Nhật Bản chỉ bắt đầu mang súng vào năm 1946 theo yêu cầu của Mỹ vì lý do an ninh. Cảnh sát Nhật Bản khi không thực hiện nhiệm vụ không được phép mang súng. Vũ khí phải để lại ở cơ quan sau khi kết thúc ca làm việc.

Luật Kiểm soát Súng và Kiếm của Nhật Bản được áp dụng từ năm 1958, quy định "không ai được sở hữu các loại súng và dao kiếm".

Ở Nhật Bản, mỗi tỉnh chỉ có tối đa 3 cửa hàng bán súng. Người sở hữu chỉ có thể mua đạn mới sau khi nộp lại các vỏ đạn đã sử dụng từ lần mua trước. Khi chủ sở hữu qua đời, thân nhân của họ cũng phải giao nộp lại súng.

"Tâm lý e ngại súng đạn bắt nguồn từ chủ nghĩa hòa bình ở Nhật. Người dân cho rằng chiến tranh quá khủng khiếp và họ không thể để điều đó xảy ra một lần nữa", nhà báo Mỹ gốc Nhật Anthony Berteauxnói.

Các băng nhóm xã hội đen ở Nhật Bản cũng rất ít khi sử dụng súng vì những rắc rối liên quan. Câu chuyện yakuza nổ súng luôn là đề tài được cả nước Nhật quan tâm.

Nếu người nổ súng là yakuza, họ thường sẽ phải chịu mức án nặng hơn. "Những kẻ thông minh đều tránh động đến súng đạn, bởi khung hình phạt quá nặng, có thể phải ngồi tù suốt đời chỉ vì nổ một phát súng", một thành viên băng đảng  Kobe Yamaguchi hoạt động tại Osaka, Nhật Bản, nói.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem