Ông Nguyễn Thanh Bình: An Giang tự hào là quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng

Minh Anh (thực hiện) Chủ nhật, ngày 19/08/2018 08:52 AM (GMT+7)
Phát huy truyền thống cách mạng, tự hào là quê hương nơi sinh ra Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh An Giang có nhiều đổi mới sáng tạo trong công tác quản lý điều hành, nhằm đảm bảo đời sống kinh tế, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân.
Bình luận 0

Nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20.8.1988 – 20.8.2018), Phóng viên Báo Dân Việt đã phỏng vấn ông Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Ban thường vụ tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang.

img

Ông Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Ban thường vụ tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang.

Thưa ông, thời điểm này, có thể khẳng định Lễ kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã hoàn tất?

- Để tổ chức Lễ kỷ niệm ngày sinh lần thứ 130 năm Chủ tich Tôn Đức Thắng thì tỉnh An Giang đã chuẩn bị từ rất sớm. Bắt đầu từ năm 2016, công tác chuẩn bị đã được tiến hành để chọn ra phương án tốt nhất. Trên cơ sở đó, tỉnh An Giang đăng ký làm việc với Trung ương, các bộ ngành để tranh thủ sự tham vấn, chỉ đạo, nhằm xây dựng kế hoạch hành động để tỉnh làm tốt công việc này.

Trung ương cũng đã cấp kinh phí 50 tỷ đồng để tỉnh trùng tu Khu lưu niệm của Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Bên cạnh đó, An Giang cũng phát động trong toàn thể các cơ quan, ddơn vị, doanh nghiệp trên toàn tỉnh xây dựng những công trình thiết thực để kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng.

Đến nay đã có 79 công trình được thực hiện như: xây cầu, làm đường nông thôn, làm đèn led để chiếu sáng bảo về an ninh trật tự. Xây dựng những thiết chế văn hóa để người dân được tham gia, hưởng thụ… Đến nay, các công trình đầu hoàn thành, góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

img

Khu tưởng niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng

Lễ kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng sẽ diễn ra như thế nào thưa ông?

-Lễ kỷ niệm sẽ chính thức diễn ra vào sáng 20.8 tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Phần Lễ sẽ có Lễ dâng hương và mít tinh trọng thể với sự hiện diện của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan ban nghành từ Trung ương tới địa phương.

Phần hội sẽ là một chương trình nghệ thuật đặc biệt mang tên: Chủ tịch Tôn Đức Thắng - người con trung kiên của Nam Bộ thành đồng. Đây là lần đầu tiên một chương trình nghệ thuật được thực hiện công phu, hoành tráng, sáng tạo và đầy tính nghệ thuật. Các tiết mục trong chương trình được gắn kết, xâu chuổi nhằm tái hiện lại cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng từ khi còn là một cậu bé sinh ra trên đất cù lao Ông Hổ cho đến khi trở thành Chủ tịch nước. Chương trình là dịp để mọi người thể hiện sự trân trọng, tri ân công đức Chủ tịch Tôn Đức Thắng.

Cùng với Lễ mít tinh kỷ niệm thì dịp này, tỉnh An Giang tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao có ý nghĩa như: Giải đua xe đạp Toàn quốc tại An Giang; Đại hội thể dục thể thao; Cuộc thi Tiếng hát công nhân viên chức tỉnh An Giang; Cuộc thi đàn ca tài tử An Giang lần thứ nhất; Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực ĐBSCL lần thứ 33 tại An Giang; Tuần lễ văn hóa ẩm thực…

img

Lễ trao giải cuộc thi tìm hiểu "Bác Tôn với cách mạng VN và quê hương An Giang. Ảnh angiang.gov.vn

Về An Giang, chúng tôi cảm nhận về đời sống văn hóa tinh thần của người dân rất được chú trọng, ông có thể nói rõ hơn về điều này?

-Đời sống văn hóa tinh thần của người dân An Giang được tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân hết sức quan tâm. Để thể hiện sự quan tâm đó, hàng năm tỉnh ủy bỏ ra một nguồn kinh phí lớn để xây dựng các thiết chế văn hóa để người dân có cơ hội hưởng thụ. Đặc biệt là đối với vùng sâu, vùng xa, người dân được tiếp cận và được đáp ứng nhu cầu giải trí tinh thần. Hầu hết các xã trên địa bàn tỉnh An Giang đều có nhà văn hóa, có các sân chơi, bãi tập thể thao, giúp cho người dân nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần và thể lực.

An Giang là tỉnh có nhiều lễ hội văn hóa dân gian được tổ chức từ cấp tỉnh, cấp quốc gia thì tỉnh cũng đều chỉ đạo cho các cơ quan chuyên môn như Sở Văn hóa Thể thao Du lịch phối hợp với các địa phương tổ chức, xem đó là món ăn tinh thần đối với người dân An Giang, nhất là vùng sâu vùng xa. Với sự chỉ đạo sát sao như thế nên những năm qua chăm lo đời sống tinh thần cho người dân được nâng lên đang kể.

Chúng tôi nghĩ rằng, cùng với việc tổ chức các sự kiện văn hóa thể thao trong tỉnh thì việc đăng cai tổ chức các sự kiện văn hóa, du lịch thể thao khu vực hay cấp quốc gia là dịp học hỏi, chia sẻ và rút kinh nghiệm từ các tỉnh bạn. Quá trình tổ chức luân phiên cũng là tạo điều kiện để nhân dân khu vực đồng bằng Sông Cửu Long có cơ hội thưởng thức nét văn hóa đặc sắc vùng miền. Chúng tôi có kinh nghiệm đăng cai tổ chức các sự kiện văn hóa du lịch thể thao cấp quốc gia thì cũng sẽ có nhiều sáng tạo để tổ chức tốt các lễ hội của địa phương để tạo sức hút và để các loại hình văn hóa văn nghệ,  lễ hội dân gian sống mãi trong lòng người dân.

Tranh thủ nguồn vốn trung ương, nguồn vốn đối ứng địa phương, để xây dựng những bãi tập thể thao ngay tại các khu công nghiệp, xây dựng nhà văn hóa, tụ điểm vui chơi... Chính những giải pháp này mà đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân được nâng lên đáng kể.

Ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác quản lý điều hành làm sao để những thiết chế văn hóa thực sự đi vào đời sống?

-Trên địa bàn tỉnh An Giang có 4 dân tộc anh em sinh sống là: Kinh, Khơ Me, Chăm, Hoa. Hàng năm, đều có những lễ hội truyền thống đặc trưng cho dân tộc mình. Trong những năm qua, tỉnh chỉ đạo các cấp các ngành tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc, các địa phương giữ gìn các lễ hội truyền thống không bị phai mờ trong đời sống đương đại. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương xây dựng các tụ điểm văn hóa, thể thao để cho người dân duy trì các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao.

img

Hiện nay, ở An Giang có những di tích văn hóa được xếp hạng Di tích văn hóa cấp Quốc gia đặc biệt, có nhưng di tích văn hóa xếp hàng của tỉnh. Hầu như các di tích đều gắn liền với lễ hội truyền thống, do vậy, để bảo tồn những di tích trước sự phát triển và hội nhập, thì tỉnh cố gắng duy trì không hiện đại hóa các di tích. Chỉnh sửa, tôn tạo nhưng vẫn phải giữu nguyên nét kiến trúc ban đầu của di tích, không để cho các loại hình văn hóa văn nghệ đương đại xâm nhập vào các di tích làm giảm đi giá trị của các di tích. Bằng các thiết chế, chúng tôi đã giao chính quyền địa phương phối hợp với các ban quản trị của các di tích vừa trùng tu nhưng một mặt bảo tồn những hình ảnh, nét sinh hoạt văn hóa gắn liền với các khu di tích này không để bị phai mờ và công việc này được thưc hiện rất tốt.

Để làm tốt công tác trùng tu, tôn tạo các di tích, di sản thì một mặt tỉnh tranh thủ nguồn vốn trung ương, một mặt cân đối với nguồn vốn đối ứng của địa phương và huy động nguồn vốn xã hội hóa. Tuy nhiên, chính quyền trực tiếp đứng ra thực hiện công việc này. Tất cả các đình làng, chúng tôi đã thống kê và có nguồn ngân sách để  trùng tu các di tích này theo tình thần nhà nước và nhân dân cùng làm. Có sự tham gia trực tiếp của chính quyền nên việc trung tu các di tích, di sản không bị biến dạng, hoặc các doanh nghiệp, cá nhân đóng góp cho việc trùng tu tôn tạo di tích, di sản cũng không làm ảnh hưởng tới quá trình trùng tu tôn tạo.

Trong thời kỳ hội nhập như hiện nay, để bảo tồn phát huy những giá trị văn hóa truyền thống thì Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng đã chỉ đạo cho nghành văn hóa cũng như các địa phương nhằm bảo tồn các lễ hội văn hóa truyền thống, đặc biệt là các lễ hội văn hóa gắn liền với đồng bào dân tộc.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem