Ông già cần mẫn “xin” tri thức về cho thôn

Thứ hai, ngày 25/04/2011 18:31 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - 76 tuổi, hàng ngày ông Nguyễn Thanh Long ở xóm Cầu Trôi, xã Kỳ Sơn, Tân Kỳ, Nghệ An vẫn cần mẫn đi xin sách báo để xây dựng tủ sách cho xóm, giúp người dân tiếp xúc với kho tàng tri thức của nhân loại.
Bình luận 0

Trong ngôi nhà nhỏ mới cất còn đậm mùi vôi vữa của ông Long, không có vật dụng gì đáng giá ngoài tủ sách đầy ắp.

Lão nông "vác" tù và

img

Ông Nguyễn Thanh Long bên tủ sách của xóm mà ông kỳ công gầy dựng nên.

Ông Long sinh năm 1934 trong một gia đình thuần nông nghèo ở vùng núi phía Tây xứ Nghệ nên ông rất hiểu cuộc sống vất vả, lam lũ của người dân nơi đây. Trình độ văn hóa của họ còn hạn chế, gây nhiều khó khăn cho đời sống sản xuất. Làm sao để bà con tiếp cận sách vở, khoa học kỹ thuật khi mà cái ăn, cái mặc còn chưa đủ, nỗi lo "cơm áo gạo tiền" là điều ông trăn trở lâu nay. Xây dựng một tủ sách để giúp người dân có cơ hội tiếp cận khoa học kỹ thuật, áp dụng vào sản xuất là việc làm đầu tiên ông nghĩ tới.

Ông nói: "Là cán bộ của Hội ND và Hội Làm vườn, mỗi lần họp xóm, tôi cố gắng truyền bá, phổ biến tiến bộ kỹ thuật sản xuất nhưng mức độ tiếp thu của bà con còn hạn chế. Tôi nghĩ chỉ có đọc trực tiếp sách báo mới có thể thay đổi được nhận thức tư duy của họ. Năm 2000, tôi quyết định xây dựng một tủ sách riêng cho xóm".

Trên chiếc xe đạp cà tàng, hàng ngày ông đến các gia đình vận động mỗi hộ góp 3.000 đồng để xây dựng tủ sách. Đi toàn xóm cũng chỉ thu được hơn 300.000 đồng, vừa đủ để thuê thợ đóng tủ. Nhưng có tủ rồi lại không có tiền mua sách, vì gia đình ông cũng thuộc diện nghèo trong xóm. Nhưng với lòng quyết tâm, nhiều kế hoạch đã được ông vạch ra…

Ban đầu, ông Long đi gom góp những quyển sách cũ trong dân, được dăm quyển nhưng đều cũ kỹ rách nát. Những quyển có thể dùng được thì lại không có tác dụng. Ông lên UBND xã Kỳ Sơn trình bày kế hoạch, ý tưởng của mình và được lãnh đạo xã nhiệt tình ủng hộ. Tất cả các phòng, ban của xã gom góp sách, báo các loại biếu ông. Vậy là cuối cùng tủ sách của ông cũng đi vào hoạt động.

Vốn quý để cho đời

img Từ khi xóm có tủ sách, tôi đã biết khi cây trồng, vật nuôi bị bệnh thì phải làm gì. img

Để nhiều người có thể đọc sách báo, ông Long đặt một tủ sách ở nhà văn hoá trung tâm xóm. Tủ sách của ông còn có nhiều loại báo chí, truyện, sách văn học… phục vụ cho bọn trẻ. Ông Long liên hệ với Thư viện huyện Tân Kỳ mượn thêm sách. Hàng tháng, thư viện huyện cho ông mượn 30 cuốn sách các loại để phục vụ nhu cầu người dân.

Từ khi có tủ sách, bà con trong xóm đã học hỏi được nhiều kiến thức làm ăn để áp dụng vào sản xuất. Anh Nguyễn Văn Lợi ở xóm Cầu Trôi cho biết: "Từ khi xóm có tủ sách, tôi đã biết khi cây trồng, vật nuôi bị bệnh thì phải làm gì. Ông Long đã mang lại nhiều điều hữu ích cho cuộc sống của chúng tôi".

Đến nay, tủ sách của xóm Cầu Trôi đã 10 năm tuổi và nó cũng gắn liền với sự nghiệp 10 năm đi xin sách của ông Long. Tủ sách ấy đã có hơn 1.000 cuốn và nhiều loại báo, tạp chí.

Giờ đây, hàng ngày ông Long vẫn cần mẫn đạp xe đi khắp nơi xin sách. Thi thoảng ông lại bắt chuyến xe về TP.Vinh, ra Hà Nội để gom những cuốn sách quý có giá trị về làm giàu thêm cho tủ sách của xóm...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem