"Ông trời" đã ngăn Thành Cát Tư Hãn thôn tính Nam Tống ra sao?
"Ông trời" đã ngăn Thành Cát Tư Hãn thôn tính Nam Tống ra sao?
PV
Thứ sáu, ngày 25/06/2021 20:40 PM (GMT+7)
Miền trung và nhiều vùng khác ở Trung Quốc ấm lên khiến năng suất lương thực tăng vọt, tạo nền tảng vững chắc cho nhà Nam Tống phát triển kinh tế và quân sự, làm chậm lại sự bành trướng của Đế quốc Mông Cổ.
Biến đổi khí hậu giúp Nam Tống ngăn đoàn quân xâm lược của Thành Cát Tư Hãn
Theo SCMP, khu vực miền trung, miền đông và miền nam Trung Quốc nằm trong số những nơi nóng nhất trong thế kỷ 13 ở châu Á. Khí hậu ấm lên bất thường khiến năng suất lúa tăng lên, lương thực dư thừa đủ để nuôi quân và đặt nền tảng vững chắc cho kinh tế và khoa học kỹ thuật địa phương phát triển.
Do đó, đây là bằng chứng cho thấy biến đối khí hậu đóng vai trò như một Vạn Lý Trường Thành ở nam trung bộ, ngăn quân nhà Mông đánh chiếm. Nhà Nam Tống được hưởng lợi nhiều nhất từ biến đổi khí hậu, trong khi triều đại nhà Nguyên ngày một yếu đi vì kinh tế kiệt quệ và nạn tham nhũng.
Nhóm nghiên cứu quốc tế do Shi Feng, giáo sư Viện Địa chất và Địa vật lý, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, dẫn đầu, cùng với các đồng nghiệp châu Âu, Nhật Bản, Nepal và Pakistan đã phân tích hàng trăm dữ liệu khắp thế giới, so sánh biến đổi nhiệt độ mùa hè ở châu Á trong thiên niên kỷ trước.
"Nhiệt độ gia tăng tại miền trung, đông và nam Trung Quốc (vào thế kỷ 13), cao hơn đáng kể so với những vùng khác, có thể so sánh với thế kỷ 20", trích báo cáo đăng trên tạp chí Biến đổi Khí hậu của nhóm tác giả.
Kinh tế miền trung, đông và nam bộ của Trung Quốc thời kỳ đó rất phát triển, chiếm tới 60% sản lượng GDP toàn cầu. Thời kỳ đó cũng đánh dấu nhiều phát minh quan trọng ra đời, trong đó có thuốc súng và la bàn.
Đế quốc Mông Cổ thành lập năm 1206, tồn tại suốt thế kỷ 13. Thành Cát Tư Hãn (1162-1227) kéo quân chinh phạt nhiều đất nước trên thế giới, tới tận phía tây xa xôi, trong đó có Ba Lan, năm 1259. Tuy nhiên, việc mở rộng về phía nam chậm hơn nhiều. Mặc dù nhiều lần kéo quân đánh chiếm phía nam, nhưng phải mất tới 4 thập kỷ, con cháu của Thành Cát Tư Hãn, cụ thể là Hốt Tất Liệt, mới chinh phục được Nam Tống, thống nhất Trung Quốc năm 1279.
Dong Guanghui, giáo sư ngành lịch sử địa chất học ở đại học Lan Châu, người không tham gia nghiên cứu, cho biết xã hội cổ nhạy cảm hơn nhiều đối với biến đổi khí hậu, vì nền kinh tế lúc đó chủ yếu dựa vào nông nghiệp và hoạt động giao thương liên quan tới nông nghiệp. Tuy nhiên, giáo sư Dong cho rằng, không nên phóng đại sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
"Có rất nhiều vùng ấm lên trong lịch sử, tuy nhiên, chỉ có duy nhất một Thành Cát Tư Hãn", Dong nói. "Lịch sử đầy tính ngẫu nhiên. Biến đổi khí hậu không quyết định mọi điều".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.