Ông Lưu Bình Nhưỡng: Cần chế tài đình chỉ, cách chức lãnh đạo không tuân thủ quy định chống dịch
Ông Lưu Bình Nhưỡng: Cần đình chỉ, cách chức lãnh đạo không thực hiện quy định mới của Chính phủ về chống dịch
PVCT
Thứ hai, ngày 18/10/2021 16:15 PM (GMT+7)
Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, Nghị quyết 128 của Chính phủ cho địa phương quyền linh hoạt để thích ứng, nhưng nếu địa phương không thực hiện theo quy định của Trung ương, cần có chế tài như đình chỉ, thậm chí có thể cách chức một số lãnh đạo không tuân thủ để tránh tình trạng trên bảo dưới không nghe.
Ngày 18/10, Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm "Nghị quyết 128 - Hướng tới bình thường mới". Nêu ý kiến tại buổi tọa đàm, ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) cho rằng: Nghị quyết 128 của Chính phủ là chủ trương rất sáng tạo, khi Nghị quyết 128 ra đời xã hội đón nó như luồng gió mới. Nhưng hiểu được Nghị quyết 128 để thực hiện cho đúng, để lập lại trật tự là cả một vấn đề.
"Chúng ta rất buồn với các chốt liên tỉnh. Tôi đã trực tiếp đi đến các chốt liên tỉnh và có ý kiến với Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này. Chốt kiểm soát xét xét về mặt giao thông vận tải rất tệ, dẫn đến câu chuyện mà Chủ tịch nước, Thủ tướng đề cập là không được cát cứ. Đây là câu chuyện chúng ta phải khắc phục", ông Nhưỡng nói.
Về việc chỉ đạo từ Chính phủ xuống địa phương nhưng địa phương không thực hiện, ông Nhưỡng cho rằng, đây là vấn đề người dân rất bức xúc. "Trên mạng xã hội người ta nói rất nhiều là trên bảo dưới không nghe, đặc biệt là người dân bắt buộc phải tuân thủ các mệnh lệnh của cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh nhưng cấp tỉnh lại không tuân thủ cấp Trung ương, đây là câu chuyện rất khó hiểu", ông Nhưỡng nói và cho biết thêm:
Khi trở lại trạng thái bình thường mới thì chúng ta phải giải quyết những vấn đề đó với các mục tiêu: Phòng chống dịch bệnh; phát triển, tiếp tục sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội; quốc phòng an ninh; các hoạt động bình thường và tiếp tục các hoạt động đối ngoại quốc tế.
Từ Nghị quyết 128 đến hành động chúng ta có 3 vấn đề lớn, một là phải hiểu đúng; hai là đánh giá đúng tình hình địa phương; ba là phải đúng quy định nhưng quy định này phải bằng các văn bản quy phạm pháp luật, tránh tình trạng ăn đong, nay chỉ đạo thế này mai chỉ đạo cái khác. Các địa phương trên cơ sở Nghị quyết 128 thống nhất ban hành các văn bản để quy định ở địa phương mình. Trên cơ sở đánh giá tình hình thì chúng ta mới có thể vận dụng đúng được.
"Vừa qua, chúng ta đã có kinh nghiệm, cơ sở từ việc áp dụng Chỉ thị 15, 16, 19 của Thủ tướng và thêm Nghị quyết 128, Chính phủ cho quyền các địa phương thích ứng mà các địa phương không thích ứng nữa thì có lẽ phải đình chỉ, cách chức một số lãnh đạo không tuân thủ, không hòa cùng "nhịp đập" của cả nước hoặc vì câu chuyện cá nhân hay địa phương của mình mà ngăn cản các địa phương khác, ngăn cản các chủ thể khác, như thế thì không chấp nhận được. Đặc biệt, không thể để xảy ra tình trạng "trên bảo dưới không nghe", Trung ương điều hành mà địa phương không tuân thủ là việc không thể chấp nhận được.
Tôi đề nghị các cấp có thẩm quyền, từ Nghị quyết 128 này cần có sự đánh giá chặt chẽ với lãnh đạo địa phương để xác định trách nhiệm, trong trường hợp cần báo cáo cấp có thẩm quyền để xem xét, xử lý, không thể để kết thúc chiến dịch mới làm. Vào trận mà không chỉ huy được thì đề nghị lui ra, để người khác làm thay chứ đánh trận mà như vậy chúng ta sẽ thua. Tôi cho rằng tính tuân thủ, tính linh hoạt cần phải được kiểm soát", Phó trưởng Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng nói.
Vẫn theo ông Nhưỡng, Nghị quyết 128 được xây dựng trên cơ sở đánh giá tất cả tình hình của các địa phương, ý kiến của địa phương, ý kiến của chuyên gia, các nhà khoa học và Ban Chỉ đạo quốc gia. Ở khía cạnh nào đó, Nghị quyết này rất kín kẽ ở tất cả các mặt.
"Trong quy định về tổ chức thực hiện, Chính phủ đã đề ra 28 vấn đề, trong đó quy định rất rõ các địa phương có 5 nhiệm vụ chính. Các địa phương phải căn cứ vào 5 quy định đã được giao để thực hiện một cách nghiêm túc, tất cả mọi lĩnh vực. Trên cơ sở đó, các địa phương phải xây dựng được chương trình, kịch bản riêng cho mình về phát triển kinh tế xã hội. Tôi thấy, TP.HCM là địa phương đầu tiên đề ra được kế hoạch phát triển kinh tế thời kỳ hậu Covid".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.