Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
ĐBQH Lê Thanh Vân cho biết, trong thời gian ông Vũ Mão giữ chức Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, ông là chuyên viên nhưng được làm việc trực tiếp nhiều với ông Vũ Mão. ĐB Vân có những ấn tượng và câu chuyện kỷ niệm về ông Vũ Mão.
Dân Việt xin đăng tải bài viết của ĐBQH Lê Thanh Vân về những dấu ấn, những đóng góp đặc biệt của nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão trong đổi mới hoạt động, tổ chức của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Người dễ gần, biết lắng nghe và chân tình
Nói về công lao đóng góp của chú Vũ Mão (ĐB Vân xưng hô với ông Vũ Mão - PV) đối với đổi mới tổ chức, hoạt động của Quốc hội là rất đáng kể.
Vào khoảng cuối năm 1989, tôi là sinh viên mới ra trường cầm hồ sơ đến xin việc ở Văn phòng Quốc hội. Tôi được vào gặp chú Vũ Mão, lúc đó đang là Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước.
Chú vui vẻ tiếp đón tôi như một người khách bình thường. Thấy Chú gần gũi, thoải mái, tôi tự tin tới mức rút thuốc lá ra hút ngay tại phòng làm việc. Thấy thế Chú nói một cách tự nhiên, cháu ra ngoài hút được không, Chú không quen mùi thuốc lá. Ngay từ giây phút gặp gỡ đầu tiên đó, tôi cảm nhận Chú là người dễ gần, biết lắng nghe và chân tình.
Đầu năm 1990, tôi được nhận về công tác tại Vụ hoạt động Đại biểu dân cử (Văn phòng Quốc hội). Quá trình tôi công tác tại đây là chuyên viên nhưng được Chú Vũ Mão thường xuyên cho đi cùng trong những chuyến công tác dài ngày ở các tỉnh.
Chú rất quý tôi. Chú cháu đi công tác thường trao đổi trên xe ô tô. Nhiều lần Chú cho tôi ngồi cạnh, còn Thư ký của Chú ngồi phía ghế trên.
Những lần đi công tác đó, Chú và tôi cùng trao đổi rất nhiều vấn đề về đổi mới tổ chức, hoạt động của Quốc hội. Bởi Chú biết tôi làm luận văn tốt nghiệp đại học với nội dung: "Phương thức tổ chức và phương thức hoạt động của Quốc hội".
Là một sinh viên mới ra trường, khi về công tác ở Văn phòng Quốc hội, tôi tiếp cận vấn đề thận trọng, biết gì nói đó. Còn Chú tỏ ra rất chân tình, luôn lắng nghe, trao đổi lại. Trong tổ chức hoạt động của Quốc hội vấn đề làm sao đổi mới được hoạt động làm tiền đề cho đổi mới tổ chức. Đây là điều tôi thường suy nghĩ.
Một lần vào khoảng năm 1993, Chú cho tôi đi công tác cùng đến HĐND TP.Hà Nội. Trước khi lên xe ô tô, Chú dặn, đến đó thấy họ có gì có thể đổi mới được thì cháu góp ý cho Chú. Tôi nói: Trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của cả Quốc hội và HĐND nên đổi mới. Tại sao những vấn đề Quốc hội, HĐND họp, mà đây là cơ quan dân cử lại không công khai cho dân biết.
Là người nhạy cảm, Chú cho biết đã nghĩ tới vấn đề này và bảo chúng ta tiếp tục nghiên cứu, đề xuất một cách kiên trì.
Sau khi làm việc, trong bữa ăn trưa, Chú cho tôi ngồi cạnh, cùng với ông Phạm Lợi, lúc đó là Chủ tịch HĐND Hà Nội. Sau khi trao đổi Chú quay sang hỏi ông Phạm Lợi: Hà Nội có đổi mới được không? Ông Lợi trả lời, Trung ương phải đổi mới trước để làm gương cho địa phương.
Ông Lợi có nói một một câu rất đáng chú ý: Nếu như các kiến nghị của cử tri không được công khai cho cử tri biết thì không có cơ sở gì để giám sát Quốc hội.
Đổi mới mang tính đột phá trong hoạt động của Quốc hội
Một thời gian ngắn sau Quốc hội họp, chú Vũ Mão giao cho tôi nhiệm vụ làm báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước thông qua các đợt tiếp xúc cử tri của các ĐBQH được các địa phương gửi về. Chú bảo, trên tinh thần đó phải tập hợp lại, kiến nghị phải có đổi mới trong việc truyền hình phát thanh trực tiếp.
Chú giao cho anh Nguyễn Sĩ Dũng (lúc đó là Thư ký của ông Vũ Mão –PV) cùng làm với tôi. Hai anh em ngồi tập hợp rồi viết. Hồi đó anh Dũng có máy tính cá nhân để gõ. Công việc từ 3 giờ chiều ngày hôm trước đến 7 rưỡi sáng hôm sau mới xong, cả đêm 2 anh em thức trắng để làm.
Sáng hôm sau khi báo cáo này được đem lên Hội trường Ba Đình. Chú Vũ Mão đọc, sau đó trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Báo cáo đó cũng được phát hành ngay cho các ĐBQH.
Đáng chú ý trong báo cáo này có kiến nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải nghiên cứu phương án tổ chức truyền hình trực tiếp về phiên báo cáo kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri và chất vấn của các ĐBQH.
Sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội lúc đó là ông Nông Đức Mạnh. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất báo cáo Bộ Chính trị xin truyền hình trực tiếp phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Sau đó phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội được truyền hình trực tiếp diễn ra rất thành công.
Có thể nói, việc truyền hình trực tiếp phiên chất vấn và trả lời chất vấn là "cú hích" rất quan trọng, ghi dấu ấn của chú Vũ Mão đối với đổi mới hoạt động của Quốc hội.
Hơn 10 năm sau, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn phát triển lên tầm cao mới, vẫn là thời kỳ chú Vũ Mão làm Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Có thể nói, sau thành công bước đầu, chú Vũ Mão vẫn tiếp tục sôi sục tinh thần đổi mới các kỳ họp Quốc hội. Tôi là người được "kéo" vào với tư cách một chuyên viên giúp việc.
Đóng góp trong ứng dụng công nghệ thông tin
Khi chú Nguyễn Văn An làm Chủ tịch Quốc hội, một hôm tôi nhận được điện thoại của văn thư báo lên gặp Chú lúc 2 giờ chiều. Tôi thấy lo, nghĩ không biết Chủ tịch Quốc hội gọi lên có việc gì. Khi tôi bước vào phòng thấy chú An đang cầm cuốn luận án tiến sĩ của tôi về đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của Quốc hội. Khi đọc Chú đã đánh dấu rất nhiều chỗ trên cuốn luận án.
Chú An hỏi tôi rất nhiều vấn đề đổi mới hoạt động của Quốc hội. Những gì chú Vũ Mão thường trao đổi với cá nhân tôi, tôi tiếp tục phát triển và báo cáo lại với chú An. Tôi vẫn chọn đột phá vào hoạt động chất vấn của Quốc hội.
Thời kỳ đó chất vấn của Quốc hội thường xuyên thay đổi. Thời kỳ trước các chất vấn công khai là ĐBQH gửi chất vấn đến, sau đó Bộ trưởng và các thành viên Chính phủ lên đọc báo cáo giải trình trả lời chất vấn, rất ít diễn ra việc hỏi đáp trực tiếp, tranh luận trong khi chất vấn.
Đến thời kỳ Chủ tịch Quốc hội khóa XI Nguyễn Văn An, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đã theo phương thức mới. Đó là thu hẹp các nội dung giải trình trả lời bằng văn bản, dành thời gian cho chất vấn và và trả lời chất vấn trực tiếp tại hội trường.
Lúc đó chú An giao tôi nhiệm vụ ngồi trong phòng của Đoàn Chủ tịch để giúp chuẩn bị những nội dung liên quan đến vấn đề đang chất vấn trực tiếp trên Hội trường. Vấn đề nào đã được chất vấn rồi, nhưng chưa được giải quyết, được chú An nhắc luôn và yêu cầu các tư lệnh ngành phải hứa xử lý ngay.
Nói câu chuyện đó để thấy công lao đóng góp của Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão lúc đó rất lớn, từ việc khởi xướng, thuyết phục, cho đến lúc được chấp nhận cũng là quá trình nhưng đã diễn ra nhanh.
Đóng góp lớn nữa của chú Vũ Mão là việc ứng dụng khoa học công nghệ thông tin trong hoạt động của Quốc hội như kết nối mạng internet, lập các dự án mạng LAN (mạng tương tác nội bộ) vào hoạt động của Quốc hội…
Chú cũng là người đề xuất và thực thi việc ứng dụng hệ thống micro đặt tại vị trí của ĐBQH, thay vì phải lên bục phát biểu như trước, đặt nền móng cho việc hoàn thiện hạ tầng điện tử cho việc điểm danh, đăng ký phát biểu và biểu quyết bằng hình thức này.
Thời gian chú Vũ Mão làm Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội là thời kỳ có nhiều đổi mới về hoạt động của HĐND. Khi tôi về công tác ở Văn phòng Quốc hội cũng trùng với thời điểm Luật tổ chức HĐND, UBND vừa mới ra đời với một thiết chế mới là Thường trực HĐND. Vụ hoạt động đại biểu dân cử giúp cho Hội đồng Nhà nước (trước đây) sau này giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện quy định mới của Luật, củng cố tổ chức Thường trực của HĐND, hướng dẫn hoạt động của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND.
Chú Vũ Mão rất nhiệt huyết trong việc này, thường xuyên đi công tác và tôi luôn được đi tháp tùng. Có một lần đi công tác ở các HĐND tỉnh từ phía Bắc vào Nam, trùng thời điểm lũ lụt lịch sử ở miền Trung năm 1999.
Chú và tôi ngồi trên ô tô xe đi vào Huế, hai chú cháu nói chuyện rất nhiều. Chú cho biết, lần này Trung ương giao cho các Ủy viên Trung ương đi thực tế, chú kết hợp đi giám sát, cần phải ghi chép lại tất cả những điều "mắt thấy tai nghe" ở cơ sở, Vân giúp cho chú làm báo cáo tổng thể. Trên đường đi chú cháu vừa trao đổi, khi làm việc lắng nghe ý kiến của các địa phương từ Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.
Tôi đã ghi chép và viết báo cáo gồm 8 vấn đề, từ kinh tế trang trại, đến tổ chức bộ máy chính quyền, hệ thống chính trị, chất lượng cán bộ… Sau đó giúp Chú viết báo cáo dài 11 trang. Tôi nhớ, sau khi Chú gửi báo cáo đó cho các cán bộ cấp cao, Chú bảo tôi nhân bản gửi cho nhiều người xin.
Điểm đáng chú ý trong báo cáo này là tổ chức chính quyền địa phương, đấy là quan điểm rất "sáng" về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, trong đó đề cao vai trò giám sát của HĐND và đổi mới giám sát của HĐND.
Sáng nay (3/6), Lễ tang Vũ Mão được tổ chức theo nghi thức Lễ tang Cấp cao, do Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trì.
Lễ viếng từ 7 giờ 00 phút đến 10 giờ 45 phút ngày 3 tháng 6 năm 2020 tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.
Lễ Truy điệu vào hồi 10 giờ 45 phút; di quan vào hồi 11 giờ 15 phút cùng ngày. An táng tại Nghĩa trang Thiên Đức, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ.
Ông Vũ Mão sinh năm 1939, quê Nam Định. Ông là Ủy viên Trung ương Đảng 5 khóa; Đại biểu Quốc hội 4 khóa; nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại; nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; nguyên Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.