Ông chủ tịch xã và hành trình 13 năm điều tra, kêu oan cho bị can Huỳnh Văn Nén

Nguyễn Thanh (Dòng đời) Thứ bảy, ngày 22/11/2014 14:01 PM (GMT+7)
Trả lời câu hỏi của Dòng Đời, điều gì thôi thúc ông lặn lội gần 13 năm dài khắp trong Nam ngoài Bắc để giải mã vụ án, ông Nguyễn Thận đáp gọn: “Một xã nghèo mà có tới hai mạng người bị giết vô cùng man rợ, thành kỳ án là quá khủng khiếp. Trước sự hoang mang của người dân, tôi phải đi tìm sự thật và trải qua rất nhiều gian nan. Thật may là cuối cùng sự thật cũng hé lộ”.
Bình luận 0

Ông chủ tịch xã nhạy điều tra

Rạng sáng một ngày cuối tháng 4.1998, người ta phát hiện bà Lê Thị Bông nằm chết trong nhà mình ở xã Tân Minh, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận. Nạn nhân nằm dưới đất, hai chân đút dưới gầm giường và nửa thân mình được đắp bởi một chiếc chăn. Công an và người của ủy ban xã có mặt sớm nhất, trong đó có ông Nguyễn Thận, chủ tịch xã Tân Minh.

img
Ông cựu Chủ tịch xã Tân Minh Nguyễn Thận đang kể cho phóng viên về hành trình phá án giải oan giúp người. (Ảnh: Phước Tuấn) 

Hơn nửa tháng sau khi vụ án xảy ra, ông Huỳnh Văn Nén, một người quê Cà Mau, lấy vợ ở Tân Minh bị bắt để điều tra về hành vi giết người.

“Tôi từng làm trưởng công an xã ba năm nên có biết đôi chút về nghiệp vụ điều tra. Trong quá trình làm hiện trường, tôi phát hiện nhiều điểm đáng chú ý nên chủ động chỉ đạo công an xã thu thập. Đã có lúc, thông tin được cập nhật cho tôi từng phút nên khi cơ quan điều tra bắt giữ Huỳnh Văn Nén, tôi thấy có rất nhiều thứ lợn cợn” - ông Nguyễn Thận nói về rất nhiều sợi dây ở hiện trường chưa biết hung thủ sử dụng dây nào. Lúc thực nghiệm hiện trường, hành động và lời khai của Nén cũng không khớp với các tình tiết khác.

Hai năm sau, ngày 31.8.2000, căn cứ trên kết quả điều tra, cáo trạng của Viện KSND tỉnh Bình Thuận, tòa án cùng cấp đã đưa vụ án ra xét xử và tuyên phạt bị cáo Huỳnh Văn Nén tù chung thân về ba tội giết người, cướp tài sản và hủy hoại tài sản. Ông Thận trầm ngâm: “Tôi có cảm giác bản án không tuyên đúng người đúng tội. Và pháp luật đang bị xâm hại để kẻ thủ ác vẫn nhởn nhơ ngoài vòng nghiêm minh của nó. Nén một mực phản cung, khai do bị đánh. Bị cáo còn kéo áo chỉ vết thương ở ngực, kéo chân cho tòa xem những vết giày đá nhưng không được hội đồng xét xử ghi nhận”.

Ba ngày sau khi bản án được tuyên, cũng đúng vào dịp Quốc khánh 2.9, mẹ của bị án Nguyễn Phúc Thành, một người dân địa phương đang thụ án ở trại giam Suối Cái, tỉnh Ninh Thuận đem đến chỗ ông một lá đơn do con bà viết từ trại giam. Cầm lá đơn, ông Thận mừng rỡ vì sự thắc thỏm của mình bấy lâu đã bắt đầu hé lộ sự thật.

Trong lá đơn này, anh Thành nói hai người giết bà Bông để cướp tài sản là bạn của mình. Vì tính chất bí mật của công tác điều tra, ông Thận nói một người họ Hồ và người còn lại họ Nguyễn.

Ngày 24.4.1998, bà Lê Thị Bông bị giết ở nhà riêng của mình tại xã Tân Minh, nay là thị trấn Tân Minh, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận. Năm 2000, TAND tỉnh Bình Thuận phạt Huỳnh Văn Nén tù chung thân vì giết bà Bông.

Thời gian này, phạm nhân Nguyễn Phúc Thành gửi đơn tố cáo hai người bạn của mình giết bà Bông chứ không phải ông Nén. Nghi can Nguyễn bỏ trốn. Hồ chết vì nghiện ma túy.

Trong diễn tiến khác, Nén còn bị khai gia đình vợ mình là hung thủ giết người trong vụ án vườn điều. Gần 10 người trong gia đình vợ Nén bị bắt giam, phạt tù rồi được thả, được bồi thường vì tù oan. Mới đây, Viện KSND tối cao kháng nghị theo hướng hủy bản án của TAND tỉnh Bình Thuận để điều tra, xét xử lại. Hiện nay nghi can Nguyễn đã bỏ trốn khỏi địa phương...

Đối diện với nỗi tuyệt vọng

Cầm lá đơn của anh Thành trong tay, ông lại chỉ đạo công an xã xác minh hai nhân vật họ Nguyễn và Hồ.  Đồng thời sự kiện lá đơn cũng được báo cáo thường vụ xã.

Kết quả xác minh hai nghi can này cho thấy họ là những thanh niên chậm tiến ở địa phương. Cả hai từng tham gia nhiều vụ hút chất gây nghiện, gây rối trật tự công cộng và hành hung người khác. Trong khi cơ quan công an đang làm hồ sơ đưa đi trường giáo dưỡng thì xảy ra vụ án. Niềm tin nội tâm của ông như củng cố thêm, khi hai thanh niên này đều đi khỏi địa phương sau khi xảy ra vụ án.

Ngày 29.9.2000, ông soạn tờ trình, kí tên và đóng dấu UBND xã gởi đến các cơ quan chức trách. Nỗi thất vọng nhanh chóng tràn ngập trong ông khi cơ quan điều tra công an Bình Thuận nói với ông, rằng hai người này ngoại phạm. Không chịu dừng lại, vị Chủ tịch xã đem thẳng tờ trình của mình vào TP.HCM để trao trực tiếp cho cán bộ TAND tối cao và Viện KSND tối cao với mong muốn vụ án được điều tra lại cho sáng tỏ.

Vẫn bằng chất giọng miền đất Quảng Trị chậm rãi, ông nói: “Mình gõ cửa khắp nơi nhưng suốt 13 năm dài, không một cơ quan, cán bộ nào chịu gặp chính quyền địa phương để lắng nghe. Ngay cả các ngành bảo vệ pháp luật của tỉnh ở sát bên cũng không chịu gặp tôi. Vào Sài Gòn không xong, tôi và ông Truyện –cha của Nén, lại ra Bắc. Từng ấy năm trời, tôi cứ lấy tiền lương, tiền rẫy mà đi thôi”.

Vuốt mái đầu hoa râm ở tuổi xấp xỉ 60, ông Thận cười buồn, năm 2007, những cơn đau tim bắt đầu tấn công ông. Mỏi mệt không thấy hướng giải quyết vụ án, ông như già thêm vài tuổi. Ông chuẩn bị cho mình một thời gian nghỉ ngơi...

Thế rồi ông Truyện lên Bình Thuận nhờ giúp đỡ. Nhìn người cha già, ông chủ tịch xã lại gật đầu, lén giấu vợ con bệnh tim của mình rồi lại lấy tiền cùng ông già Cà Mau ra Hà Nội. Đơn lại nộp ở tòa, ở viện tối cao. Một số luật sư Hà Nội biết chuyện, tham gia trợ giúp pháp lí miễn phí. Đơn kiến nghị của luật sư lại được gửi đi, xin tiếp cận hồ sơ vụ án lại bị chìm vào im lặng. Ông Nguyễn Thận hụt hẫng mấy tháng trời. Có lúc nỗi tuyệt vọng hành hạ ông còn lớn hơn đau tim...

Mừng đến mất ngủ

Thấy ông hăng say với vụ án dù không phải là người thân của mình, có người nói với ông nên buông để được an toàn và tiến thân nữa. Ông cười: “Làm tới chủ tịch xã mà để dân hoang mang, lo sợ với hai mạng người, vụ vườn điều chưa ráo mực đã tới vụ bà Bông thì trách nhiệm của tôi là phải theo tới cùng”.

Nghe xong câu nói của ông bao giờ người ta cũng cười ái ngại. Thế rồi, trong lúc ông ngược Bắc, xuôi Nam tìm sự thật thì tại địa bàn xã có người ném truyền đơn, vu khống ông Nguyễn Thận là con quận trưởng thời chế độ cũ bị cách mạng tử hình, nay chui vào hàng ngũ đảng để phá hoại. “Cầm tờ truyền đơn ái ngại dữ lắm! Mình bị bôi đen trong khi hết mình vì dân nên rất buồn” - ông Thận kể.

Nhưng nỗi buồn của ông nhanh chóng qua đi, khi cả gia đình đã sát cánh bên ông, ủng hộ hết mình. Mẹ ông, rồi mẹ vợ từ lúc còn sống đến trước lúc lâm chung đều nhắn nhủ ông theo đuổi vụ án đến cùng để không có người bị oan, mà pháp luật vẫn được bảo vệ. Nghĩ tới những người thương yêu, vị chủ tịch xã có gương mặt rắn rỏi, phúc hậu tiếp tục hành trình tưởng như vô định của mình. Trên bước đường có lúc tưởng như vô vọng đó, cuối năm 2013 một sự kiện đặc biệt đã diễn ra như một tia sáng cuối đường hầm. Đó là sự kiện ông Nguyễn Thanh Chấn được minh oan sau hơn 10 năm tù giam vì tội giết người. Ông Chấn cũng bị kết án tù chung thân như bị cáo Nén.

Sở dĩ nói đây là sự kiện đặc biệt vì trùng với thời điểm Quốc hội họp bàn thảo các vấn đề liên quan đến oan sai, bức cung, nhục hình. Hạnh phúc như vỡ òa đối với ông Truyện và ông Thận là mới đây viện KSND tối cao kháng nghị bản án của TAND tỉnh Bình Thuận theo hướng hủy tội danh và hình phạt đối với Huỳnh Văn Nén để điều tra, xét xử lại.

“Tôi nghe mà lâng lâng suốt mấy ngày liền. Tối không ngủ được vì quá hạnh phúc. Ngày 1.5.2014, tôi đã chính thức về hưu. Mới đây các cán bộ viện kiểm sát tối cao có vào Bình Thuận lấy lời khai của tôi, của anh Nguyễn Phúc Thành và anh xe ôm chở Nguyễn đi vào Đồng Nai. Vậy là đối với người dân trong xã mình, tôi đã cố gắng rất nhiều để phục vụ, đem lại cái yên tâm cho bà con thì tôi vui rồi” - ông Thận bộc bạch.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem