Đi lính chỉ mong... hy sinh
Vì khi ấy nhà ông nghèo quá, nếu hy sinh thì mẹ sẽ có được suất gia đình liệt sĩ, được hưởng chính sách của Nhà nước, cuộc sống sẽ bớt khổ hơn. Thế mà bom đạn “bỏ quên” ông, sau chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, nước non liền một giải, binh nhì Thiệu Quang Hành trở về với binh nghiệp nhưng cái đói, cái khổ vẫn không hề rời xa. Thương vợ, xót con, ông quyết định xuất ngũ làm kinh tế.
Bể chứa phân bón hữu cơ do ông Hành sản xuất. Ảnh: T.L
Quê ở Hà Nam nhưng ông bén duyên với vùng đất Phú Long (Nho Quan, Ninh Bình). Nơi thâm sơ cùng cốc ấy lúc ông đặt chân đến năm 1991 chỉ là khu đất hoang toàn sỏi đá. Ông không đếm nổi bao nhiêu lần mồ hôi tuôn xuống, bao lần đôi tay bật máu để có được cả miền xanh ngút mắt như hôm nay.
Từng vạt đồi trống dần dần thành vườn cam, bưởi, thành vườn thanh long điểm trái đỏ rực rỡ. Thế mà ông vẫn không muốn dừng lại, ngoài trồng trọt, ông liên kết với 7 hộ khác thành lập HTX liên doanh các trang trại Nho Quan, chuyên chăn nuôi lợn do ông làm chủ nhiệm. Vị trí của người “đứng mũi chịu sào” thực sự rất hợp với ông. Từ lo chuyện thuê đất, gom vốn xây chuồng trại đến việc mở rộng đầu tư, đều một tay ông quán xuyến. Đến khi trang trại đạt mốc 5.000 con và HTX hoàn thành việc ký hợp đồng cung cấp lợn thịt với Công ty cổ phần CP thì ông lại nảy ra sáng kiến mới: Tận dụng phân lợn làm phân bón hữu cơ.
Ông trùm phân hữu cơ
Và lần này có vẻ như thành công sẽ không lảng tránh ông nữa, ông tự tin rằng: Ông có cả một thị trường tiềm năng khi Phú Long là vùng sản xuất nguyên liệu rất lớn, nhu cầu phân bón chắc chắn cao; chưa kể, việc sử dụng phân bón hữu cơ sẽ là xu hướng của ngành sản xuất nông nghiệp an toàn.
|
Thực tế việc phân bón hữu cơ không phải là sáng kiến đến bất chợt với ông, ngay từ khi được đi tham quan Nhật Bản và Thái Lan, ông đã luôn chú ý và dành sự quan tâm đặc biệt cho các công nghệ xử lý môi trường. Về nước ông cũng “dăm lần bảy lượt” liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài để thực hiện mong muốn xử lý triệt để chất thải từ 5.000 con lợn, đồng thời có thể kiếm tiền từ thứ bỏ đi ấy.
Nhưng sau 2 lần “bắt tay” bất thành với các doanh nghiệp nước ngoài, ông thuyết phục bằng được em trai - khi ấy là kỹ sư khí tượng thủy văn - xin nghỉ việc để về làm trang trại với ông. Ông tự nhận: “Tôi có ý tưởng, có thể đi kêu gọi vốn nhưng nghiên cứu rồi mày mò sáng chế là tôi chịu chết”. Thật may, ông Thiệu Quang Tân - em trai ông là một nhà khoa học thực thụ, bởi chỉ vài năm chuyên tâm nghiên cứu, ông Tân đã chế tạo ra được đúng ý anh trai mình: Đó là tiết kiệm chi phí, giảm nhân công, vận hành đơn giản và điều quan trọng nhất là: Biến chất thải của lợn thành phân hữu cơ.
Điều đặc biệt, loại phân hữu cơ mà anh em ông Hành “sáng tạo” nên là chất lỏng - một hình thái chưa hề có từ trước đến nay trên thị trường phân hữu cơ. Chính vì thế mà những ngày đầu xuất xưởng, ông mang đi mời khắp làng trên xóm dưới dùng thử mà chẳng ai thèm đoái hoài. Họ không tin một lão nông tri điền như ông có thể làm ra thứ nước tưới thần kỳ “giúp giảm sâu bệnh, tăng năng suất cây trồng” như lời ông quảng cáo. Thậm chí chính con trai ông cũng khéo léo từ chối thành quả của cha mình.
Ông chẳng buồn đi quảng cáo nữa, đem về tưới ngay cho vườn thanh long của mình, kết quả vườn của ông sạch sâu bệnh, trái to, đều và năng suất vượt trội thật. Nhà người ta chỉ thu 70-80 triệu đồng/vụ thì ông thu gần gấp đôi 130 triệu đồng/vụ. Từ chỗ không ai dùng, chỉ sau 1 năm ông không đủ phân nước để cung cấp.
Hiện tại, hồ sơ xin xác nhận chất lượng và công nhận phân hữu cơ của ông đang chờ các cơ quan chức năng thẩm định. Và lần này có vẻ như thành công sẽ không lảng tránh ông nữa, ông tự tin rằng: Ông có cả một thị trường tiềm năng khi Phú Long là vùng sản xuất nguyên liệu rất lớn, nhu cầu phân bón chắc chắn cao; chưa kể, việc sử dụng phân bón hữu cơ sẽ là xu hướng của ngành sản xuất nông nghiệp an toàn… Dù bất cứ lý do gì, ông cũng đã thành công, ít nhất là nghĩa cử cao đẹp với môi trường.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.