Ông Phạm Anh Tuấn: "Nếu dự án gang thép ảnh hưởng đến sinh mệnh chính trị, chúng tôi không dám làm"
Ông Phạm Anh Tuấn: "Nếu dự án gang thép ảnh hưởng đến sinh mệnh chính trị, chúng tôi không dám làm"
Dũ Tuấn
Thứ năm, ngày 13/04/2023 15:56 PM (GMT+7)
"Nếu vì dự án gang thép mà ảnh hưởng đến sinh mệnh chính trị, chúng tôi không dám làm, và chúng tôi cũng không dám làm những gì trái với việc mình đang nói", Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn khẳng định.
Rất nhiều nhà báo quan tâm đến việc UBND tỉnh Bình Định chấp thuận chủ trương dự án khu liên hợp gang thép Long Sơn (tại thôn Lộ Diêu - một trong những nơi có bãi biển hoang sơ, đẹp nhất Nam Trung bộ), đặt câu hỏi cho ông Phạm Anh Tuấn.
Trong lần đầu tiên, ông xuất hiện với vai trò chủ trì họp báo quý về tình hình kinh tế - xã hội (ngày 13/4), sau hơn 6 tháng từ khi được bầu nhậm chức Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định.
Mở đầu cuộc họp báo, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn khẳng định, sự cố gang thép Formosa tại Hà Tĩnh trong quá khứ là bài học thực sự lớn ở Việt Nam nên đối với dự án gang thép Long Sơn tại Bình Định, không ai "dại" gì phê duyệt đánh giá tác động môi trường "ẩu", không đảm bảo an toàn.
Nhà đầu tư cũng không dại khi "bỏ đống tiền nhưng dự án bị trì trệ, thậm chí đình chỉ", vì sự cố môi trường.
"Quan điểm nhất quán của Bình Định là không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế", ông Tuấn nói.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định dẫn chứng, quê ông ở Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, trước đây từng là huyện nghèo nhất Việt Nam.
Khi có dự án Formosa thì họ hàng của ông ở quê đều được chuyển đổi nghề, tập trung làm công nhân ở nhà máy.
"Vũng Áng với động lực là Formosa, nếu Hà Tĩnh bỏ Formosa thì khó khăn vô bờ. Lúc đầu Formosa xảy ra sự cố khiến môi trường bị ảnh hưởng nhưng hiện giờ có ảnh hưởng gì đâu, người dân Hà Tĩnh vô cùng "happy" (vui mừng – PV). Tôi vừa ngồi với một nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Hà Tĩnh, được biết hiện tại dự án Formosa khu vực Vũng Áng là động lực phát triển của Hà Tĩnh", ông Tuấn nói và đề xuất, mời đại diện nhà báo cùng người dân Lộ Diêu sẽ cùng ông về Hà Tĩnh, tham quan tại khu công nghiệp Vũng Áng.
"Sinh mệnh chính trị của cá nhân tôi, quan trọng lắm chứ"
Theo ông Phạm Anh Tuấn, dự án nhà máy gang thép Long Sơn đã có chủ trương từ lâu, ban đầu dự kiến chọn địa điểm đầu tư ở huyện Phù Mỹ, nhưng khi nghiên cứu "sâu" thì nhận thấy Phù Mỹ lại bất lợi nhiều thứ, đầu tư lớn nhưng nguy cơ rủi ro cao.
Vì vậy, tiếp tục khảo sát thì nhà đầu tư chọn chuyển đến Lộ Diêu (xã Hoài Mỹ, TX.Hoài Nhơn), vì nơi đây phù hợp.
"Không phải nhà máy thép muốn làm ở đâu thì làm, cũng không phải vì người dân Phù Mỹ phản đối nên chúng tôi mới chuyển sang Lộ Diêu", ông Tuấn khẳng định.
Ông Phạm Anh Tuấn đưa ra so sánh, du lịch chỉ là 1 trong 5 trụ cột chính phát triển Bình Định và tỉnh này, sở hữu đến 134 km chiều dài bờ biển, nếu triển khai dự án gang thép bị ảnh hưởng khoảng 4km, còn lại 130km… thì "không vấn đề gì".
Ngoài ra, Bình Định muốn phát triển phải có một số dự án công nghiệp lớn dẫn dắt và gang thép Long Sơn được chọn là một trong những dự án có vai trò tạo "cú hích".
Đây cũng là dự án phù hợp quy hoạch, ngoài thu ngân sách, giải quyết việc làm sẽ có nhiều doanh nghiệp khác kéo về, làm phụ trợ.
Ông Phạm Anh Tuấn cho biết, hiện tại Bình Định chỉ mới bắt đầu có chủ trương nghiên cứu xây dựng và chấp thuận để nhà đầu tư đi khảo sát, trước khi trình đề án lên Chính phủ phê duyệt vì tỉnh không được quyền quyết định.
"Dự án muốn được tỉnh thông qua để trình Chính phủ thì công nghệ phải hiện đại, môi trường phải đảm bảo theo tiêu chuẩn. Người dân bị ảnh hưởng phải được đảm bảo điều kiện, ít nhất là bằng hoặc tốt hơn khi chưa có dự án, tạo sinh kế lâu dài, ổn định và không vi phạm di tích lịch sử. Nếu đảm bảo các yếu tố này, tỉnh mới trình dự án đến Chính phủ", ông Tuấn khẳng định.
Ông Phạm Anh Tuấn cho rằng, trước khi có quyết định chính thức, các Bộ ngành của Chính phủ sẽ vào cuộc thẩm tra dự án gang thép rất kỹ càng, thậm chí kỹ hơn Bình Định rất nhiều.
"Sinh mệnh chính trị của cá nhân tôi quan trọng lắm chứ, nếu vì dự án này mà ảnh hưởng sinh mệnh chính trị thì chúng tôi không dám làm, và chúng tôi cũng không dám làm những gì trái với việc mình đang nói. Quan điểm của chính quyền là nhất quán và chính đáng, nếu ai đó đi chệch lại quan điểm này, thì đề nghị báo chí phản ánh để xử lý", ông Tuấn quả quyết.
Gang thép không phải dự án của cá nhân lãnh đạo, mà là cho tỉnh, cho quốc gia
Người đứng đầu chính quyền tỉnh Bình Định tái khẳng định, chỉ khi nào đảm bảo các yếu tố mà ông vừa cam kết, Bình Định mới trình dự án đến Chính phủ để thẩm định, vì lãnh đạo tỉnh phải chịu trách nhiệm trước trung ương.
"Gang thép đâu phải dự án cá nhân của tôi, cũng không phải của cá nhân bất cứ lãnh đạo nào của tỉnh, mà là dự án cho tỉnh, cho quốc gia. Làm thép có ảnh hưởng đến môi trường, nhưng nằm trong tầm kiểm soát thì yên tâm. Việc này ngoài sự kiểm soát của tỉnh, còn có chuyên gia Bộ TNMT và cuối cùng là Thủ tướng, thậm chí phải báo cáo cấp cao hơn, đây là chuyện bình thường", ông Tuấn cho hay.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nêu quan điểm, quan tâm số một của Bình Định đối với nhà đầu tư là về năng lực tài chính, chứng minh bằng con số cụ thể, hợp đồng và công nghệ phải hiện đại.
Ông Phạm Anh Tuấn cho biết, thôn Lộ Diêu có hơn 500 hộ dân bị ảnh hưởng và quan điểm nhất quán trong chính sách bồi thường, là người dân di dời phải cảm thấy "hạnh phúc, đi kèm sinh kế ổn định và dài hơi", đảm bảo hỗ trợ tuyệt đối cho bà con.
"Đây là dự án mà chúng tôi rất quan tâm đến sinh kế lâu dài, tỉnh đã bố trí 3 khu định cư cho bà con thôn Lộ Diêu với điều kiện sinh kế tương tự như lâu nay. Ai thích làm biển, trồng trọt hay chăn nuôi, trồng rừng... thì vẫn làm. Thậm chí nếu ai thích làm công nhân của nhà máy thì chúng tôi sẽ ưu tiên tạo điều kiện. Nói là như vậy, tuy nhiên dự án gang thép Long Sơn vẫn có thể dừng vì không đảm bảo được các tiêu chí đề ra của tỉnh Bình Định", ông Tuấn cho biết thêm.
Ông Phạm Anh Tuấn thừa nhận, dự án gang thép này chắc chắn sẽ có ý kiến phản đối, vì không thể thoả mãn hết tất cả mọi người dân.
"Chúng ta có 1,5 triệu dân, khi dự án này đã tính toán rất kỹ, không bị ảnh hưởng, đảm bảo điều kiện môi trường, lại tạo nguồn thu ngân sách rất lớn, nếu chỉ một vài hộ phản đối thì mới phải cưỡng chế, vì lợi ích chung. Đây không phải là quan điểm cá nhân tôi, mà là chỉ đạo của Thường vụ Tỉnh uỷ Bình Định, đã được bàn bạc rất kỹ", ông Tuấn khẳng định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.