Ông Nguyễn Trường Sơn có vi phạm nhưng được miễn trách nhiệm hình sự, căn cứ vào đâu?
Ông Nguyễn Trường Sơn được miễn trách nhiệm hình sự, căn cứ theo quy định nào?
Quang Trung
Thứ tư, ngày 23/08/2023 15:17 PM (GMT+7)
Theo chuyên gia, với những trường hợp không có động cơ vụ lợi, không vì mục đích tư lợi cá nhân nhưng do nhận thức, do bị phụ thuộc mà thực hiện hành vi phạm tội, việc miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt là cần thiết...
Nguyên Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn được miễn trách nhiệm hình sự vụ Việt Á
Trong vụ Việt Á, theo Cơ quan CSĐT điều tra Bộ Công an (C03), hành vi của nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã giúp Công ty Việt Á sử dụng số đăng ký lưu hành chính thức để sản xuất, kinh doanh, thu lợi trái phép và gây thiệt hại tài sản cho Nhà nước, có dấu hiệu tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Tuy nhiên, C03 nhận định ông Sơn không thông đồng, thỏa thuận để làm lợi cho Công ty Việt Á và không được hưởng lợi, không có động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân.
Ông Sơn đã bị kỷ luật cảnh cáo về Đảng theo quyết định của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, kỷ luật cảnh cáo về chính quyền theo quyết định của Thủ tướng.
Do vậy căn cứ các quy định pháp luật, C03 miễn trách nhiệm hình sự cho ông Sơn, không khởi tố điều tra, không đề nghị truy tố.
Căn cứ cụ thể để miễn trách nhiệm hình sự với Nguyên Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, việc đấu tranh với tham nhũng tiêu cực ở nước ta hiện nay sẽ quyết liệt, quyết tâm, không ngừng nghỉ.
Kết quả giải quyết vụ án hình sự đối với tội phạm về tham nhũng và chức vụ kết hợp hài hòa hai yếu tố là khoan hồng và nghiêm trị, hướng đến mục tiêu thu hồi tài sản do phạm tội mà có, tăng tính răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội.
Đối với người phạm tội chủ mưu, cầm đầu, thực hành tích cực, chỉ đạo, thúc đẩy người khác phạm tội, thu lợi bất chính lớn...sẽ bị xử lý nghiêm minh. Còn đối với người phạm tội lần đầu, vai trò thứ yếu, giúp sức, không hưởng lợi, thành khẩn khai báo sẽ được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.
Ông Cường phân tích, Điều 5 Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao quy định, việc xử lý tội phạm tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ phải bảo đảm nghiêm khắc và tuân thủ triệt để các nguyên tắc của pháp luật hình sự, pháp luật tố tụng hình sự.
Trong quá trình tố tụng, người phạm tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và đã hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì không áp dụng mức cao nhất của khung hình phạt mà người phạm tội bị truy tố, xét xử.
Bên cạnh đó, Điều 59 của Bộ luật hình sự cũng quy định, xem xét áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt miễn hình phạt đối với trường hợp người phạm tội có ít nhất 2 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật hình sự hoặc người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể, người phạm tội không vì động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà chỉ vì muốn đổi mới, dám đột phá vì sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Người phạm tội là người có quan hệ lệ thuộc (như cấp dưới đối với cấp trên, người làm công hưởng lương, chấp hành nhiệm vụ theo chỉ đạo của cấp trên), không ý thức được đầy đủ hành vi phạm tội của mình, không vì động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác, không được hưởng lợi; đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, tích cực hợp tác với cơ quan có thẩm quyền, góp phần có hiệu quả vào việc điều tra, xử lý tội phạm…
Như vậy, có thể thấy rằng, chính sách xét xử đối với tội phạm về tham nhũng và chức vụ hiện nay là rất khoa học, hợp lý, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội và phù hợp với mục tiêu đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay.
Việc xử lý không chỉ nghiêm minh, nghiêm trị, mà còn khoan hồng, nhân văn, nhân đạo, có phân hóa rõ nét, tạo cơ hội cho người biết sửa sai, ăn năn, hối cải có cơ hội sửa sai, lập công chuộc tội.
Vì thế, đối với người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật là cấp dưới do bị chỉ đạo, sai khiến, không được hưởng lợi, thực hiện hành vi vi phạm pháp luật do nôn nóng, muốn hoàn thành nhiệm vụ, muốn cống hiến đóng góp cho xã hội nên mắc sai lầm cũng sẽ được hưởng chính sách khoan hồng đặc biệt của pháp luật.
Với những trường hợp không có động cơ vụ lợi, không vì mục đích tư lợi cá nhân nhưng do nhận thức, do bị phụ thuộc mà thực hiện hành vi phạm tội, việc phân hóa, phân loại, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt là cần thiết...
Từ phân tích trên, ông Cường cho rằng, theo nội dung kết luận điều tra, ông Nguyễn Trường Sơn có hành vi làm trái công vụ, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước nhưng cơ quan điều tra xác định ông Sơn không có động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác nên hành vi không thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm, không đủ căn cứ để xử lý hình sự ông Sơn theo Điều 356 Bộ luật hình sự.
Trong khi đó, đối với tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo Điều 356 Bộ luật hình sự, hành vi phải thỏa mãn về chủ thể (là người có chức vụ quyền hạn); mặt chủ quan của tội phạm (là lỗi cố ý, động cơ, mục đích vì vụ lợi); hành vi khách quan là làm trái công vụ và hậu quả là gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước từ 10 triệu đồng trở lên, hành vi mới thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm.
Nếu thiếu một trong các yếu tố nêu trên, hành vi vi phạm pháp luật không thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm và đương nhiên sẽ không bị xử lý hình sự về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Bởi vậy, việc cơ quan điều tra không xử lý hình sự đối với ông Nguyễn Trường Sơn là có căn cứ.
Vị chuyên gia cho biết thêm, theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự, cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm chứng minh tội phạm, nếu không chứng minh được ông Nguyễn Trường Sơn đã thực hiện hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm thì việc không xử lý hình sự đối với ông Sơn trong vụ án này là phù hợp với nguyên tắc suy đoán vô tội, phù hợp với quy định về nghĩa vụ chứng minh trong tố tụng hình sự.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.