Ông Nguyễn Văn Minh (64 tuổi, ngụ khu phố Tây Trì, phường 1, TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) có lẽ là thí sinh lập kỷ lục về số lần dự thi Đại học nhiều nhất, đồng thời cũng là thí sinh lớn tuổi nhất dự thi trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014. Ông lão lập “kỷ lục” này vì “nghiện” học hay vì lý do nào khác?
64 tuổi, 13 lần dự thi ĐH
Ông Minh quê ở thôn Hạ Lang, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế, đến tuổi đi học được cha mẹ chuyển ra Đông Hà sinh sống. Học hết lớp 9, thời đó Đông Hà chưa có trường cấp 3, ông hoặc phải vào thị xã Quảng Trị học, hoặc thi vào trường Quốc học Huế. Do ở Huế có người thân, sức học cũng khá nên cậu thiếu niên đã thi đậu ngôi trường danh tiếng bậc nhất miền Trung này.
Ông Minh hồi ức, học xong phổ thông, ông liên tục dự thi đại học sáu năm vẫn chưa đậu. Sáu năm, nhưng thi tới bảy lần vì năm 1972 do chiến tranh, được thi đến hai lần. Sau đó ông đã học ngành trung cấp sư phạm tiểu học ở Huế hai năm.
Từ năm 1976 đến 1982, ông làm giáo viên ở trường tiểu học Nam Đông (Huế), sau đó được thuyên chuyển về trường tiểu học Quảng Phú (Huế) dạy thêm sáu năm nữa. Công tác trong ngành giáo dục được 13 năm, ông bị đau dạ dày nặng nên được nghỉ chế độ, mất sức 61%. Cả gia đình quyết định chuyển ra lại sinh sống tại TP. Đông Hà cho đến nay. “Ngày ngày tôi buồn bã vì không còn được đứng lớp, truyền đạt kiến thức cho học trò”, ông buồn bã.
Thí sinh đặc biệt lập 2 kỷ lục: Dự thi đại học ở tuổi 64 và đã thi tới 13 lần
Sau khi nghỉ hưu, gia đình gặp không ít khó khăn về kinh tế. Ông bươn chải qua rất nhiều nghề, từ bán thuốc lá, bán kem dạo, thợ hồ, bán vé số… Thời điểm Đông Hà phát triển mạnh, nhu cầu xây dựng nhà cửa nhiều, ông đứng ra nhận thầu một số hạng mục xây dựng nhỏ.
Ban đầu do chưa quen việc, ông thua lỗ, phải đem đồ đạc trong nhà bán để trả tiền công cho thợ. Năm 2004, ông chuyển qua làm bảo vệ của Trạm Truyền hình khu vực Huế đóng tại Quảng Trị. Năm 2009, ông chuyển về làm bảo vệ tại Đài Truyền thanh TP. Đông Hà. Công việc này cũng khá nhàn nhã, nỗi ham học lại trỗi dậy, ông tìm sách vở về tự nghiền ngẫm.
Năm 2008, ông Minh dự thi khối V (Toán, Lý, Vẽ hình họa) vào ngành Kiến trúc ĐH Khoa học Huế. Không đậu. Một năm sau ông tiếp tục thi vào trường đó với ngành Toán khối A. Năm 2010, ông có đăng ký dự thi nhưng vì đau răng nên không thi được. Trong hai năm 2011 – 2012, ông lại dự thi vào ngành Vật lý khối A vẫn trường nêu trên. Kết quả vẫn không thay đổi.
Bốn năm trời đeo đuổi thi khối A không đậu, năm 2013 ông thay đổi “chiến thuật”, chuyển qua thi khối D3 (Toán, Văn, Tiếng Pháp) vào ngành sư phạm tiếng Pháp ĐH Ngoại ngữ Huế. Lại trượt. Năm nay ông dự thi lại ngành yêu thích của mình là ngành Lý ĐH Khoa học Huế.
Những năm trước, tuy thi không đậu nhưng tổng điểm của ông đều được từ 7 - 10 điểm, trong đó môn Vật lý là “sở trường”. Như vậy từ thời còn trai trẻ đến lúc tuổi đã xế chiều, ông dự thi ĐH tổng cộng đã 13 lần. Ông quả quyết: “Sang năm, dù 65 tuổi, tôi vẫn tiếp tục thi”.
Nghịch lý có thi đậu cũng không học!
“Càng ngày chương trình cải cách càng nhiều nên việc học của tôi gặp khó khăn. Tuy nhiên dù trí óc không còn nhanh nhạy được như xưa, nhưng tôi thấy việc học vẫn rất hấp dẫn. Ví dụ môn Lý trước đây cũng dạng bài như vậy, nhưng hiện nay đã có các công thức làm toán khỏe hơn nhiều. Rồi bây giờ có máy tính cầm tay, trước đâu có. Tôi đến năm nay mới biết sử dụng máy tính. Nhớ lại những năm trước tôi đi thi mà không có máy tính, cái gì cũng tính trên giấy nên thiệt thòi, giám thị cũng như các thí sinh khác cười thầm là phải”, ông nói.
Những lần đi thi ĐH của ông có rất nhiều kỷ niệm. Trước hết là việc làm hồ sơ, khi ông đến nhờ công an phường xác nhận vào đơn, họ thường không đóng dấu ngay, vì không biết độ tuổi của ông có còn được dự thi ĐH nữa hay không. Ông phải về nhà tìm hiểu, đưa quy chế cho họ xem. Xong thủ tục ở phường, ông lại đưa hồ sơ đi nộp. Những nơi nhận tưởng ông nộp hồ sơ cho con và ghi nhầm năm sinh, nên cứ trả lại, phải giải thích dài dòng, gặp rất nhiều rắc rối.
Chưa dừng lại ở đó, muốn dự thi ĐH thì cần bằng cấp 3, nhưng ông Minh không còn, hơn nữa thời đó bằng của ông lại do chế độ cũ cấp. Cũng may ông có bằng trung cấp, nên theo quy chế, vẫn được dự thi bình thường.
Hết rào cản thủ tục, lại vấp đến rào cản tâm lý, sự dị nghị của mọi người. “Trước đây tôi dạy tụi nhỏ trong xóm đánh vần mấy chữ “a, ê” nên bây giờ tụi nó nhiệt tình chỉ bảo “trả ơn”, nhưng nếu cha mẹ chúng bắt gặp thì tôi ngại vô cùng. Rồi vợ con tôi đều không muốn tôi đi thi. Ở nhà, vợ tôi cứ cho là tôi nhảm nhí hay… bị điên bởi sự học, con tôi thì xấu hổ vì cha nó đến tuổi làm ông, ngoài lục tuần rồi mà vẫn chưa từ bỏ ý định thi ĐH. Thậm chí có lúc nóng nảy, họ hết đòi từ chồng, từ cha, rồi lại ra điều kiện: “Nếu ba không đi thi thì tụi con mỗi đứa cho ba 1 triệu mà tiêu””, ông phân trần.
Ông tâm sự tiếp: “Tôi thì nghĩ khác, chỉ vì mình thích học quá nên đi thi thôi, đó là niềm vui, là sự sống. Tôi vẫn đi thi đến khi nào kiệt sức mới thôi. Rồi đến bạn bè rất nhiều đứa cũng khuyên tôi đừng dự thi nữa, nhiều người lại nói tôi “tưng tưng, dở hơi, điên điên”, đến nỗi bây giờ tôi không dám ngồi cà phê trong xóm vì rất sợ dị nghị. Mình phải học để thi có điểm, chứ thi mà ít điểm, họ lại cười và nói không biết chữ mô mà cũng đi thi, chắc đi thi để thích nổi tiếng. Mà nếu mình thi đậu, có khi họ lại nói mình tự phụ, khoe khoang, do đó tôi thi điểm vừa vừa là chắc nhất. Còn nữa, tôi thi ĐH cũng là một cách muốn thử sức mình, vì mê cái sự học, vì nếu may mắn đậu, tôi cũng không học”, ông Minh tâm sự.
Nói tiếp đến khó khăn trong những ngày thi. Những thí sinh khác đều tập trung trước một ngày để xem phòng thi, nội quy, nhưng ông Minh không thể đi sớm như vậy vì phải trực ở Đài. Hàng năm, mỗi kỳ thi, ông đều đi chiếc xe máy Dream Trung Quốc “cà tàng” xuất phát từ 4h sáng ở Đông Hà, vào chỉ kịp tìm phòng thi rồi thi môn đầu tiên. Chuyện này kéo theo rất nhiều phiền toái. Nhiều nhất là khi vừa bước vào cổng trường, ông đi “lung tung” để tìm phòng, bị công an, bảo vệ giữ lại vì “tưởng phụ huynh đi vào chỗ thi”. Phải đến khi ông đưa ra giấy tờ, mọi chuyện mới sáng tỏ.
Đáng nhớ nhất là lần bị… công an bắt. Năm 2012, ông dự thi ở hội đồng trường THCS Nguyễn Tri Phương. Trưa hôm đó ông đi sớm, ngồi ở ghế đá uống nước, một vị giám thị cứ đuổi ông ra khỏi khu vực phòng thi. Ông đã trình bày cặn kẽ, xuất trình giấy tờ, nhưng giám thị chỉ nhìn giấy chứng minh, thấy mờ mờ nên gọi công an tới “gô cổ”.
“Rồi khi tôi vào phòng thi, các thí sinh khác đều đứng dậy chào. Chắc các cháu tưởng tôi là giám thị. Sau vài lần, rút kinh nghiệm, khi đi thi tôi đều mặc áo quần “lùi xùi” để các cháu khỏi phân tâm. Rồi khi tôi thèm hút thuốc lá, xin giám thị ra ngoài vài phút cũng gặp biết bao nhiêu phiền toái. Tôi già yếu rồi, đi thi có khi tưởng ngất xỉu, nhưng lúc nào cũng cố gắng hoàn thành bài thi”, ông nói tiếp.
Lương mỗi tháng 1,2 triệu đồng, đã phải góp tiền ăn hết 400 ngàn, ông chỉ còn 800 ngàn đồng. Trừ các khoản hút thuốc, uống rượu, cưới hỏi, đi lại… mỗi tháng ông chẳng còn xu nào. Mỗi mùa thi là mỗi mùa ông “đau đầu vì tiền”. Năm nào đi thi ông cũng chỉ gom góp được khoảng 200 - 300 ngàn, nhưng tiền xăng, tiền gửi xe đã hết 100 ngàn. Để tiết kiệm chi phí, ông mang theo lỉnh kỉnh nước, thức ăn, mùng màn, giấy tờ, bút mực. Không đủ tiền để thuê phòng trọ, dù bà con ở Huế khá đông nhưng vẫn không dám xin ở lại vì sợ người thân hỏi đi đâu mà vào Huế? Nói dối không được, nếu nói đi thi họ lại cười, nên buổi trưa một mình ông Minh ở công viên hoặc ở luôn lại điểm thi, ăn ổ bánh mì, chờ đầu giờ chiều thi tiếp. Gần đến giờ tập trung, ông xin tắm rửa, vệ sinh ở điểm thi luôn. Ban đêm ông uống hai chai bia rồi lang thang quanh khu vực thi, tiện chỗ nào ngủ chỗ đó.
Bí mật sâu kín đi thi vì… nhớ mối tình đầu
Có một điều làm bạn đọc thắc mắc từ đầu tới giờ: Vì sao ông quả quyết “dù thi đậu cũng không học”? Lý do phải chăng như lời ông nói “muốn thử sức”, “vì ham học”…? Gặng hỏi điều này, ông ôm mặt khóc: Một phần vì tình yêu đầu đời.
Bức tường nơi hằng năm, đến mùa thi ông Minh đều ghi lại dòng chữ N254 để tưởng nhớ đến mối tình đầu.
“Từ mối tình đẹp nhưng không thành này, những khi vào Huế đi thi, năm nào tôi cũng ghé nơi tình yêu bắt đầu, dùng đá viết lên tường để giữ lời hứa, tuy biết là vô vọng, rất khó có thể gặp lại em. Dù có thể em đã lấy chồng xa, ở nước ngoài, thậm chí em đã chết do bệnh tật hoặc chiến tranh, nhưng đó là một kỷ niệm đẹp. Thi thoảng nghe ai đó ở Đông Hà nói có người tìm tôi, tôi đều liên tưởng đến em. Dù bây giờ thằng Minh này đã già, là một kẻ vô vị, không còn phong độ, trẻ trung như xưa”, ông lão nhìn về phía xa hoài niệm. |
Ông bộc bạch kể về mối tình đầu gần 50 năm vẫn ám ảnh: “Vợ tôi bây giờ là mối tình thứ ba của tôi, trước đó khi còn là học sinh tôi có yêu một cô được 7 năm, sau đó lại yêu người con gái khác cũng được 5 năm”
“Mối tình đầu của tôi là một cô gái Huế chính gốc, em đẹp và có giọng nói nhẹ nhàng và sâu lắng nên tôi thường gọi em là con chim Phượng Hoàng. Hồi đó, tôi học ở trường Quốc học, còn em học ở một trường bên cạnh trường tôi đó là trường nữ sinh Đồng Khánh (nay là trường Hai Bà Trưng -PV). Chúng tôi yêu nhau từ năm 1966 đến năm 1972, say đắm và rất trong sáng, nhưng mẹ của em lại định hướng cho em lấy một anh chàng sĩ quan Quân đội Sài Gòn nhà giàu, còn tôi là một cậu học trò nghèo rớt mùng tơi, gia đình em cho rằng không xứng”.
“Cuộc tình của tôi và em bắt đầu từ 2 vách tường đối diện nhau của 2 ngôi trường mà khi đó chúng tôi đang theo học. Thời đó hai vách tường đã chứng kiến biết bao kỷ niêm đẹp của tình yêu chúng tôi. Vì thế khi chia tay để em theo gia đình sống ở nơi khác, cả hai đã ngậm ngùi thề rằng đây là “nhân chứng của tình yêu”. Cô ấy khắc lên đó dòng chữ “N254”, cái tên quen thuộc mà em vẫn thường trêu tôi ngày đi học. Tôi và em thề hẹn, sau này dù có chiến tranh hay vì bất cứ lý do nào buộc chúng tôi xa cách, thì vào mùa thi, hai đứa cũng cố gắng tìm lại nhau. Vậy mà biết bao mùa thi đã qua, biết bao dòng chữ “N254” được tôi khắc lên dày hai bức tường thế mà em vẫn không một lời hồi đáp”.
“Sở dĩ có ký hiệu “N254” vì tôi quen thân với em trai của cô ấy, cô ấy sinh năm 1952, tôi thì sinh năm 1950, nhưng khi mới quen cô ấy, tôi giả vờ mình sinh năm 1954, và cũng vì mình là bạn của người em nên tôi gọi cô ấy bằng chị. Sau đó khi đứa em trai biết tôi và chị cậu ấy yêu nhau, cậu ấy hay gọi tôi với cái tên thân mật là “anh Hai năm tư”. Anh Hai là ngay từ lúc đó cậu ấy gọi tôi bằng anh. Thời xưa chữ N người ta thường đọc là “anh nờ”. Còn “năm tư” là năm sinh mà tôi đã giả bộ với cô ấy lúc mới quen. “Anh Hai năm tư” được ký hiệu là N254, chỉ có ba người chúng tôi biết và hiểu ý nghĩa”.
“Từ mối tình đẹp nhưng không thành này, những khi vào Huế đi thi, năm nào tôi cũng ghé nơi tình yêu bắt đầu, dùng đá viết lên tường để giữ lời hứa, tuy biết là vô vọng, rất khó có thể gặp lại em. Dù có thể em đã lấy chồng xa, ở nước ngoài, thậm chí em đã chết do bệnh tật hoặc chiến tranh, nhưng đó là một kỷ niệm đẹp. Thi thoảng nghe ai đó ở Đông Hà nói có người tìm tôi, tôi đều liên tưởng đến em. Dù bây giờ thằng Minh này đã già, là một kẻ vô vị, không còn phong độ, trẻ trung như xưa”, ông nhìn về phía xa hoài niệm.
Chúng tôi tới Huế, tìm đến đường Nguyễn Trường Tộ, nơi có hai bức tường màu hồng giáp ranh trường Quốc Học và trường Hai Bà Trưng, quả thật điều ông Minh nói là đúng. Ở đoạn chính giữa bức tường của trường Hai Bà Trưng, vẫn còn một dòng chữ N254 đã mờ. Chắc do mưa nắng, những dòng “mật mã” bao nhiêu năm qua ông Minh viết đã bị xóa sạch theo thời gian. Nay chỉ còn một dòng chữ được ông Minh khắc, có lẽ trong mùa thi năm nay.
(Theo Pháp luật Việt Nam)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.