“Ông môi trường”

Thứ ba, ngày 19/02/2013 21:21 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Bao năm nay, ông Phùng Đình Lộc (82 tuổi) ở thôn Đông Lao, xã Đông La, Hoài Đức, Hà Nội cần mẫn đi khắp thôn xóm tình nguyện làm việc công. Ông được mệnh danh là ông già môi trường, ông già trồng cây.
Bình luận 0

Đặc biệt thời gian qua, ông đã mạnh dạn thực hiện ý tưởng biến triền đê cỏ dại thành những vườn hoa muôn sắc.

Bàn tay ta làm nên tất cả

Nếu ai đã từng đi đọc triền đê sông Đáy thuộc địa bàn xã Đông La, Hoài Đức sẽ phát hiện một điều hết sức đặc biệt. Nếu như các đoạn đê khác cỏ mọc um tùm, phân trâu bò bẩn thỉu… thì đoạn triền đê trên địa bàn thôn Đông Lao là những vườn hoa và thảm cỏ tươi đẹp xen kẽ nhau.

Trong căn phòng nhỏ, ông Phùng Đình Lộc tâm sự với chúng tôi: "Từ lâu lắm rồi, tôi có thói quen ngày ngày cứ rảnh rỗi là đi lang thang trên triền đê sông Đáy ngắm cảnh. Từ ngày đê được bê tông hóa, đã khang trang hơn, đẹp hơn rất nhiều, nhưng cỏ mọc um tùm, phân trâu bò vương vãi khắp nơi. Đặc biệt từ năm 2008, khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội thì tôi nghĩ làng quê càng cần văn minh và sạch đẹp hơn. Vì thế, tôi đã tình nguyện mang dao, liềm ra triền đê ở thôn mình cắt cỏ, nhổ cây dại. Thấy vậy, một số người nghĩ tôi bị gàn, hâm, thậm chí thần kinh…".

Mặc kệ tất cả, ông cứ miệt mài khai hoang, phát quang cả một đoạn triền đê thuộc thôn mình dù chẳng ai cổ vũ, động viên. Sau khi các cây cỏ dại đã được nhổ bỏ, ông Lộc chuyển sang cắt, xén đám cỏ thành những thảm cỏ thẳng, bằng chẳng kém gì các khu có lao công làm hàng ngày.

Không chỉ cắt cỏ, trồng cây, trồng hoa trên đê mà ông Phùng Đình Lộc còn là một lao công đặc biệt. Cứ sáng sáng ông lại vác chổi ra đường quét rác. Những hôm nắng, đường làng xe cộ đi nhiều, ông lại mang nước ra vảy cho đỡ bụi. Chính những việc làm bình dị mà hết sức ý nghĩa ấy của ông đã khiến dân làng tự ý thức và bảo ban con cái giữ gìn vệ sinh công cộng. Năm 2010, ông vinh dự được UBND TP.Hà Nội tặng bằng khen gương Người tốt, việc tốt.

Mặc dù đã được nghe, được kể, nhưng khi theo ông đi dọc triền đê thôn Đông Lao, chúng tôi vẫn rất ngạc nhiên và không thể nghĩ rằng những thảm cỏ rộng, dài, bằng tăm tắp nơi triền đê ấy lại được tạo ra chỉ bởi một cụ ông năm nay đã 82 tuổi.

Không chỉ nhổ cây cỏ dại, cắt xén cỏ, quét rọn… ông Phùng Đình Lộc còn đi khắp làng trên, xóm dưới xem nhà nào có cây đa, cây si, cây bàng, cây trứng cá hoặc bất kỳ cây cảnh nào thừa để xin về ươm.

Trong khu vườn nhỏ xinh của ông Lộc luôn có rất nhiều cây giống đang được ươm trong những hộp xốp. Ông cho biết: "Toàn bộ những cây mà các cậu đang nhìn thấy đây, tôi dự định sẽ mang ra đê trồng vào những ngày đầu xuân Quý Tỵ này".

Cứ lặng lẽ làm, đến nay ông Lộc đã trồng được hàng trăm cây đa, cây si, cây bàng và những cây cảnh khác ở triền đê, khu sân bóng và cả quanh hội trường, nhà văn hóa của thôn.

Vườn hoa đón xuân

Không chỉ trồng cây, ông Phùng Đình Lộc còn quyết định mang cả hoa ra trồng ở triền đê. Ông Lộc cho biết: "Nhà tôi có cô con dâu bán cây hoa, cứ hôm nào nó ế, tôi lại đem về trồng cho sống rồi đánh ra triền đê trồng".

Chẳng bao lâu, đoạn triền đê thuộc thôn Đông Lao đã có đủ các loại hoa. Cảnh tượng hiện ra trước mắt khiến ai cũng ngỡ như ở trên các con phố lớn của Hà Nội. Nào là hoa huệ trắng trắng, vàng vàng, rồi những luống mười giờ được cắt xén thành hàng lối gọn gàng. Đặc biệt, những cụm hoa bông phấn màu tím thi nhau đua nở trên triền đê. Rồi chúng tôi còn thấy có cả hoa hồng, hoa hòe, địa lan, thiết mộc lan… Nhiều người đi qua đây không biết chuyện cứ tưởng chính quyền địa phương có quy hoạch trồng hoa, cây cảnh ven đường để đón tết.

Năm hết tết đến, mọi người, mọi nhà ai cũng hân hoan vác những cành mai, cây đào, cây quất, bó hoa về nhà. Nhưng dường như chả ai quan tâm đến chuyện trồng cây, trồng hoa làm đẹp cho đường sá, đặc biệt lại là vùng nông thôn như khu vực ngoại thành thuộc huyện Hoài Đức này. Ông Lộc từ ý thích cá nhân, dần dần chuyển sang suy nghĩ rằng cần phải có ý thức bảo vệ môi trường, cũng như góp phần làm đẹp cho bộ mặt làng quê.

“Cứ tưởng là dễ, nhưng để có những vườn hoa trên triền đê cần có cả bí quyết nữa đấy các cậu ạ” - ông bảo vậy, rồi hào hứng kể: "Khi có dịp đi các nơi, thấy có cây hoa dại nào đẹp, ưng ý là tôi lại đem về ươm ở những chiếc hộp xốp. Sau khi cây hoa đã sống và sinh trưởng tốt, tôi mới đem ra trồng ở triền đê. Nếu đánh về trồng ngay ở đê thì rất khó sống vì đất ở đây thường không tốt, xe cộ, bụi bặm đi qua nếu hoa không được bảo vệ, tưới nước sẽ chết ngay".

Chính vì thế mà chuyện trồng hoa để mong có những vườn hoa đón xuân Quý Tỵ của ông Lộc kể ra cũng rất gian nan. Trồng xong là phải mang nước ra tưới, rồi lại phải thường xuyên trông để bọn trẻ con hay trâu bò không phá hoại… Bà Lan, nhà ở gần đê thôn Đông Lao tấm tắc khen ngợi: "Từ ngày có ông Lộc trong xóm ra đây trồng hoa, con đê thay đổi hẳn, sạch đẹp hơn nhiều. Ông ấy đúng là một tấm gương vì cộng đồng, làng xã. Trẻ con cũng không dám thả trâu bò vào khu vực này nữa".

Ông Lộc dự định còn trồng nhiều khóm hoa mới dọc con đường vào nhà văn hóa, hội trường của thôn vào những ngày đầu xuân. Trồng hoa và hoa nở ven đê đối với ông Lộc chính là niềm vui bất tận, là hạnh phúc mãn nguyện vô biên. Với ông, lúc cuối đời này thì niềm vui, sống khỏe, sống có ích là điều quan trọng nhất.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem