Hôm nay, ngày 22.2, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm là 22.235 đồng/USD, tăng 4 đồng so với ngày hôm qua. Tuy nhiên, tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN vẫn được giữ nguyên không đổi, là 22.575 đồng/USD (mua vào) và 22.848 đồng/USD (bán ra).
Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng thương mại được niêm yết là 22.902 đồng/USD và giá sàn 21.567 đồng/USD.
Theo đó, tỷ giá niêm yết của các ngân hàng cũng tăng so với chiều ngày hôm qua khoảng 10 – 20 đồng. Hiện ACB đang niêm yết cao nhất cả giá mua vào và bán ra là 22.790 đồng/USD và 22.880 đồng/USD. Tiếp đến là Eximbank với giá niêm yết là 22.770 đồng/USD (mua vào) và 22.870 đồng/USD (bán ra).
Trong khi đó, Vietcombank và BIDV cùng niêm yết giá USD mua vào và bán ra tương ứng là 22.790 đồng/USD và 22.860 đồng/USD; Vietinbank niêm yết là 22.800 đồng/USD và 22.870 đồng/USD; Sacombank là 22.760 đồng/USD và 22.860 đồng/USD...
Bình luận về xu hướng tăng tỷ giá trong thời gian qua, nhiều chuyên gia cho rằng tỷ giá tại các ngân hàng những ngày vừa qua có biến động nhưng tỷ giá trung tâm tăng không đáng kể, USD tự do lại giảm dần chứng tỏ thanh khoản USD trên hệ thống ngân hàng vẫn bình thường.
CTCK Bảo Việt (BVSC) cho rằng một trong những nguyên nhân khiến tỷ giá tăng trong thời gián qua là xuất phát từ nhu cầu đột biến của một số doanh nghiệp nhập khẩu hàng hoá với số lượng vài triệu USD, đẩy tỷ giá ở một vài ngân hàng lớn lên cao kéo theo sự tăng giá USD ở một loạt các ngân hàng khác.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải Quan, cán cân thương mại hàng hóa trong kỳ 1 tháng 2.2017 (từ 1-15.2) thâm hụt tới gần 2,45 USD. Đây chính là nguyên nhân tác động tới giá USD trong những ngày qua. Tuy nhiên, diễn biến trên thị trường ngoại hối hiện nay vẫn là tự cân đối chứ NHNN chưa phải bán ra hỗ trợ.
Nguyên nhân thứ 2 đến từ diễn biến mạnh lên của đồng USD trên thị trường tiền tệ thế giới. Cụ thể, chỉ số USD Index (chỉ số đo lường sức mạnh đồng USD với 6 đồng tiền chủ chốt khác) tăng mạnh từ 99,5 điểm lên mức hiện tại 101,2 điểm trong nửa đầu tháng 2.
“Sự mạnh lên của đồng USD đến từ kỳ vọng của thị trường vào các chính sách kích thích kinh tế của tân Tổng thống Trump, và việc đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất của FED”, BVSC nhận định.
Yếu tố này đã tác động tới tâm lý thị trường và điều này đã tác động tới tỷ giá USD/VND.
BVSC cho rằng, mặc dù áp lực từ nhu cầu mua ngoại tệ của doanh nghiệp dự kiến sẽ giảm dần trong thời gian tới, tuy nhiên diễn biến đồng USD trên thị trường quốc tế tiếp tục là ẩn số có thể gây khó khăn trong việc điều hành tỷ giá do thị trường đang kỳ vọng vào việc FED sẽ sớm nâng lãi suất.
“Trong trường hợp chỉ số USD Index đảo chiều giảm, nhiều khả năng tỷ giá sẽ nhanh chóng hạ nhiệt”, BVSC bình luận.
Bình luận về diễn biến của tỷ giá trong thời gian qua, TS. Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, cho rằng tình huống FED có thể tăng lãi suất được nhìn nhận ở hai tác động trái chiếu đối với tỷ giá USD/VND.
Một là, với lãi suất USD có trần 0%/năm, chênh lệch lãi suất “đô - đồng” vẫn duy trì ở mức lớn, có lợi cho việc nắm giữ VND, qua đó góp phần giúp ổn định tỷ giá.
Tuy nhiên, chiều tác động thứ hai, lãi suất USD tăng lên trên thế giới trong khi tại Việt Nam trần 0%/năm thì có khả năng vốn ngoại tệ vào, ra khỏi Việt Nam sẽ khó lường hơn.
“Tuy nhiên, dù thế nào chăng nữa, nếu tỷ giá trung tâm mà Ngân hàng Nhà nước công bố tăng liều lượng như hiện nay thì không quá lo ngại tình huống FED tăng lãi suất, mà FED cũng sẽ tăng một cách thận trọng thôi”, ông Phước nhìn nhận.
Với diễn biến của tỷ giá trong thời gian qua và thông điệp của Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng là sẽ ưu tiên ổn định vĩ mô, nhiều chuyên gia nhận định mức độ điều chỉnh tỷ giá trong năm 2017 sẽ không quá 2%.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.