Ông Ngô Trí Long: “Xăng tăng giá là hiển nhiên nhưng nên ở mức vừa phải”
Ông Ngô Trí Long: “Xăng tăng giá là hiển nhiên nhưng nên ở mức vừa phải”
Thanh Phong
Thứ tư, ngày 13/05/2020 10:45 AM (GMT+7)
Sau 8 lần giảm giá liên tiếp từ đầu năm 2020, giá xăng được dự báo sẽ tăng trở lại vào kỳ điều chỉnh giá chiều nay (13/5). Trước thông tin trên, nhiều người dân đã đổ xô đi mua xăng.
Theo đúng kế hoạch, Liên Bộ Tài chính - Công Thương sẽ thực hiện điều chỉnh giá xăng vào chiều nay (13/5). Theo dữ liệu mới nhất của Bộ Công Thương, đến ngày 11/5, giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore có xu hướng tăng mạnh trở lại sau chuỗi giảm sâu liên tục.
Cụ thể, xăng RON 92 để pha chế xăng E5 RON 92 có mức giá bình quân khoảng: 24,77 USD/thùng, tăng 34% so với chu kỳ trước. Trong khi đó, xăng RON 95 có mức giá bình quân là 26,67 USD, tăng 35% so với chu kỳ trước.
Bên cạnh đó, tại một số thời điểm giá xăng RON 95 lên mốc 32 USD/thùng. Do vậy, giá xăng trong nước sẽ được điều chỉnh theo hướng phù hợp. Theo nhận định của giới chuyên môn, tại kỳ điều chỉnh này mức tăng có thể lên tới 2.000 -3.000 đồng/lít. Tuy nhiên, nhiều nhận định cho rằng nhà điều hành sẽ chi quỹ bình ổn để bớt tăng "sốc".
Đánh giá về thị trường xăng dầu thời điểm hiện tại, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) nhận định, giá xăng dầu Việt Nam hoàn toàn phụ thuộc vào biến động của thế giới nên việc tăng giá là điều hiển nhiên, còn tăng bao nhiêu thì cần tính toán theo mức bình ổn trong nước theo điều hành của cơ quan nhà nước.
"Nếu tăng thì cũng tăng ở mức vừa phải vì người dân đang khó khăn, giai đoạn này cần thiết phải giảm thiểu mọi chi phí để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sau dịch, do đó, sẽ không thể tăng nhanh, nhiều trong thời gian tới", ông Long bày tỏ.
Ngoài ra, PGS.TS Ngô Trí Long cũng nhận định chính sách điều chỉnh giá xăng dầu theo kỳ hạn nửa tháng 1 lần của Việt Nam còn nhiều bất cập. Cụ thể, giá xăng dầu trong nước phụ thuộc vào 2 yếu tố: giá thế giới và chính sách tài chính của mỗi quốc gia (bao gồm thuế, phí, quỹ bình ổn…).
Tuy nhiên, trong đó, có nhiều giai đoạn giá xăng dầu quốc tế "lao dốc’ nhưng thị trường trong nước vẫn chưa giảm. Tại một số thời điểm khi giá dầu thế giới tăng nhưng lại giảm ở Việt Nam. Nguyên nhân là do chưa đến kỳ điều chỉnh giá trong nước, hoặc tính trung bình giá xăng dầu trong 15 ngày lại không tăng/giảm theo giá thế giới tại ngày điều chỉnh.
Theo đó, dẫn đến tình trạng việc điều hành giá xăng dầu trong nước và quốc tế tăng giảm trái chiều, rất bất hợp lý, "vô duyên". Ông Long nhận định, giá xăng dầu thay đổi từng ngày, từng giờ, không cố định theo chu kỳ. Đặc biệt, trong giai đoạn nhạy cảm, ảnh hưởng dịch Covid – 19 khiến thị trường xăng dầu biến động liên tục như hiện nay.
"Trong bối cảnh thị trường xăng dầu cạnh tranh thật sự, giá cả do các doanh nghiệp tự cân đối theo hơi thở của thị trường thì sẽ không cần phải điều hành giá xăng dầu trong nước theo chu kỳ. Tuy nhiên tại Việt Nam hiện nay, vẫn có một vài doanh nghiệp giữ vị trí thống lĩnh nên nhà nước bắt buộc phải định giá, quy định giá trần để tránh độc quyền nhóm đẩy giá xăng dầu lên cao. Mặt khác, năng lực dự báo của chúng ta chưa thể đủ khả năng để tính toán tất cả chi phí cấu thành giá hàng ngày, không đủ năng lực điều hành giá theo ngày", PGS.TS Ngô Trí Long phân tích.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.