Nhiều nước EU, ví dụ như Đức, phụ thuộc nặng nề vào nguồn cung khí đốt từ Nga (ảnh: CNN)
“Bất kỳ nước EU nào cúi đầu trước yêu cầu của Nga bằng việc trả tiền mua dầu, khí đốt bằng đồng rúp sẽ chẳng khác nào dùng một tay giúp Ukraine còn tay kia giúp Nga tấn công Ukraine”, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba viết trên Twitter.
Trước đó, hôm 23.3, Tổng thống Nga Putin tuyên bố, một số quốc gia “không thân thiện” sẽ phải mua khí đốt của nước này bằng đồng rúp. Theo CNN, động thái trên được cho là “lời nhắc nhở” về tầm quan trọng về nguồn cấp năng lượng của Nga cho châu Âu.
“Tôi kêu gọi tất cả các nước liên quan phớt lờ Nga, đưa ra lựa chọn khôn ngoan và có trách nhiệm”, ông Dmytro Kuleba viết.
Theo CNN, kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, EU đã xảy ra chia rẽ khi một số nước phụ thuộc quá lớn vào nguồn khí đốt của Nga để sưởi ấm và sản xuất điện, trong khi số còn lại muốn tẩy chay năng lượng Nga.
Khí đốt từ Nga chiếm 40% tổng lượng tiêu thụ nhiên liệu của châu Âu. Hiện tại, mỗi ngày EU chi khoảng 880 triệu USD để mua khí đốt từ Nga.
Theo một số chuyên gia, Nga không có quyền đơn phương thay đổi các điều khoản của hợp đồng đã ký kết với nước ngoài về cung cấp khí đốt, trong đó có cả điều khoản về đồng tiền thanh toán.
"Hợp đồng mua khí đốt được ký kết giữa các nước và nó thường được thanh toán bằng đồng USD hoặc euro. Vì vậy nếu một bên đơn phương nói rằng ‘không, bạn sẽ phải trả tiền bằng cách này hay cách khác’ thì hợp đồng xem như bị vi phạm", Tim Harcourt, nhà kinh tế trưởng tại Viện chính sách công và quản trị của Đại học Công nghệ Sydney, nhận xét.
Trong bài phát biểu hôm 23.3, ông Putin cho rằng, Nga “không còn cảm thấy” cần phải bán hàng hóa của nước này cho Mỹ và phương Tây để thu về USD hay euro.
“Mỹ và phương Tây mặc nhiên áp đặt một loạt quy định với Nga. Nhưng giờ đây, ai trên thế giới cũng biết rằng, Nga không có nghĩa vụ phải giao dịch bằng đồng USD hay euro”, ông Putin nói
Tuyên bố của ông Putin khiến giá trị đồng rúp tăng mạnh trên thị trường, lên mức 97,7 rúp/USD.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.