Ông Phạm Văn Tam Asanzo bị khởi tố, tội danh trốn thuế có hình phạt thế nào?

Quang Trung Thứ hai, ngày 24/06/2024 12:04 PM (GMT+7)
Theo luật sư, tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi trốn thuế từ 100 triệu đồng trở lên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Trốn thuế theo quy định tại Điều 200 Bộ luật hình sự 2015.
Bình luận 0

Khởi tố ông Phạm Văn Tam Asanzo

Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Phạm Văn Tam – nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo (Công ty Asanzo) về tội trốn thuế.

Ông Phạm Văn Tam Asanzo bị khởi tố, tội danh trốn thuế có hình phạt thế nào?- Ảnh 1.

Ông Phạm Văn Tam trước khi bị khởi tố. Ảnh: TL.

Theo cơ quan điều tra, ông Phạm Văn Tam đã có chỉ đạo cho ông Phạm Xuân Tình – Tổng giám đốc công ty này ký kết các hợp đồng nguyên tắc với Công ty TNHH đầu tư thương mại Việt Tài, Công ty TNHH đầu tư sản xuất An Thiên, Công ty TNHH đầu tư xuất nhập khẩu Trần Thoàn.

Sau đó, việc "mua bán" này không xuất hóa đơn và để ngoài sổ sách kế toán liên quan đến doanh thu bán hàng Công ty Asanzo. Hành vi này bị cơ quan công an cáo buộc "nhằm mục đích trốn tiền thuế phải nộp" là hơn 15,7 tỷ đồng.

Bộ luật hình sự quy định về tội trốn thuế ra sao?

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp- Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, theo quy định của pháp luật, hành vi trốn thuế là hành vi vi phạm quy định của luật quản lý thuế gây thất thu ngân sách nhà nước.

Tổ chức cá nhân thực hiện hành vi trốn thuế từ 100 triệu đồng trở lên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Trốn thuế theo quy định tại Điều 200 Bộ luật hình sự 2015.

Trong vụ việc nêu trên, theo xác minh của cơ quan điều tra, các bị can đã có hành vi không xuất hóa đơn và để ngoài sổ sách kế toán liên quan đến doanh thu bán hàng Công ty Asanzo…

Đây là một trong các hành vi được mô tả trong quy định tại Điều 200 Bộ luật hình sự, hành vi này dẫn đến thất thu thuế hàng tỷ đồng tiền ngân sách Nhà nước nên các bị can bị khởi tố là có căn cứ và nếu bị chứng minh có tội có thể phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất của tội trốn thuế.

Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ hành vi phạm tội, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức cá nhân có liên quan để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo luật sư Cường, tội trốn thuế có thể xử lý đối với cá nhân và pháp nhân thương mại. Bởi vậy, cơ quan điều tra sẽ làm rõ ngoài cá nhân đã bị khởi tố, cơ quan điều tra có khởi tố thêm đối với pháp nhân thương mại hay không để xử lý theo quy định của pháp luật.

Tội danh này có hai loại hình phạt là phạt tiền và phạt tù, mức phạt tiền cũng rất nghiêm khắc cho thấy sự nghiêm minh của pháp luật, đối với hình phạt tù, có thể tới 7 năm tù.

Trường hợp người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả, có nhiều thành tích trong quá trình học tập, làm việc, gia đình có công với cách mạng…là những tình tiết có thể xem xét giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự.

Điều đáng chú ý tội trốn thuế còn có hình phạt bổ sung là phạt tiền, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Vì vậy, trường hợp xét xử tuyên bị cáo có tội, HĐXX cũng có thể áp dụng hình phạt bổ sung ngoài hình phạt chính theo quy định pháp luật nêu trên.

"Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản", vị chuyên gia dẫn luật.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem