Dân U Minh Thượng Kiên Giang lội ruộng lúa bắt la liệt tôm càng xanh to bự, bán 120.000 đồng/kg
Ở Kiên Giang, dân lội ruộng lúa bắt loại tôm to bự nhảy tanh tách, bán 120.000 đồng/kg
Thứ ba, ngày 08/10/2024 05:51 AM (GMT+7)
Hơn nửa tháng nay, nông dân các huyện vùng U Minh Thượng (tỉnh Kiên Giang) như An Biên, An Minh, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận tiến hành thu hoạch dứt điểm vụ tôm càng xanh năm 2024. Hiện giá tôm càng xanh đang ở mức cao giúp nông dân có thêm chi phí đầu tư cho việc gieo, cấy lúa vụ mùa 2024-2025.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Biên (tỉnh Kiên Giang), tổng diện tích thả giống tôm của huyện năm 2024 là 25.332,3ha, trong đó 21.570ha tôm - lúa; riêng diện tích nuôi tôm càng xanh hơn 330ha, tập trung ở các xã Đông Yên, Đông Thái và Hưng Yên.
Một số nông dân nuôi tôm càng xanh cho biết năng suất tôm càng xanh năm nay đạt bình quân 350kg/ha, cao hơn 20% so cùng kỳ năm 2023.
Tuy nhiên, do tôm chậm lớn nên chi phí đầu tư tăng từ 10-15%, trong đó giá bán tôm cỡ 12 con/kg là 120.000 đồng/kg, cao hơn cùng kỳ 20.000 đồng/kg.
Tôm càng xanh loại xô bắt hết vuông giá 80.000 đồng/kg, tương đương giá cùng kỳ năm 2023.
Mức giá này thấp hơn thời điểm tháng 4-2024 khoảng 30.000-40.000 đồng/kg cùng loại, cùng kích cỡ. Với mức giá này, bình quân nông dân có lãi 20 triệu đồng/ha.
Theo ông Nguyễn Văn Hận, ngụ ấp Cái Nước Ngọn, xã Đông Yên (An Biên), tôm càng xanh được nông dân thả nuôi vào đầu vụ tôm, thả xen với tôm sú, cua xanh.
Do thời gian nuôi khoảng 6-8 tháng mới thu hoạch nên thường đến cuối vụ tôm thì tát cạn vuông và thu hoạch một lần.
“Nhà tôi có diện tích hơn 3ha chuyển qua nuôi tôm quảng canh từ năm 2016. Hàng năm tôi thả xen tôm càng xanh với tôm sú, cuối vụ nuôi bắt hơn 1 tấn tôm lãi 70-80 triệu đồng. Nhờ vậy mà gia đình tôi khấm khá hơn, vừa mua thêm được 8 công đất ruộng”, ông Hận nói.
Nông dân xã Đông Yên (huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang) thu hoạch tôm càng xanh nuôi trong ruộng lúa.
Tùy vào diện tích vuông nuôi và mật độ thả giống mà đến cuối vụ có lãi hàng chục triệu đồng. Số tiền thu được từ bán tôm càng xanh, nông dân dùng làm chi phí của vụ nuôi tôm hoặc đầu tư để sản xuất lúa vụ mùa.
Chỉ tính riêng xã Đông Yên hiện có 140ha diện tích nuôi tôm càng xanh, tập trung tại 2 ấp Cái Nước Ngọn và Kinh IB. Nhiều hộ nông dân đã nhờ mô hình nuôi tôm càng xanh mà vươn lên trở thành hộ khá giàu.
Anh Nguyễn Văn Ngoan, ngụ ấp Ngã Cạy, xã Đông Yên cho biết: “Để nuôi thành công tôm càng xanh, tôi tiến hành ương tôm trong vèo trong 2 tháng sau đó mới thả ra vuông lớn. Việc làm này giúp tránh hao hụt, tôm mau lớn, bán được sớm, hiệu quả cao hơn”.
Khó khăn mà nông dân nuôi tôm đang phải đối mặt là giá đầu ra tôm càng xanh chưa ổn định. Thời điểm thu hoạch đồng loạt giá tôm càng xanh thường xuống thấp, chủ yếu do tôm càng chỉ tiêu thụ tại thị trường trong nước nên ảnh hưởng đến lợi nhuận của nông dân.
Sau khi thu hoạch dứt điểm vụ tôm càng xanh, nông dân các huyện vùng U Minh Thượng tiến hành làm đất gieo cấy lúa mùa 2024-2025.
Thực tế tại các địa phương cho thấy các giống lúa được nông dân lựa chọn để gieo cấy vụ mùa này chủ yếu là ST24, ST25 giống lúa RVT, VNG20...
Đây là những giống lúa chịu phèn, mặn, năng suất cao, chất lượng gạo ngon, đã được trồng nhiều vụ tại địa bàn các xã.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang có Công văn 2159/SNNPTNT-TTBVTV, ngày 23-8-2024 hướng dẫn lịch gieo sạ lúa vụ mùa và đông xuân 2024-2025 vùng U Minh Thượng, TP. Hà Tiên, một phần của hai huyện Gò Quao, Giang Thành.
Lúa vụ mùa 2024-2025 trên đất lúa - tôm, lúa 1 vụ, sở khuyến cáo thời gian gieo mạ bờ từ ngày 15-8 đến 30-9-2024, cấy mạ từ ngày 15 đến 30-9-2024.
Đối với lúa sạ, từ ngày 25-8 đến 20-9-2024 tập trung ở các huyện An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận, Giang Thành, U Minh Thượng, Gò Quao (xã Vĩnh Tuy) và TP. Hà Tiên.
Từ ngày 10 đến 25-10-2024, gieo sạ phần diện tích còn lại của huyện Gò Quao, U Minh Thượng và một phần diện tích của huyện An Biên.
“Đối với lúa vụ mùa 2024-2025, sau khi thu hoạch tôm xong, nông dân cần tận dụng nguồn nước mưa và nước ngọt dưới kênh rửa mặn liên tục nhiều lần, thời gian rửa mặn ít nhất từ 20-30 ngày.
Sau đó tiến hành trục, xới, bừa kết hợp bón vôi liều lượng 200-400kg/ha giúp rửa mặn nhanh hơn trước khi gieo sạ hoặc cấy. Khuyến cáo sử dụng các giống lúa chịu mặn như Một Bụi Đỏ, BTE-1, Đài Thơm 8, ST5, ST24, ST25, OM 2517, RVT, GKG 1, GKG 5, OM 6976…”, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang Trần Công Danh nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.