Ông già nghèo và thơ xích lô

Thứ sáu, ngày 22/02/2013 12:58 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Gần 40 năm vắt sức kiếm sống bằng nghề đạp xích lô cũng là quãng thời gian ông miệt mài với thơ. Thơ không trực tiếp mang lại cho ông cơm áo nhưng không có thơ, ông không đủ sức để bền bỉ với mưu sinh thường nhật.
Bình luận 0

Ở Huế, người ta quen gọi ông là Mẫn Xích Lô - bút danh quen thuộc của ông trên nhiều tờ báo, tạp chí. Ông cũng thường dùng bút danh ấy xưng với người đối diện bằng giọng nhỏ nhẹ. Tên đầy đủ của ông là Phạm Hữu Mẫn (60 tuổi), quê ở thôn Địa Linh, xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên - Huế.

img
Nhà thơ Mẫn Xích Lô.

Lận đận vì thẳng tính

Anh em báo chí và văn nghệ sĩ ở Huế hầu như ai cũng quý ông. Ông đưa lại cho người đối diện nhiều thiện cảm bởi sự chân thành, thẳng thắn. Ông bảo, chính cái tính tình “thẳng như ruột ngựa” đã đẩy cuộc đời ông vào những chuỗi bi kịch đầy ngang trái. Gia cảnh nghèo khó cộng với chiến tranh loạn lạc nên dù văn hay chữ tốt nhưng sự học của ông sớm đứt gánh giữa đường. Năm 1975, khi đất nước thống nhất, ông được bầu làm Trưởng Công an xã Hương Vinh. Ngồi ghế trưởng công an xã được 1 năm thì ông bị cho nghỉ việc vì dám... thẳng thắn với lãnh đạo.

Thời đó Hương Vinh là địa phương tập trung lượng lớn lò sản xuất gạch ngói. Một hôm, thực hiện chủ trương của cấp trên, lãnh đạo xã chỉ đạo công an xã ngăn cấm việc vận chuyển gạch ngói ra khỏi các lò. Chỉ đạo của lãnh đạo xã được lực lượng công an thực hiện nghiêm chỉnh. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau khi có lệnh cấm, ông Mẫn bắt quả tang một xe tải chở gạch ngói từ lò về xây nhà cho một lãnh đạo xã. Ông xử lý vụ việc theo quy định dù biết rõ việc làm này gây đụng chạm. Mấy ngày sau, tại một cuộc họp được tổ chức bất ngờ, lãnh đạo xã ra quyết định điều chuyển ông về làm Trưởng thôn Địa Linh để “bảo đảm an ninh trật tự” tại thôn này.

Làm trưởng thôn không bao lâu thì ông nghỉ việc vì bức xúc trước những việc làm trái khoáy của chính quyền xã. Rồi ông dự thi và trúng tuyển vào công nhân đường sắt. Nhưng vì bản tính thẳng thắn, hay phản ứng lại những việc làm chướng tai gai mắt nên ông bị gây khó dễ. Sau một thời gian ngắn làm công nhân đường sắt, ông bỏ việc về quê làm thuê kiếm sống rồi lấy vợ. Khi những người con lần lượt chào đời, nỗi lo cơm áo càng đè nặng lên vai ông.

Sau nhiều năm làm đủ thứ nghề nhưng không đủ sống, ông Mẫn chuyển sang nghề đạp xích lô. Hàng ngày ông gò lưng đạp xích lô chở hàng thuê khắp các ngõ ngách của huyện Hương Trà và TP.Huế. Công việc này tuy nặng nhọc hơn những nghề làm thuê khác, thu nhập cũng không khấm khá hơn nhưng ông cảm thấy vui vì được tự do. Từ ngày gắn bó đời mình với chiếc xích lô, người ta dần biết ông ngoài là một người lao động cực nhọc còn là một nhà thơ.

Thương hiệu “thơ xích lô”

“Đôi ta hai bánh xích lô/ lăn tròn/ lăn tròn/ mặt đường cơm áo”... Ông mở đầu câu chuyện về nghiệp thơ của mình bằng những vần thơ gần như lột tả hết cuộc mưu sinh nhọc nhằn thường nhật. Gần 40 năm qua, hàng ngày ông vắt sức đạp xích lô, vợ ông- bà Bùi Thị Tường Vy- tảo tần chạy chợ nhưng cuộc sống luôn túng quẫn. Những tưởng với hoàn cảnh đó sẽ khiến năng khiếu văn chương thuở học trò trong ông lụi tàn, nhưng thực tế nó lại khiến năng khiếu ấy nảy mầm. Những mầm thơ ấy đã trở thành người bạn luôn đồng hành với ông trên mặt đường cơm áo.

Bà Bùi Thị Tường Vy bộc bạch: “Nhuận bút thơ chưa bao giờ giúp ông có thêm tiền để nuôi 4 người con đang tuổi ăn, tuổi học hay đơn giản chỉ là sửa chữa chiếc xích lô cũ nát. Nhưng thơ lại đưa đến cho ông ấy niềm vui để bền bỉ với cuộc mưu sinh nhọc nhằn đỡ đần vợ con”.

Ông lôi từ chiếc tủ gỗ oải mục những xấp báo, tạp chí đủ loại cũ mới có đăng thơ của ông đưa cho tôi đọc. Quả thật, dù đã nghe không ít văn nghệ sĩ đánh giá thơ của ông xúc động, cuốn hút nhưng tôi vẫn bất ngờ trước những bài thơ có nét riêng không giống ai. Hoàn cảnh khổ cực nên ông tìm cho mình một cõi thơ riêng với chủ đề chính là chuyện cơm áo rất thật của đời thường. Nói về cơm áo, về cuộc mưu sinh nhọc nhằn nhưng thơ của ông không bi quan, chua xót mà rất ấm áp bởi những cảm xúc yêu thương. Trong nỗi cay đắng nghiệt ngã của thân phận, trong sự cực nhọc áo cơm, ông đã tìm thấy những cảm xúc ngọt ngào.

Bên cạnh phần lớn bài thơ nói về cuộc mưu sinh, nhiều bài thơ của ông cảm xúc đã thoát ra ngoài chuyện cơm áo gạo tiền. Trong số đó phải kể đến bài “Chim sâu nhỏ” đầy lãng mạn: “Em là chim sâu nhỏ/ hồn nhiên hót xuống đời/ vô tình anh biết được/ bẻ ná đứng nhìn chơi”. Rồi nhiều bài thơ ông viết về người bạn đời quanh năm tảo tần cũng đượm chất trữ tình. Nếu không có một tâm hồn giàu xúc cảm, một ông đạp xích lô sẽ không thể nào viết được những vần thơ về vợ mình như thế này: “Em ngược xuôi Chương Dương chợ cá/ anh gò lưng xe phố thị Đông Ba/ ngõ ngách nào rồi cũng nhớ thương/em hiền dịu như dòng xanh/ quyến rũ/ thương con lặn lội đò sông/ thương anh em chịu đèo bồng cùng thơ”.

Đến thời điểm hiện tại, ông đã có gần 100 bài thơ đăng trên các báo, tạp chí trung ương và địa phương. Thơ của ông đăng nhiều nhất trên các báo, tạp chí như Tuổi Ngọc, Văn Nghệ Trẻ, Sông Hương, Thừa Thiên - Huế, Áo Trắng, Người Lao Động... Ông bảo, số bài thơ ông sáng tác nhiều gấp mấy lần con số đó, nhưng ông chỉ chọn những bài tâm đắc gửi đăng báo. Từ lâu, người yêu thơ gọi chiếc xích lô của ông là “xích lô thơ”, còn thơ của ông là “thơ xích lô”. Điều đó cho thấy tên tuổi của ông đã được bạn đọc ghi nhận, mến mộ.

“Dẫu biết rồi mai về không”

Dù tất bật với việc mưu sinh nhưng hầu như ngày nào ông Mẫn cũng tạt qua các quán cà phê ở Hội Nhà báo và Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật tỉnh nghe ngóng tình hình đời sống văn nghệ, báo chí. Khuôn mặt trầm ngâm, khắc khổ, quần áo nhàu cũ, chân mang đôi dép lê sờn mòn... là bộ dạng thân thuộc của ông mỗi lần xuất hiện. Thỉnh thoảng ông ôm theo một túi nylon đựng dăm tờ báo, tạp chí vừa đăng thơ của mình đến tặng mọi người đọc. Nhiều lúc, thấy mọi người sôi nổi bàn luận về thơ văn, ông nổi hứng tham gia mà quên mất công việc mưu sinh hôm đó của mình.

“Gần 40 năm kiếm sống bằng nghề lao động nặng nhọc, cơm không đủ no, áo không đủ ấm, nếu không có thơ thì Mẫn Xích Lô này gục ngã từ lâu rồi”- ông giãi bày khi tôi hỏi thơ mang lại cho ông điều gì. Ông kể, những lúc đạp xích lô chở hàng hay ngồi trần mình giữa mưa rét chờ khách kêu, ông đều làm thơ và ngâm thơ của mình khiến cơ thể không còn cảm giác rét nữa. Nói đoạn, ông ngâm 2 câu thơ trong bài “Em và con” của mình cho tôi nghe như để khẳng định thêm điều vừa nói: “Với tôi thơ là hạnh phúc/ Dẫu biết rồi mai về không”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem