Ướp cá cơm, cá nục, cá lâm, dân Thịnh Long ở Nam Định chắt ra loại nước mắm hễ bán là hết veo
Vùng biển này ở Nam Định, dân làm thứ nước chấm "quốc hồn quốc túy", chắt ra bao nhiêu bán hết veo
Lãng Hồng
Thứ ba, ngày 08/10/2024 05:42 AM (GMT+7)
Nước mắm Cường Là (thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) có mặt trên thị trường từ hàng chục năm nay. Nhờ sản xuất sạch, không dùng các chất bảo quản nên thứ nước chấm đặc sản "quốc hồn quốc túy" này được khách hàng tin dùng, cơ sở sản xuất không phải lo đầu ra.
Thứ nước chấm đặc sản "quý hồn quốc túy" Cường Là do Công ty TNHH Cường Là (thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) sản xuất theo phương pháp truyền thống của ông cha để lại, mang đậm hương vị vùng quê ven biển Hải Hậu.
Chị Nguyễn Thị Thúy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Cường Là, thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu (tỉnh Nam Định) khuấy đảo nguyên liệu sản xuất nước mắm. Ảnh: Lãng Hồng.
Gần trưa một ngày đầu tháng 10, mặt trời hửng nắng nhẹ, chị Nguyễn Thị Thúy bỏ dở công việc đang làm, đội chiếc nón lá, ra khu bể ủ nguyên liệu sản xuất nước mắm truyền thống để mở nắp đậy, kiểm tra độ chín, ngấu trong các bể.
Chị Nguyễn Thị Thúy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Cường Là cho hay: "Thời tiết càng được nắng, kéo dài, thì nguyên liệu sản xuất nước mắm càng nhanh chín, thẩm thấu".
Nguyên liệu sản xuất nước mắm truyền thống Cường Là, gồm 2 nguyên liệu chính: Cá (cá nục, cá cơm, cá lâm) và muối trắng. Đây là những nguyên liệu có sẵn ở tỉnh Nam Định, được công ty mua trực tiếp, không qua khâu trung gian.
Nguồn cá tươi do các tàu thuyền đánh bắt gần bờ, đi khai thác trong ngày cung ứng nên rất tươi ngon, đúng mùa vụ. Cá được chọn lọc, phân loại riêng biệt; cá cơm ra cá cơm, cá nục ra các nục và cá lâm ra cá lâm.
Muối trắng được thu mua tại làng nghề sản xuất muối Bạch Long (huyện Giao Thủy), sau hơn 12 tháng lưu kho, nhằm giảm bớt độ mặn gắt, muối mới được đưa vào sử dụng. Việc lưu kho không ảnh hưởng đến chất lượng nước mắm.
Nguyên liệu cá để sản xuất nước mắm truyền thống Cường Là (thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) gồm có cá biển (cá cơm, cá nục, cá lâm) và muối trắng. Ảnh: Lãng Hồng.
Khi đã chuẩn bị đầy đủ 2 nguyên liệu nói trên, công ty sẽ "cân đo đong đếm" rồi đưa vào bể ủ. Hai nguyên liệu được trộn lẫn, đảo đều với nhau theo tỉ lệ 4:1, nghĩa là cứ 4 kg cá sẽ trộn lẫn với 1kg muối trắng.
Ngoài ra, công ty còn cho thêm nguyên liệu dứa tươi và gạo nứt rang với tỷ lệ rất thấp để tạo hương thơm. Quá trình chăm sóc, có ghi chép nhật ký, thời gian sản xuất rõ ràng.
Theo chị Thúy, các bể ủ chượp sẽ được khuấy đảo thường xuyên và liên tục trong thời gian dài, trên 24 tháng. Trong quá trình sản xuất, chăm sóc, các bể ủ nguyên liệu được phơi dưới ánh nắng tự nhiên, giúp cá nhanh chín, nát, ngấu…
"Nhiệt độ ngoài trời càng cao thì mắm lên hương càng nhanh", chị Thúy nói và cho biết thêm, khi nào đủ thời gian ủ chượp, nước mắm mới được kéo rút.
Sau hơn 24 tháng ủ chượp, nước mắm truyền thống Cường Là được đăng lọc (hay còn gọi là chiết rút) qua 4 lần, theo phương pháp truyền thống, thì mới ra nước mắm thành phẩm, đạt chuẩn, sau đó đóng chai và dán nhãn.
Nước mắm truyền thống Cường Là có màu cánh gián, hương thơm tự nhiên, vị đậm đà đầu lưỡi, ngọt hậu ở họng… Lượng đạm tự nhiên trong nước mắm dao động từ 25 - 32N g/l.
Trung bình mỗi năm, Công ty TNHH Cường Là cung cấp ra thị trường khoảng 70.000 lít nước mắm nguyên chất, với giá bán dao động từ 30.000 - 130.000 đồng/lít, tùy vào loại nước mắm.
Hiện thị trường tiêu thụ của công ty ở trong và ngoài tỉnh như: Ninh Bình, Thái Bình, Lào Cai, Quảng Ninh, Hà Nội. Ngoài thị trường trực tiếp, công ty còn bán sản phẩm nước mắm truyền thống trên hệ thống mạng xã hội (tiktok, facebook…).
Nhờ sản xuất sạch, không sử dụng các chất bảo quản nên sản phẩm nước mắm cốt cá cơm, nước mắm cốt cá nục của công ty được thị trường đón nhận, tin dùng.
Năm 2021, sản phẩm nước mắm nguyên chất Cường Là vinh dự được UBND tỉnh Nam Định công nhận là sản phẩm OCOP đạt hạng 4 sao, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.