"Ông lớn" Cảng Hàng không Việt Nam và 56 doanh nghiệp bị tạm ngừng giao dịch vì vi phạm công bố thông tin

Quốc Hải Thứ năm, ngày 22/07/2021 16:22 PM (GMT+7)
Nguyên nhân cổ phiếu Cảng hàng không Việt Nam và 56 doanh nghiệp (DN) bị tạm ngừng giao dịch là do đã không công bố thông tin về họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính.
Bình luận 0

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa ra thông báo về việc tạm ngừng giao dịch trên hệ thống UpCoM đối với 57 cổ phiếu của các tổ chức đăng ký giao dịch do không công bố thông tin về họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2021. Thời gian tạm dừng trong vòng 3 phiên giao dịch, kể từ phiên hôm nay (22/7) đến hết phiên 26/7/2021.

"Ông lớn" Cảng Hàng không Việt Nam và 56 doanh nghiệp bị tạm ngừng giao dịch vì vi phạm công bố thông tin - Ảnh 1.

Cổ phiếu ACV bị tạm ngừng giao dịch trong 3 phiên tới viì i phạm công bố thông tin (Ảnh: ACV)

Theo HNX, 57 doanh nghiệp (DN) này không công bố thông tin về ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính.

Trong danh sách 57 doanh nghiệp bị tạm ngừng giao dịch, phải kể đến cổ phiếu ACV của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam – "ông lớn" của ngành hàng không với 95,4% vốn vẫn do Bộ Giao thông Vận tải nắm giữ.

Trước đó, vào đầu tháng 4/2021, HĐQT ACV đã ra nghị quyết về việc xin gia hạn thời gian tổ chức ĐHCĐ thường niên năm 2021, chậm nhất sẽ tổ chức trước 30/6/2021. Đến ngày 22/4, ACV lại tiếp tục ra nghị quyết về việc chốt danh sách cổ đông tham gia ĐH vào ngày 13/5; đồng thời ngày dự kiến tổ chức sẽ là 11/6/2021.

Tuy nhiên, đến ngày 4/6, ACV bất ngờ ra thông báo hoãn họp ĐHĐCĐ với lý do diễn biến dịch bệnh Covid-19 diễn biến căng thẳng tại TP.HCM.

Đến ngày 21/6, ACV phát đi thư mời họp ĐHĐCĐ diễn ra vào ngày 28/6 và theo hình thức trực tuyến. Tuy nhiên một lần nữa, ACV lại đưa ra thông báo tạm hoãn thời gian tổ chức ĐH với lý do là để đảm bảo công tác tổ chức theo chỉ đạo của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Hiện, ACV vẫn chưa đưa ra thời gian họp dự kiến.

Về kết quả kinh doanh, năm 2020 doanh thu bán hàng của ACV đạt 7791 tỷ đồng, giảm 58% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế sau kiểm toán năm 2020 của ACV đạt 1.642 tỷ đồng, giảm hơn 80% so với thực hiện năm 2019.

Sang quý 1/2021, ACV ghi nhận doanh thu thuần 1.904 tỷ đồng, giảm 48% so với cùng kỳ. Tổng Công ty thu lãi sau thuế 862 tỷ đồng, giảm 44% so với quý 1/2020.

Trong phiên giao dịch hôm nay 22/7, do bị "ngắt cầu dao" điện bất ngờ nên cổ phiếu ACV đứng ở mức giá tham chiếu 73.100 đồng/CP.

"Ông lớn" Cảng Hàng không Việt Nam và 56 doanh nghiệp bị tạm ngừng giao dịch vì vi phạm công bố thông tin - Ảnh 3.

"Ông lớn" Cảng Hàng không Việt Nam và 56 doanh nghiệp bị tạm ngừng giao dịch vì vi phạm công bố thông tin - Ảnh 4.

Danh sách các DN bị tạm ngừng giao dịc 3 phiên tới (Ảnh: HNX)

Ngoài ACV, 56 mã cổ phiếu khác cũng bị tạm ngừng giao dịch với lí do tương tự, gồm: Công ty CP Tư vấn Xây dựng Công nghiệp và Đô thị Việt Nam (CCV); Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Cần Thơ (CCA); Công ty CP Vinatex Đà Nẵng (VDN); Tổng công ty Lương thực miền Nam (VSF); Công ty CP Lương thực thực phẩm Colusa - Miliket (CMN), Công ty CP Dược phẩm Hà Nội (DHN), Công ty CP Thiết bị phụ tùng cơ điện (EMG); ...

HNX sẽ có thông báo cho phép các cổ phiếu nêu trên được giao dịch trở lại bình thường sau khi các công ty vi phạm thực hiện công bố thông tin về ĐHĐCĐ thường niên năm 2021. Trường hợp các công ty nào vẫn không thực hiện công bố thông tin, hết thời hạn tạm dừng giao dịch, HNX sẽ xem xét áp dụng hình thức hạn chế giao dịch đối với các cổ phiếu của các tổ chức đăng ký giao dịch đó.

"Ông lớn" Cảng Hàng không Việt Nam và 56 doanh nghiệp bị tạm ngừng giao dịch vì vi phạm công bố thông tin - Ảnh 5.

Thị trường chứng khoán phiên 22/7 đã lấy lại sắc xanh...

Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch hôm nay, chỉ số VN-Index đóng cửa tại 1.293,67 điểm, tăng 22,88 điểm so với phiên giao dịch hôm qua. Điểm tích cực là sắc xanh bao phủ diện rộng trên sàn HoSE, với 308 mã chứng khoán tăng giá (22 mã tăng trần), nhiều hơn 3,9 lần số mã rớt giá (79 mã). 

Thanh khoản sàn HoSE đạt hơn 536,4 triệu đơn vị, giá trị 17.006,1 tỷ đồng, tăng hơn 18% về khối lượng và 6% về giá trị so với phiên hôm qua. Ngoài ra, giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 43,1 triệu đơn vị, giá trị 2.042 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu bất động sản, xây dựng đã bùng nổ trong phiên chiều, với KDH là tâm điểm, khi bluechip này tăng hết biên độ +7% lên 39.200 đồng, khớp gần 15 triệu đơn vị và trắng bên bán. Ngoài ra, các mã cổ phiếu lớn ngành bất động sản cũng đóng góp nhiều cho đà tăng điểm, trong đó nhóm Vingroup đều hồi phục như VRE +2,9% lên 28.200 đồng, VHM +2,8% lên 111.000 đồng VIC +2,1% lên 106.200 đồng.

Ba mã còn lại là NVL +1,7% lên 104.900 đồng, PDR +1,9% lên 90.100 đồng, TCH +1,3% lên 19.150 đồng.

Nhóm bluechip ngoài các mã bất động sản nêu trên cũng đều rất tích cực, như FPT +3,2% lên 89.400 đồng, BVH +2,6% lên 50.800 đồng, GAS +2,3% lên 89.400 đồng, TPB +2,3% lên 33.850 đồng, PNJ +2,1% lên 93.100 đồng... chỉ trừ VJC dừng lại ở tham chiếu 114.000 đồng.

Mức độ hồi phục của rổ VN30 xấp xỉ VN-Index, khi chính thức chốt phiên với số điểm 1.428,48 điểm, tăng 21,94 điểm. Rổ này có 29/30 thành viên tăng giá, chỉ có 1 mã đứng giá tham chiếu.

Sắc xanh cũng lan tỏa tới sàn HNX và rổ HNX30. Trong đó, HNX-Index đạt 305,97                điểm, tăng 5,17 điểm với 143 mã tăng (12 mã tăng trần), 56 mã giảm và 169 mã đứng giá tham chiếu. Trong khi đó, với rổ HNX30 cũng đóng phiên với 478,35 điểm, tăng 10,67 điểm với 26 mã tăng, 1 mã giảm và 3 mã đứng giá.

Còn với chỉ số UpCOM, đóng phiên giao dịch đạt 85,57 điểm, tăng 1,28 điểm với                 190 mã tăng, 70 mã giảm và 642 mã đứng giá tham chiếu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem