“Ông xóa nghèo” của người Cơ Tu

AN SƠN Thứ năm, ngày 13/11/2014 07:22 AM (GMT+7)
Bằng việc sáng lập và dẫn dắt “Tổ xóa nghèo”, ông đã đưa lại cuộc sống ấm no cho rất nhiều gia đình đồng bào Cơ Tu ở huyện miền núi Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Đó là ông Hồ Tứi (80 tuổi) ở thôn Dỗi, xã Thượng Lộ, được đồng bào Cơ Tu gọi bằng cái tên trìu mến “ông xóa nghèo”.
Bình luận 0

Sáng kiến có một không hai

Trước đây, cuộc sống của người Cơ Tu ở Nam Đông trượt dài trong nghèo đói, là hậu quả của lối sống du canh du cư, cây trồng, vật nuôi không được chăm sóc đến nơi đến chốn nên không cho thu nhập; mặt khác do đời sống của đồng bào bị trói buộc bởi rất nhiều hủ tục, làm cái gì cũng sợ Giàng (Trời) phạt. Thực trạng này khiến ông Tứi trằn trọc, để rồi ông quyết tâm tìm một hướng đi mới cho đồng bào.

img

Vợ chồng ông Hồ Tứi đã vinh dự được đón tiếp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến thăm. Ảnh: An Sơn

 

Năm 2004, vừa về nghỉ hưu, ông bắt tay vào việc thành lập “Tổ xóa nghèo” với mục đích giúp đồng bào vươn lên làm giàu và xóa bỏ hủ tục. Ông đã băng rừng vượt suối đến các xã trên địa bàn huyện vận động các cán bộ đã về hưu và các già làng, trưởng bản có uy tín tham gia “Tổ xóa nghèo”. Từng có thâm niên gần 10 năm làm Bí thư Huyện ủy Nam Đông, lại có uy tín trong dân, nên một thời gian ngắn sau đó ông đã vận động được 6 người vào “Tổ xóa nghèo” và ông được bầu làm tổ trưởng.

Sau khi “Tổ xóa nghèo” ra đời, hàng ngày ông cùng các thành viên trong tổ lặn lội đến từng gia đình ở các bản làng thuyết phục đồng bào chấm dứt nạn du canh du cư, phát triển các mô hình sản xuất hiệu quả và xóa bỏ các hủ tục. Nghĩ thì đơn giản nhưng khi đi vào thực tế, các thành viên trong tổ gặp vô vàn khó khăn. “Nhiều gia đình khi mình đến vận động họ bảo làm theo cái mới là trái với quy định của Giàng nên kiên quyết không nghe. Nhưng bằng biện pháp “mưa dầm thấm lâu”, chúng tôi đã thuyết phục được bà con làm theo hướng dẫn của mình”- ông Tứi kể.

Không chỉ thuyết phục bằng lời nói, các thành viên trong tổ còn cùng ăn, cùng ở và cùng làm với dân bản; xắn tay đào hố trồng cây, bón phân, làm chuồng trại, kiếm thức ăn cho các vật nuôi của bà con… Ông bảo: “Mình phải miệng nói tay làm thì bà con mới nghe và làm theo, chứ cứ nói suông thì họ không làm mô. Vận động, hướng dẫn rồi nhưng còn phải xuống kiểm tra, nhắc nhở thì hiệu quả mới cao”.

Đổi đời cho dân bản

Những việc làm của “Tổ xóa nghèo” đã đưa lại những đổi thay trong nếp nghĩ, cách làm của bà con. Đến nay, gần 100% hộ đồng bào trên địa bàn huyện đã biết tự xóa nghèo bằng các mô hình sản xuất trồng lúa nước, trồng cây công nghiệp, chăn nuôi và biết phòng chống dịch bệnh. Nhờ đó đã có rất nhiều mô hình chăn nuôi và trồng rừng kinh tế, cao su trên địa bàn đưa lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Về lúa nước, nếu như trước đây mỗi ha chỉ thu được từ 20-30 tạ thì nay mỗi ha đã cho sản lượng từ 50- 60 tạ. Đặc biệt, bà con Cơ Tu ở Nam Đông còn biết tân dụng những nét độc đáo trong sinh hoạt văn hóa, ẩm thực, phong cảnh của mình để phát triển du lịch, đưa lại thu nhập khá cho nhiều hộ gia đình.

Hiệu quả to lớn từ hoạt động của “Tổ xóa nghèo” là trước năm 2004 toàn huyện có hơn 30% số hộ nghèo thì nay chỉ còn 7,5%. Đặc biệt, qua “Tổ xóa nghèo”, nhiều sai phạm của các cán bộ xã đã đến được “tai” huyện nên được xử lý kịp thời, giữ vững niềm tin của dân vào Đảng, Nhà nước. “Giờ hầu hết dân bản đã no cái bụng rồi thì mình phải giúp họ phát triển sự học và giữ gìn bản sắc văn hóa để đi lên bền vững…” - ông Tứi chia sẻ.

Nói về vai trò của “Tổ xóa nghèo”, ông Trần Xuân Bình - Bí thư Huyện ủy Nam Đông cho biết: “Đồng bào trên địa bàn huyện có được cuộc sống như ngày hôm nay có công rất lớn của ông Tứi và các thành viên trong “Tổ xóa nghèo”. Các ông đã hy sinh những ngày tháng tuổi già của mình để đem lại ấm no cho dân bản”. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem