Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh (ảnh T.T).
Sáng nay (24.10), Quốc hội thảo luận ở tổ về các vấn đề về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước hằng năm và giữa kỳ. Phát biểu tại tổ Thái Nguyên, Lâm Đồng, Nghệ An, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã dành khoảng thời gian ngắn nói về cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Phó Thủ tướng Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, đánh giá của thế giới hiện nay cũng cho rằng nếu cuộc cạnh tranh thương mại (cách dùng từ của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh) giữa Mỹ - Trung Quốc càng kéo dài thì càng tác động đến thương mại của thế giới, tác động đến sự phát triển của kinh tế thế giới.
“Còn đối với Việt Nam, chúng ta thường nói là nền kinh tế rất mở, như trong báo cáo nêu rõ thương mại của chúng ta gấp đôi GDP, trong khi có những nước chiếm tỷ trọng ít. Đối với chúng ta về lâu dài cũng sẽ ảnh hưởng bởi vì tác động đến chuỗi sản xuất, đến cung cầu của thế giới”, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nói.
Về ngắn hạn, theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, chúng ta có thể tranh thủ xuất khẩu vào Mỹ với khoảng 500 mặt hàng, từ ngày 1.1.2019 có 4 mặt hàng chủ lực trong giá trị xuất khẩu lớn, chúng ta có thể đẩy xuất khẩu của chúng ta lên nếu Mỹ áp thuế vào Trung Quốc.
“Nhưng chúng ta đang phải hết sức chú ý một vấn đề, nếu Trung Quốc thông qua Việt Nam để xuất những mặt hàng đó đi thì vô hình chung Mỹ sẽ đánh giá là có một số mặt hàng qua Việt Nam và đánh thuế luôn, như vậy chúng ta sẽ bị tác động, đây là vấn đề đáng lo ngại. Còn về ngắn hạn hiện nay cuộc cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung chưa tác động nhiều tới chúng ta”, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nói và cho biết thêm, Bộ Kế hoạch –Đầu tư có đánh giá tác động đến GDP của chúng ta như thế nào trong cuộc cạnh tranh thương mại Mỹ -Trung, tính trong khoảng 5 năm thì cũng bị ảnh hưởng tới vài chục tỷ USD.
ĐB Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) trong phát biểu đã nêu băn khoăn về tình trạng nợ thuế. Theo ông, tình trạng thất thu thuế tập trung nhiều khu vực ngoài quốc doanh. Vị đại biểu này nêu ví dụ, năm 2017, kiểm toán 2.341 doanh nghiệp, khi đối chiếu đã thu về tăng thêm 1.351 tỷ đồng và truy thu 446 tỷ đồng. “Vậy Chính phủ phải tính toán vấn đề này thế nào, đây chỉ là con số của ngành Kiểm toán chưa nói đến con số của thanh tra chuyên ngành khác. Đó là điều cảnh báo về thất thu thuế, mất nguồn thu”, đại biểu Hùng nói.
Đề cập đến vấn đề ngân sách trong 3 năm qua, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) ghi nhận nỗ lực của Chính phủ khi tốc độ tăng thu ngân sách vượt quá tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên vị đại biểu này cho rằng vẫn còn một số vấn đề cần nhìn lại. “3 năm đều vượt thu từ đất, xổ số, tài nguyên. Còn 3 khoản quan trọng nhất là thu từ doanh nghiệp nhà nước, FDI và cổ phần hoá quốc doanh thì đều hụt thu. Chúng ta thu đáp ứng nhu cầu chi nhưng nguồn thu không cân đối một cách bền vững”, đại biểu Hàm nói và cho biết thêm tỷ lệ thu ngân sách Trung ương cũng đang bị giảm so với giai đoạn trước. Điều này sẽ khiến chúng ta không làm được các công trình quan trọng quốc gia.
Về vấn đề nợ công, đại biểu Hàm cho rằng, chúng ta đã thành công lớn khi đã cơ cấu lại nợ, giảm được khoản trả nợ trong ngắn hạn. Theo ông, việc vay mới trả nợ cũ có ưu điểm là lãi suất thấp hơn giai đoạn trước, nhưng quy mô nợ rất lớn, và ngân sách Trung ương vẫn không có thặng dư để trả nợ nên có thể kéo dài nhiều năm nữa.
“Từ này đến 2021, mỗi năm ta có thể mất 400 nghìn tỷ để trả nợ lãi và gốc, tương đương với chi đầu tư của chúng ta”, đại biểu Hàm nói và nhất trí với chủ trương vay để phát triển.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.