Ông Tập Cận Bình và Olympic 2008

Chủ nhật, ngày 25/12/2011 06:28 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam của Phó Chủ tịch nước CHND Trung Hoa Tập Cận Bình khiến nhiều người nhớ lại Olympic Bắc Kinh 2008. Lúc đó ông Tập Cận Bình chính là tổng chỉ huy của kỳ Olympic này.
Bình luận 0

Ngay cả hai năm sau đó, khi chúng tôi đến Quảng Châu (Trung Quốc) để chuẩn bị cho kỳ ASIAD 2010 thì những tư tưởng của nhà chính trị họ Tập vẫn được các quan chức thể thao Trung Quốc nhắc đến như một kim chỉ nam.

img
Ông Tập Cận Bình chỉ đạo công tác tại Olympic 2008.

Ông Ngụy Văn Khởi - Phó Giám đốc Sở Thể thao Phật Sơn (một thành phố thuộc Quảng Đông) đã nhắc đi nhắc lại lời nói của ông Tập Cận Bình khi định hướng cho Olympic 2008: "Một Olympic an toàn là tiền đề cho một thế vận hội đầu tiên mang màu sắc Trung Quốc".

Chủ đề “Đưa nước thánh về biển lớn” của ASIAD năm đó chính là bước kế thừa cho kỳ đại hội thể thao “mang màu sắc Trung Quốc” năm 2008.

Tuy nhiên nhớ lại năm 2008, tình hình Trung Quốc lúc đó đúng là một thách thức và cũng là một lý do cho những chỉ đạo đúng đắn của ông Tập Cận Bình. Tuyên bố của ông Tập xuất hiện ngay sau khi Phong trào Hồi giáo Đông Đột (ETIM - đòi độc lập cho Tân Cương) tuyên bố sẽ lên kế hoạch các vụ tấn công khủng bố từ ngày 1 đến 8.8. 2008, ngay trước thềm Olympic Bắc Kinh.

Sau tuyên bố của tổng chỉ huy Thế vận hội Bắc Kinh 2008, 300.000 camera an ninh được lắp đặt; 100.000 thành viên lực lượng chống khủng bố triển khai; 440.000 nhân viên an ninh được huy động; tên lửa đất đối không ở những địa điểm chính; an ninh thắt chặt tại sân bay và các ga xe điện ngầm; kiểm tra kỹ càng xe buýt, ô tô; thắt chặt quy định cấp visa...

Để bảo đảm an ninh cho Olympic 2008, ngoài việc huy động nguồn lực trong nước, ông Tập Cận Bình đã đưa ra một quyết sách cực kỳ quan trọng để xóa bỏ đi hình ảnh của một đất nước bảo thủ trong con mắt phương Tây và thế giới: Sử dụng gần như toàn bộ các thiết bị an ninh phương Tây. Qua việc làm này, sự tin cậy của thế giới vào độ an toàn của Olympic Bắc Kinh đã tăng lên rất nhiều.

Bóng ma khủng bố luôn hiện diện ở mỗi kỳ Olympic kể từ khi trong Thế vận hội mùa hè 1972 Munich, 11 vận động viên Israel đã bị giết chết. An ninh là vấn đề được quan tâm nhất mỗi khi Ủy ban Olympic thảo luận chọn Quốc gia đăng cai.

Theo tờ Time, Hiệp hội Công nghiệp An ninh (SIA) có trụ sở tại Mỹ đã đưa ra báo cáo cho hay, Trung Quốc đã đầu tư cho hệ thống camera giám sát và những biện pháp khác là 300 triệu USD tại các địa điểm Olympic và 6,5 tỷ USD cho Bắc Kinh. Tờ báo uy tín này nhận định, Bắc Kinh trở thành một thành phố được bảo vệ lớn nhất trong lịch sử Thế vận hội. Athens - nơi tổ chức Olympic mùa hè đầu tiên sau vụ 11.9, chi chưa đầy 1/4 kinh phí so với Bắc Kinh cho đảm bảo an ninh (khoảng 1,5 tỷ USD).

Tiến sĩ James C.Mulvenon thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Phân tích tình báo tại Washington cho biết: “Trung Quốc đã không ngại ngần đầu tư và sử dụng các công nghệ hiệu quả và quen thuộc với phương Tây và để đảm bảo an ninh. Điều này đã tạo nên một sự an tâm lớn cho cộng đồng quốc tế khi tranh cãi về an ninh tại Olympic 2008 tại Trung Quốc”

Khi Phó Chủ tịch Trung Quốc đang có chuyến thăm Việt Nam, nhiều người đã phải nhớ lại và thán phục quyết sách rất đơn giản nhưng đầy hiệu quả của nhà chính trị này “Huy động tối đa nội lực - Tinh thần cầu thị lớn” được thể hiện tại Olympic 2008.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem