Ông Ca Ri No kể, ông may mắn vì được cha mình truyền nghề từ khi còn rất nhỏ. “Cha tôi là nghệ nhân có tiếng trong nghề làm nhạc cụ dân tộc cổ truyền, được ông tận tình truyền nghề và lòng đam mê âm nhạc nên tôi học rất nhanh. Nhiều người học gần chục năm nhưng tôi chỉ học 6 tháng là có thể làm thành thạo mọi việc” – ông Ca Ri No nhớ lại.
Ông Ca Ri No (trái) khoe sản phẩm do chính tay mình làm ra. Ảnh: T.T
Ban đầu, ông được cha hướng dẫn làm các nhạc cụ như: Đàn cò, đàn Ta-kê, đàn gáo, trống chầu, trống sa dăm, dàn nhạc ngũ âm… Sau đó, ông tự tham khảo thêm sách báo, nghiên cứu làm thêm các sản phẩm độc đáo khác. Theo ông Ca Ri No, mỗi loại nhạc cụ khác nhau phải lựa chọn gỗ phù hợp để có tiếng trầm bổng và cần có sự khéo léo, sáng tạo của đôi tay người nghệ nhân. Các sản phẩm của ông làm ra được nhiều đoàn nghệ thuật, các chùa tìm đến đặt hàng hoặc được các nhà chùa ở khắp các tỉnh lân cận rước về làm nhạc cụ.
Khi được hỏi, đến nay ông đã làm, sáng tạo được bao nhiêu sản phẩm, ông Ca Ri No nói: "Mình không nhớ đã làm ra được bao nhiêu. Nhiều nhà chùa, đoàn nghệ thuật liên tục đặt hàng, chỉ ghi số lượng, yêu cầu của từng nơi thôi chứ không thống kê được. Những lúc không làm kịp, phải huy động thêm thanh niên trong xóm phụ giúp”. Được biết, nguồn thu từ việc bán các loại nhạc cụ không lớn nhưng ông Ca Ri No vẫn say mê làm, với mong muốn góp phần bảo tồn truyền thống văn hóa của dân tộc. Ngoài làm các loại nhạc cụ, ông còn nghiên cứu làm các loại mặt nạ, ngựa nộm, tạc tượng trên gỗ, xi măng, các họa tiết ở cổng, chánh điện ở chùa…
Ông còn truyền nghề cho các con, cháu mình và nhiều thanh niên Khmer địa phương. “Bây giờ nhà tôi đã có 4 thế hệ làm nhạc cụ dân tộc rồi. Hy vọng, thế hệ con cháu sau này giữ lại nét truyền thống văn hóa độc đáo của dân tộc mình. Tôi rất vui mừng khi các ngày lễ lớn của dân tộc Khmer, đâu đâu cũng chơi nhạc ngũ âm và các loài đàn, trống, hình nộm… mà tôi đã làm ra” - ông Ca Ri No cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.