Ông xe ôm, bà bán bún có phải đóng thuế?

Nhất Tâm (TP.HCM) Thứ tư, ngày 27/01/2016 18:09 PM (GMT+7)
Trong hai ngày gần đây, dư luận xôn xao với thông tin “thợ hồ có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm phải đóng thuế”. Điện tử Dân Việt nhận được một số phản ánh, bài viết của bạn đọc về vấn đề này. Xin đăng tải để bạn đọc cùng tham khảo.
Bình luận 0

Báo chí đưa tin phụ hồ có thu nhập trên 100 triệu/năm phải nộp thuế. Điều này đúng trên luật hiện hành, có lợi cho ngân sách song đó chỉ là bề nổi vì vẫn còn "bài toán gốc" cần nhà nước giải đáp.

img

Một phu hồ lành nghề có thể kiếm từ 400.000 đồng đến 450.000 đồng (ảnh minh họa). I.T

Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế Phạm Đình Thi trả lời trên báo chí: "Trong luật, các trường  hợp cá nhân kinh doanh dưới 100 triệu không nộp thuế giá trị gia tăng, phụ hồ chỉ là người công lao động nếu thu nhập trên 100 triệu/năm, tức là mỗi tháng 10 triệu, theo thuế thu nhập cá nhân thì phải tính theo đây là cá nhân người phụ hồ đó được ngần ấy tiền hay là có người ăn theo, hơn nữa còn phụ thuộc theo gia cảnh nữa."

Phụ hồ chỉ là lao động công nhật và khi họ có hợp đồng ăn lương, chế độ bảo hiểm, phụ cấp công việc,... tại một công ty nào đó thì họ trở thành công nhân xây dựng. Nếu thuế căn cứ vào luật để thu thuế thu nhập (trên 100 triệu/năm) đối với họ thì tất cả mọi công dân khác như ông bán phở, bà bán bún, chú xe ôm, cậu IT tự do,... là những người hành nghề buôn bán tự do nếu có thu nhập cũng sẽ phải đóng thuế thu nhập.Nhưng Nhà nước chưa tính đến việc họ phải bỏ ra bao nhiêu chi phí cho thu nhập ấy.

Ví dụ một thợ hồ tự do tôi quen là thợ lành nghê, tiền công mỗi ngày từ 400.000-450.000 đồng. Suy luận cơ học bằng cách nhân số tiền ấy với 365 ngày trong năm thì người này chắc chắn phải đóng thuế. Nhưng ít ai biết ngoài bảo hiểm xã hội tự mua thì người thợ hồ ấy phải bán sức lao động trong môi trường khó bụi độc hại, chi phí ăn uống mỗi ngày khá cao do dùng sức nhiều (100.000-120.000 đồng/ngày).

Tương tự, ông bán phở, bà bán bún, chú xe ôm, cậu IT tự do,... cũng có những khoản chi cho nguyên liệu, sức khỏe, xăng xe, máy móc,... của riêng mình. Những khoản chi ấy đại đa số không có hóa đơn và bản thân họ không có mã số thuế.Người thợ hồ tôi vừa nhắc ở trên vốn cao 1m71, nặng gần 70kg nay nằm nhà vợ nuôi vì "bệnh hậu" cho cái nghề cực nhọc ấy dù chưa tới 50 tuổi...

Nói như vậy để thấy rằng vấn đề thu thuế mà tính toán theo kiểu cơ học là bất hợp lý. Nó không khác gì trước đây quy định các hộ kinh doanh có doanh thu 100.000.000 đồng/năm phải đóng thuế. Với mức bán 10 tô bún mỗi tô từ 30.000 đồng thì cả nước sẽ phải đóng thuế. Nhưng chi phí mặt bằng, nhân viên, nguyên liệu, điện nước,... để tạo ra tô bún ấy lại không bị trừ ra.

Vậy thì khi nào Nhà nước còn chưa có mã số thuế cá nhân cho mọi công dân, mọi hộ kinh doanh thì việc thu thuế sẽ "oan" cho nhiều người. Một quốc gia thường giao dịch bán lẻ như Việt Nam rất khó "đòi" hóa đơn khi mua 1 gói thuốc một túi dầu gội, bộ lòng gà,... thì người lao động biết làm sao để "kêu oan" với ngành thuế?

"Cơ sở hạ tầng quyết định kiến trúc thượng tầng" là chân lý. Và Nhà nước phải giải quyết "bài toán gốc" về quản lý trước khi đưa ra những mức thuế, phí mà chưa có khảo sát khoa học nào làm cơ sở.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem