Ông Tập được cho là sẽ chiếm trọn sự chú ý khi tham dự APEC, giữa lúc tổng thống Mỹ - Nga vắng mặt tại hội nghị kinh tế ở khu vực Bắc Kinh và Washington cạnh tranh ảnh hưởng.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tới Bangkok hôm 17/11 để tham dự Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Đây là hội nghị thượng đỉnh quốc tế cuối cùng trong số 3 hội nghị liên tiếp tổ chức trong tuần qua ở châu Á. Tuy nhiên, APEC lần này vắng mặt cả 2 nhà lãnh đạo Mỹ và Nga.
Do đó, ông Tập sẽ tham gia hội nghị kéo dài 2 ngày tại thủ đô Thái Lan mà không đối mặt với Tổng thống Mỹ Joe Biden. Đây vốn là hội nghị thượng đỉnh kinh tế tập trung vào khu vực cạnh tranh giữa Washington và Bắc Kinh. Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin không tham dự cả G20 lẫn APEC.
Theo CNN, nhờ đó, ông Tập sẽ trở thành nhân vật chủ chốt trong danh sách lãnh đạo tham gia sự kiện.
Điều này khiến ông có cơ hội thúc đẩy tầm nhìn kinh tế của Trung Quốc, khi giới lãnh đạo tập trung thảo luận các vấn đề như lạm phát, biến đổi khí hậu, giá lương thực tăng cao, mất an ninh năng lượng và xây dựng thêm ý kiến dựa trên các hội nghị thượng đỉnh ở Phnom Penh và Bali những ngày gần đây.
"Sân khấu là của ông Tập"
Tầm nhìn của ông Tập được đưa ra trong tuyên bố vào tối 17/11 tại sự kiện trong khuôn khổ APEC. Ông đã chỉ trích “tâm lý Chiến tranh Lạnh, chủ nghĩa bá quyền, chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ”, nhưng không đề cập trực tiếp tới Mỹ.
“Châu Á - Thái Bình Dương không phải là sân sau và không nên trở thành đấu trường cạnh tranh quyền lực của các nước lớn. Người dân và thời đại của chúng ta không bao giờ cho phép một cuộc Chiến tranh Lạnh mới xảy ra”, ông nói, theo Reuters.
“Mọi nỗ lực nhằm phá vỡ, thậm chí tháo dỡ chuỗi cung ứng công nghiệp sẽ chỉ khiến hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương đi vào ngõ cụt”, ông nói thêm, ngầm ám chỉ phân tách kinh tế.
Trước đó, ông Tập đã đạt được bước tiến ngoại giao trong cuộc họp G20 ở Bali - nơi ông đặt mục tiêu đưa Trung Quốc trở thành phần không thể thiếu trên trường quốc tế.
G20 là hội nghị thượng đỉnh quốc tế lớn đầu tiên ông Tập tham gia sau khi tái đắc cử vị trí Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng trước. Đây cũng là lần đầu tiên ông gặp mặt trực tiếp lãnh đạo G7 kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Mặc dù căng thẳng của Bắc Kinh với phương Tây vẫn còn gay gắt, các chính sách ngoại giao của ông Tập giúp Trung Quốc có chỗ đứng vững chắc trong hội nghị tại APEC. Đây là nơi nhà lãnh đạo Trung Quốc gặp gỡ doanh nghiệp và họp mặt song phương, gồm cả Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida.
“Cách tiếp cận của ông Tập đã thành công cho đến thời điểm hiện tại. Thế giới ghi nhận việc ông tiếp tục nhiệm kỳ thứ 3, và ông ấy có thể chứng minh mình sẽ thu hút cả trong và ngoài nước”, Yun Sun - Giám đốc Chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson - nhận định.
“Đối với APEC, Trung Quốc vẫn sẽ là trung tâm chú ý, dù có sự xuất hiện của ông Tập và ông Putin hay không. Tuy nhiên, khi không có họ, sân khấu sẽ là của ông Tập”, vị chuyên gia nói. “Ngoài ra, thông điệp cũng mang nhiều ngụ ý, cho thấy cách Mỹ và Nga không gắn kết (vào khu vực) nhiều như Trung Quốc”.
Nút thắt
Dẫu vậy, Mỹ đang có kế hoạch khác. Trong khi ông Biden trở về Mỹ để dự đám cưới cháu gái, Phó tổng thống Kamala Harris sẽ tham dự diễn đàn APEC, trước khi tới Philippines.
Theo một quan chức Nhà Trắng, bà Harris sẽ phát biểu tại cuộc họp với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và khẳng định “không có đối tác nào tốt hơn Mỹ” trong khu vực.
Cạnh tranh kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc đã leo thang vào tháng trước, khi Washington đưa ra các biện pháp chưa từng có hạn chế bán chip và thiết bị sản xuất chip tiên tiến cho Trung Quốc. Động thái này phần nào có thể tác động tới dây chuyền sản xuất của các nền kinh tế APEC.
Đầu năm nay, Washington khởi động Khung kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đây được coi là trọng tâm kế hoạch kinh tế của ông Biden nhằm tham gia sâu vào khu vực, giữa lúc nước này cạnh tranh mạnh mẽ với Trung Quốc.
Ngoài ra, mặc dù hậu quả kinh tế từ chiến sự Ukraine sẽ là mối quan tâm hàng đầu, quan điểm của các nhà lãnh đạo APEC trong vấn đề này có thể ảnh hưởng tới thỏa thuận sau hội nghị.
Bên cạnh đó, những thách thức về mặt kinh tế của Trung Quốc ảnh hưởng tới khu vực ra sao trong thời gian gần đây cũng là chủ đề đáng chú ý.
Cuối tháng trước, dự báo từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho thấy tình hình kinh tế không mấy lạc quan của Trung Quốc là trở ngại tăng trưởng với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, South China Morning Post đưa tin. IMF đã cắt giảm gần 1 điểm % dự báo tăng trưởng của khu vực này.
Trong tuyên bố hôm 17/11, ông Tập kêu gọi nền kinh tế khu vực “cởi mở” và thúc đẩy tiến bộ khoa học - công nghệ. “Tôi hy vọng các bạn, với tư cách là lãnh đạo doanh nghiệp, sẽ tích cực tham gia vào hợp tác kinh tế cùng nỗ lực cải cách, mở cửa và hiện đại hóa của Trung Quốc”, ông nói.
Tuy nhiên, giới quan sát cũng trông chờ việc nhà lãnh đạo Trung Quốc làm rõ chương trình nghị sự kinh tế của Bắc Kinh, đặc biệt khi biên giới và chuỗi cung ứng vẫn bị ảnh hưởng bởi các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19.
“Đây là dấu hỏi lớn với nhiều người”, cựu Ngoại trưởng Thái Lan Kantathi Suphamongkhon nói, đề cập đến việc Trung Quốc sẽ duy trì chính sách Zero Covid-19 và kiểm soát biên giới chặt chẽ trong bao lâu. “Việc APEC đối thoại với chủ tịch Trung Quốc trong vấn đề này là rất quan trọng”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.