Ông Lương Trí Thìn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh. (Ảnh: Internet)
Ông Lương Trí Thìn đưa Đất Xanh vươn ra Huế, Quảng Bình
Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh (DXG) vừa công bố quyết định góp vốn thành lập một lúc cả 2 công ty là Công ty TNHH Đất Xanh Quảng Bình và Công ty TNHH Đất Xanh Huế.
Cụ thể, Công ty TNHH Đất Xanh Quảng Bình có vốn điều lệ 600 tỷ đồng. Trong đó, Tập đoàn Đất Xanh góp 150 tỷ đồng, tương đương 25% vốn điều lệ. Tại Công ty TNHH Đất Xanh Huế, Tập đoàn Đất Xanh góp 75 tỷ đồng, tương ứng 25% vốn điều lệ để thành lập doanh nghiệp
Tại 2 doanh nghiệp này, Đất Xanh Group giao ông Ngô Ngọc Huyên là người đại diện phần vốn góp. Ông Ngô Ngọc Huyên phải xin ý kiến Tập đoàn Đất Xanh trước khi biểu quyết, quyết định các vấn đề có liên quan tại hai công ty tương ứng với phần vốn được đại diện.
Quyết định góp vốn thành lập 2 doanh nghiệp mới của Đất Xanh Group diễn ra trong bối cảnh đơn vị này đang mở rộng hoạt động kinh doanh ra khá nhiều địa phương.
Một công ty con của Tập đoàn Đất vừa mới thành lập năm 2018 là Công ty P Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Hà An cũng đã bỏ giá 3.060 tỷ đồng để thắng thầu lô đất 92 ha của Công ty TNHH MTV Tổng công ty Cao su Đồng Nai, nằm gần sân bay Long Thành, Đồng Nai.
Hiện tại, thị trường kinh doanh bất động sản của Tập đoàn Đất Xanh trải dài từ khu vực TP.HCM tới ra Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu,…
Tại Huế, Tập đoàn có dự án An Cựu City, còn tại Quảng Bình, công ty con của Đất Xanh Grorp là Đất Xanh Miền Trung cũng đang sở một số dự án như Lê Lợi Residence, Eco Garden Quảng Bình, Đông Nam Lê Lợi, Diamond Riverside...
Trước đó, tháng 6/2019, HĐQT Tập đoàn Đất Xanh đã thông qua việc phát hành tối đa 400 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ, có tài sản đảm bảo từ quý II đến quý IV/2019. Kì hạn tối đa 24 tháng và lãi suất dự kiến không quá 12% mỗi năm. Dự kiến vào ngày 30/8 tới, Đất Xanh sẽ phát hành 100 tỷ đồng trái phiếu trong số trái phiếu trên nhằm phục vụ cho việc phát triển quĩ đất. Tài sản đảm bảo là các cổ phần đang lưu hành của Công ty CP Đất Xanh miền Trung và bất cứ tài sản đảm bảo bổ sung nào khác.
VnIndex “thoát hiểm” cuối phiên
Quay trở lại với những diễn biến trên TTCK Việt Nam ngày 28/8, chỉ số VnIndex dù bị đẩy lùi trong thời gian giao dịch của phiên chiều, song cuối cùng vẫn giữ được sắc xanh nhạt với mức tăng 0,47 điểm (0,05%) lên 977,26 điểm. Trong khi đó, chỉ số HNX-Index giảm 0,53 điểm (0,52%), xuống 102,32 điểm.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 28/8, chỉ số VnIndex tăng 0,47 điểm (0,05%) lên 977,26 điểm. (Ảnh: TVSI)
Giao dịch trên thị trường ở phiên chiều 28/8 không có quá nhiều sự đột biến, nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn giảm khá sâu và tạo áp lực rất lớn lên thị trường chung.
Trong đó, ACB giảm 1,3% xuống 22.200 đồng/cổ phiếu; FPT giảm 1,3% xuống 52.100 đồng/cổ phiếu; HVN giảm 1,4% xuống 35.550 đồng/cổ phiếu; PNJ giảm 2,2% xuống 81.400 đồng/cổ phiếu…
Chiều ngược lại, nhờ lực đỡ của các cổ phiếu như VGC, VNM, ROS, KDC, GAS... nên VN-Index vẫn giữ được sắc xanh nhẹ. ROS gây bất ngờ khi tăng 1,9% lên 27.500 đồng/cp trước đó cổ phiếu này có phần lớn thời gian của phiên giao dịch giảm giá rất sâu. Riêng trong phiên ATC, ROS khớp lệnh 7,6 triệu cổ phiếu bằng gần một nửa lượng khớp lệnh của cổ phiếu này trong phiên hôm nay.
Về giao dịch của khối ngoại, tính chung trên toàn TTCK Việt Nam ngày 28/8, khối ngoại đã mua ròng 1,5 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng là gần 40 tỷ đồng.
Riêng sàn HoSE, khối ngoại mua ròng 1,1 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng 31 tỷ đồng. Đứng đầu danh sách mua ròng của khối ngoại sàn HoSE là CTI với 32,5 tỷ đồng. Tiếp sau đó, NVL cũng được mua ròng 26 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, HPG bị bán ròng mạnh nhất với giá trị đạt 18,7 tỷ đồng. VNM đứng sau với giá trị bán ròng là 16,5 tỷ đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.