Ông Đỗ Hữu Ca bị truy tố, số tiền lừa đảo 35 tỷ đồng "chạy án" được giải quyết thế nào?

Quang Trung Thứ năm, ngày 22/02/2024 13:41 PM (GMT+7)
Ông Đỗ Hữu Ca, cựu Giám đốc Công an TP Hải Phòng bị truy tố vì nhận 35 tỷ đồng "chạy án" nhưng không làm mà chiếm đoạt. Vậy số tiền này sẽ được xử lý thế nào?
Bình luận 0

Ông Đỗ Hữu Ca bị truy tố

Viện KSND tỉnh Quảng Ninh mới hoàn tất cáo trạng, truy tố cựu Giám đốc Công an TP Hải Phòng Đỗ Hữu Ca và các bị can khác về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước, đưa hối lộ, nhận hối lộ và trốn thuế.

Ông Đỗ Hữu Ca bị truy tố, số tiền lừa đảo 35 tỷ đồng "chạy án" được giải quyết thế nào?- Ảnh 1.

Ông Đỗ Hữu Ca bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ảnh: TL

Trong vụ việc này, ông Đỗ Hữu Ca bị truy tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với cáo buộc nhận 35 tỷ đồng của các bị can Trương Xuân Đước (SN 1971, trú Hải Phòng) và Nguyễn Thị Ngọc Anh (SN 1979, vợ của Đước) để "chạy án".

Khi đó, ông Đỗ Hữu Ca mặc dù không có khả năng giúp vợ chồng Đước thoát khỏi việc bị xử lý tội mua bán trái phép hóa đơn nhưng đã gian dối hứa hẹn giúp được để nhận tiền và sau đó chiếm đoạt hết.

Còn vợ chồng Đước bị cáo buộc, từ tháng 3/2013- 5/2022, đã thành lập, quản lý, điều hành 26 công ty để mua bán trái phép hóa đơn nhằm kiếm lời. Vợ chồng Đước mua bán trái phép 15.674 hóa đơn, thu lợi bất chính hơn 41,2 tỷ đồng.

Số phận số tiền 35 tỷ đồng ông Đỗ Hữu Ca đã nhận để "chạy án"

Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, theo nội dung cáo trạng, ông Đỗ Hữu Ca bị truy tố ở khung hình phạt cao nhất của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là, mức hình phạt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân (khoản 4, Điều 174 Bộ luật hình sự).

Đối với số tiền 35 tỷ đồng mà ông Đỗ Hữu Ca đã nhận để chạy án, theo ông Cường, về nguyên tắc khi giải quyết vụ án hình sự, tòa án sẽ xem xét xử lý vật chứng của vụ án và có thể giải quyết cả vấn đề dân sự trong vụ án hình sự.

Ngoài việc giải quyết, quyết định các bị cáo có phạm tội hay không, mức hình phạt thế nào, tòa án cũng sẽ quyết định đến việc xử lý vật chứng theo các quy định của tố tụng hình sự.

Theo đó, những vật chứng do phạm tội mà có hoặc là công cụ phương tiện sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội sẽ bị tịch thu sung vào công quĩ Nhà nước. Những vật chứng là tài sản hợp pháp của người khác, không liên quan đến tội phạm sẽ được trả lại.

Nếu vật chứng là tài sản hợp pháp của người bị hại, bị tội phạm xâm phạm đến cần phải được pháp luật bảo vệ thì trả lại cho bị hại hoặc buộc bị cáo phải bồi thường thiệt hại khắc phục hậu quả để trả lại cho người bị hại.

Số tiền 35 tỷ đồng mà ông Đỗ Hữu Ca bị quy kết là chiếm đoạt của bị hại được xác định là tiền do phạm tội mà có, ông này đã nộp vào tài khoản tạm giữ của cơ quan tiến hành tố tụng để chờ tòa án phán quyết.

Nếu chỉ là vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông thường, người phạm tội thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản thông qua các quan hệ dân sự, kinh tế hợp pháp, chắc chắn số tiền này được trả lại cho người bị hại để phục hồi quyền lợi, giảm bớt những thiệt hại của người bị hại do hành vi phạm tội gây ra.

Tuy nhiên, vị chuyên gia nêu quan điểm, trong vụ án này, người bị hại, bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản đồng thời cũng là bị can trong vụ án, bị truy tố về tội trốn thuế và mua bán hóa đơn, thậm chí còn có hành vi đưa hối lộ, số tiền mà người bị hại bị chiếm đoạt là tiền thực hiện với mục đích phạm tội (đưa hối lộ nhưng bất thành), nên đây là việc bất hợp pháp.

Chính vậy, trong một số vụ án gần đây, tòa án căn cứ vào quy định về xử lý vật chứng, xác định đây là tài sản sử dụng vào mục đích bất hợp pháp nên đã tịch thu và xung vào công quĩ theo quy định tại Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự.

Hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể, cũng chưa có án lệ quy định về tình huống trên. Tuy nhiên những vụ án gần đây, trong đó có vụ chuyến bay giải cứu, tòa án đã xác định số tiền đưa hối lộ "nhầm người" (bị lừa đảo) là tiền sử dụng vào mục đích bất hợp pháp, để thực hiện hành vi phạm tội nên tịch thu sung vào công quĩ Nhà nước chứ không trả lại cho bị cáo được xác định là bị hại trong vụ án.

"Quan điểm cá nhân tôi cho rằng số tiền đưa hối lộ nhưng bị lừa đảo mất, đó là tiền sử dụng vào mục đích bất hợp pháp, không chính đáng nên pháp luật sẽ không bảo vệ, chính vì vậy có thể tịch thu một phần hoặc toàn bộ số tiền để nộp vào ngân sách Nhà nước là hợp lý" – vị chuyên gia nêu quan điểm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem