Ông Vũ Tiến Lộc: "Trung Quốc đầu tư nhằm thải loại công nghệ cũ, Việt Nam là nơi đến"

P.V Thứ tư, ngày 26/06/2019 11:20 AM (GMT+7)
"Trung Quốc đang đứng trước yêu cầu phải đổi mới về công nghệ, tạo nên bước nhảy vọt để cạnh tranh. Do đó, họ buộc phải thay thế rất nhiều công nghệ lạc hậu. Các công nghệ này sẽ được đẩy sang các nước láng giềng và Việt Nam chắc chắn là nơi được tìm đến”, ông Vũ Tiến Lộc cho biết.
Bình luận 0

img

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Trao đổi với báo chí bên lề Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2019 (VBF 2019) đang diễn ra tại Hà Nội, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết, thời gian qua, Việt Nam đang được đánh giá là điểm đến của các nhà đầu tư ngoại. Theo đó, báo cáo của PwC chi ra trong 2 năm gần đây, Việt Nam đã vượt Trung Quốc trở thành nền kinh tế có sức thu hút hàng đầu trong APEC.

"Tổng vốn FDI vào Việt Nam đã đạt những con số kỷ lục. Song lợi thế của Việt Nam trong thu hút vốn nước ngoài vẫn chủ yếu là do chi phí lao động tương đối rẻ, quy mô thị trường lớn, có ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do. Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng muốn tận dụng vị thế địa chính trị đặc biệt của Việt Nam.

Thời gian gần đây, nền kinh tế tiếp tục đón dòng vốn FDI chảy mạnh vào, đặc biệt là từ Trung Quốc. Dù vậy, dòng vốn hiện đang tập trung vào mảng lắp ráp, gia công”, ông Vũ Tiến Lộc đưa ra thông tin.

Theo ông Lộc, nguồn lực luôn là thứ hữu hạn, nếu Việt Nam tiếp nhận nhiều dự án về gia công, lắp ráp sẽ dẫn tới tình trạn cơ sở hạ tầng quá tải, không gian phát triển cho các lĩnh vực khác dần thu hẹp.

"Nếu Việt Nam trở thành công xưởng giản đơn của thế giới thì không phát triển được. Chúng ta phải tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu ở những công đoạn cao", ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Ông Lộc cho rằng, đây là lúc Việt Nam cần đưa ra bộ tiêu chuẩn kỹ thuật, nhằm lựa chọn những dự án đầu tư phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước. Và Việt Nam hiện đã bước qua giai đoạn phải thu hút FDI bằng mọi giá, đất nước có quyền lựa chọn những yếu tố cần thiết và phù hợp từ dòng vốn ngoại, phục vụ cho sự phát triển bền vững.

Chia sẻ về dòng vốn đầu tư Trung Quốc đổ vào Việt Nam trong thời gian qua, ông Vũ Tiến Lộc cho biết, bên cạnh những nhà đầu tư có sự dịch chuyển để hạn chế tác động của chiến tranh thương mạ, bản thân Trung Quốc này đang có nhu cầu đầu tư ra bên ngoài nhằm thải loại các công nghệ cũ.

Ông Lộc dự báo: "Trung Quốc đang đứng trước yêu cầu phải đổi mới về công nghệ, tạo nên bước nhảy vọt để cạnh tranh. Do đó, họ buộc phải thay thế rất nhiều công nghệ. Các công nghệ này sẽ được đẩy sang các nước láng giềng và Việt Nam chắc chắn là nơi được tìm đến. Các doanh nghiệp trong nước vì thế phải rất lưu ý điều này

Nếu các doanh nghiệp Việt Nam ôm những dây chuyền có công nghệ lạc hậu, Việt Nam sẽ không cạnh tranh được không chỉ trong việc xuất khẩu mà còn thua ngay trên sân nhà. Rõ ràng, áp lực cạnh tranh là rất lớn trong bối cảnh Trung Quốc muốn nâng cao công nghệ và diễn biến leo thang của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem